Mỹ dùng đồng minh ngăn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc

CẨM ANH 09/03/2021 05:00

Sau khi trở thành Tổng thống, ông Joe Biden cùng nội các đã nhanh chóng thúc đẩy việc khôi phục quan hệ với các đồng minh để ngăn chặn sức ảnh hưởng của Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh

Vừa qua, truyền thông Mỹ đưa tin, Kurt Campbell, điều phối viên chính sách khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Nhà Trắng, họp nhiều lần với đại sứ các nước trong nhóm Bộ tứ kim cương (Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc) vài tuần qua. Một nguồn tin thân cận với các cuộc thảo luận tiết lộ chiến lược đang được xây dựng sẽ có tầm ảnh hưởng và tham vọng hơn là xoay quanh vấn đề phân phối vắc xin chống COVID-19 đồng đều ra toàn cầu.

Theo thông tin được đăng tải trên tờ Financial Times, Mỹ đang trong các bước cuối của việc chuẩn bị cho điều được kỳ vọng là một sáng kiến lớn và đột phá ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nguồn tin này cũng cho biết thêm, các bên nhất trí cần đối phó với các vấn đề xuyên quốc gia như đại dịch, biến đổi khí hậu, an ninh khu vực; đồng thời thảo luận việc thúc đẩy hợp tác hàng hải, an ninh mạng…

Có thể thấy, mạng lưới liên minh của Hoa Kỳ là một trong những yếu tố lâu dài và thành công nhất trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ kể từ Thế chiến thứ hai. Các liên minh của Hoa Kỳ đã liên tục thích nghi và phát triển trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, nhưng giờ đây họ phải đối mặt với một thách thức mới, đó là cùng nhau xây dựng kế hoạch để phản ứng lại trước ảnh hưởng ngày càng tăng về kinh tế, quân sự và công nghệ của Trung Quốc.

Mặc dù có cùng lập trường với chính quyền của người tiền nhiệm Donald Trump, nhưng thay vì đơn phương đối đầu với Trung Quốc, chính quyền mới của Tổng thống Biden lại kỳ vọng vào việc xây dựng khối liên kết để hạn chế tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Như Nadège Rolland, một chuyên gia về Trung Quốc tại cơ quan Nghiên cứu châu Á Quốc gia nhận định, mọi người đều cho rằng, sẽ có một sự khác biệt lớn giữa chính quyền ông Trump và ông Biden. Nhưng trong một vài tuần đầu tiên, đó dường như thiên về sự tiếp nối, không chỉ về phong cách và tông giọng mà còn về sự nhận thức trước những thách thức mà Trung Quốc gây ra.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Phó tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Joe Biden tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh năm 2013. Ảnh: Lintao Zhang / EPA

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay ông Joe Biden, lúc này là Phó Tổng thống Mỹ tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh năm 2013. Ảnh: Lintao Zhang / EPA

Trong những năm qua, các quan chức thuộc chính quyền Mỹ đều nhận thức sâu sắc rằng, Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều vào các nỗ lực nhằm thử nghiệm sức mạnh của Mỹ; đồng thời ngăn cản Mỹ bảo vệ lợi ích quốc gia và các đồng minh trên toàn thế giới.

“Việc xây dựng liên minh vững chắc cho phép Mỹ tạo một “sân chơi mới”, một tầm nhìn thống nhất và tập hợp sức mạnh để thiết lập và thúc đẩy các quy tắc quốc tế mới để buộc các quốc gia như Trung Quốc phải tuân thủ và chịu trách nhiệm giải trình”, ông Rolland phân tích. Đó là lý do tại sao Mỹ tái khẳng định sẽ đầu tư và hiện đại hóa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các liên minh với Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ở Washington, các quan chức Mỹ tin rằng, ông Trump đã đúng khi có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc. Ông Harsh V. Pant, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học King’s College, London cho biết, Tổng thống Biden đã đưa ra những dấu hiệu về điều này nhiều lần. Ông đang đề cập việc đến chính quyền mới của Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách Trung Quốc của chính quyền tiền nhiệm.

Mặc dù vậy, câu hỏi mà ông Biden đang phải đối mặt là sẽ có bao nhiêu đối tác, đặc biệt là ở châu Âu, sẵn sàng tham gia vào các kế hoạch này. Trong khi quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh đã được duy trì ở nhiều quốc gia, nhưng các đồng minh châu Âu nói riêng không muốn bị lôi cuốn vào một cuộc đối đầu kiểu chiến tranh lạnh với Trung Quốc.

Mặt khác, các đồng minh của Mỹ ở cả châu Âu và Ấn Độ - Thái Bình Dương đã bắt đầu xem xét nghiêm túc hơn những thách thức mà Bắc Kinh đặt ra, nhưng Trung Quốc đang tận dụng sức mạnh kinh tế của mình để khai thác rạn nứt trong mạng lưới liên minh này trong thời gian Tổng thống Trump nắm quyền.

Sắp tới, Mỹ và các đồng minh phải bắt đầu thực thi việc răn đe sự ép buộc của Trung Quốc - cả về quân sự và kinh tế - như một nhiệm vụ đa phương. Để làm được điều này, Mỹ cần thiết lập các diễn đàn đa phương mới và thắt chặt lại các mối liên kết giữa các đồng minh Châu Âu và Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Đồng thời, tái tập trung vào các đồng minh của Mỹ thông qua việc hỗ trợ các nước tăng cường khả năng phòng thủ tập thể trong các khu vực của họ; thiết lập khả năng tương tác sâu hơn, không chỉ trong lĩnh vực quân sự mà còn trong các lĩnh vực khác như thương mại. Cùng với đó, chia sẻ các sáng kiến đổi mới giữa các đồng minh để chống lại tầm ảnh hưởng công nghệ ngày càng tăng của Trung Quốc. 

Có thể bạn quan tâm

  • Mỹ- EU “liên thủ” công nghệ chống Trung Quốc

    Mỹ- EU “liên thủ” công nghệ chống Trung Quốc

    05:00, 07/03/2021

  • Mỹ toan tính gì khi tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc?

    Mỹ toan tính gì khi tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc?

    11:30, 05/03/2021

  • Đồng minh của Mỹ

    Đồng minh của Mỹ "hợp lực" đối phó Trung Quốc trên Biển Đông

    05:15, 04/03/2021

  • Quan hệ Mỹ - Nga sẽ ra sao dưới thời Tổng thống Biden?

    Quan hệ Mỹ - Nga sẽ ra sao dưới thời Tổng thống Biden?

    05:09, 04/03/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mỹ dùng đồng minh ngăn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO