Mỹ thắng BigTech nhờ luật pháp?

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 30/09/2021 06:00

Cuộc đấu tranh chống lại BigTech tại Mỹ nhiều lắm chỉ mang lại một kết quả thỏa hiệp tạm thời.

BigTech có thể bị đánh bại bởi luật pháp?

BigTech có thể bị đánh bại bởi luật pháp?

Uỷ ban tư pháp Hạ viện Mỹ vừa thông qua 5 dự luật chống độc quyền, trong đó có 3 dự luật nhằm vào BigTech - những công ty công nghệ khổng lồ như Google, Facebook, Amazon,…

Cùng với đó, trong một động thái mới nhất, Uỷ ban Thương mại Liên bang khởi động điều tra lại các vụ mua bán, sáp nhập của những BigTech, Uỷ ban này đã đệ đơn kiện Facebook với cáo buộc sử dụng phương pháp “mua lại chống cạnh tranh” đối với Instagram và WhatsApp.

Một số nghị sĩ thậm chí đề nghị giải tán, hoặc chia nhỏ các công ty công nghệ quá lớn, như trường hợp đã từng xảy ra với đế chế dầu mỏ Standard Oil của “ông trùm” Rockefeller.

Như vậy, Nhà trắng đã hành động quyết liệt hơn để chống độc quyền kể từ khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống. Liệu rằng, sức mạnh luật pháp sẽ khiến các đại doanh nghiệp này khuất phục? Hay có một thỏa thuận ngấm ngầm nào đó giữa quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế?

Năm 1996, để dọn đường cho startup công nghệ truyền thông, phe mạnh hơn trong lưỡng viện Mỹ đã gật đầu với điều 230 trong đạo luật về “Chuẩn mực truyền thông”, nội dung như sau: “Các nhà cung cấp mạng xã hội không phải chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung do bên thứ ba cung cấp trên nền tảng của họ”.

Điều luật ngắn gọn nhưng mang lại sức mạnh vô biên cho các nền tảng mạng xã hội tại Mỹ, Mark Zuckerberg vin vào đặc quyền này để khuynh đảo truyền thông toàn cầu, điều tiết dư luận, xu hướng nhằm mục đích kinh tế, ông D. Trump là nạn nhân.

D. Trump là nạn nhân tiêu biểu của quyền lực Facebook

D. Trump là nạn nhân tiêu biểu của quyền lực Facebook

Mạng xã hội được bảo vệ bởi các điều khoản về tự do ngôn luận trong Hiến pháp Mỹ và được coi là các công ty tư nhân, không thuộc đối tượng bị hạn chế. Vì vậy, họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn!

Khi mạng xã hội bùng nổ thành “quốc gia đông dân nhất thế giới”, các Tổng thống Mỹ yêu cầu xem lại điều 230, xuất hiện làn sóng kêu gọi bãi bỏ nó. Nhưng không ai mãn nguyện vì BigTech bây giờ quá hùng mạnh, có thể “bịt mồm” bất cứ ai chống lại nó. Như vậy, một phần quan trọng trong cuộc chiến pháp lý đã thất bại nặng nề.

Ông Joe Biden sử dụng con bài khác, tấn công vào lịch sử mua bán, sáp nhập của chúng. Nói cách khác, thay vì nắm đằng ngọn chuyển sang chặn từ gốc. Trước đó đương kim Tổng thống Mỹ đề xuất đánh thuế các công ty công nghệ lớn hoạt động ở nước ngoài.

Phạt, phạt và phạt, xin lỗi, xin lỗi và lại xin lỗi! Đó là cách mà nhà sáng lập Facebook đối diện với rất nhiều bê bối, Mark từng nói lời thiết tha trước Quốc hội Mỹ sau vụ làm lộ thông tin hàng chục triệu khách hàng.

Đầu năm 2020 tòa án Liên bang Mỹ thông qua khoản phạt 5 tỷ USD với mạng xã hội lớn nhất thế giới, châu Âu rục rịch tuyên án công ty này khoảng 1 tỷ USD,… nhưng xem ra họ có quá nhiều tiền để chi trả!

Quay lại phương thức của Joe Biden, điều tra mua bán, sáp nhập của BigTech, nhưng tất cả đã xong xuôi trước khi Facebook, Google trở nên khổng lồ như hiện nay. Vấn đề là tại Mỹ, châu Âu không còn nền tảng mạng xã hội nào đủ lớn để cạnh tranh, thay thế!

Không nên so sánh với Trung Quốc trong cuộc chiến với BigTech, bởi thể chế và luật pháp Mỹ hoàn toàn khác biệt. Giới chức Trung Quốc có thể “đè chế” Jack Ma bằng mọi cách, nhưng Mỹ không thể làm bất chấp với Mark!

Lãnh đạo Trung Quốc có thể một mình quyết định tất cả điều luật hà khắc nhất mà không vấp phải sự phản kháng nào. Nhưng ông Joe Biden không thể làm điều đó vì phe cánh chính trị đối lập sẽ lấy đó làm bàn đạp chống lại ông.

Vì vậy, cuộc đấu tranh chống lại BigTech tại Mỹ nhiều lắm chỉ mang lại một kết quả thỏa hiệp tạm thời giữa bên nắm quyền chính trị và bên nắm quyền kinh tế, mục đích trước mắt là đảm bảo an toàn cho nhiệm kỳ của đảng Dân chủ và cơ hội thâu tóm lợi ích cho các doanh nghiệp công nghệ khổng lồ.

Có thể bạn quan tâm

  • Bài học quản lý BigTech

    Bài học quản lý BigTech

    11:39, 30/08/2021

  • BigTech lợi nhuận kỷ lục, nhưng liệu có còn mãi?

    BigTech lợi nhuận kỷ lục, nhưng liệu có còn mãi?

    05:00, 30/07/2021

  • D. Trump và chiến dịch “Getting Together” đối đầu BigTech

    D. Trump và chiến dịch “Getting Together” đối đầu BigTech

    06:00, 03/07/2021

  • BigTech có thể bị phá vỡ?

    BigTech có thể bị phá vỡ?

    04:10, 14/12/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mỹ thắng BigTech nhờ luật pháp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO