Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch chính là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cho du lịch Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy khẳng định: Nhân lực du lịch là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng dịch, khả năng cạnh tranh và sự phát triển bền vững của ngành. Nguồn nhân lực du lịch có vai trò quyết định đến chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch chính là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cho du lịch Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch Việt Nam một cách bền vững.
Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy, so với các nước trong khu vực, chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam nói chung và tại các trung tâm du lịch lớn vẫn còn hạn chế, tác động lớn đến việc tạo ra sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao. Trong bối cảnh thỏa thuận MRA- TP cho phép dịch chuyển lao động du lịch có tay nghề thuộc khối ASEAN, người làm du lịch nước ngoài có thể tràn vào Việt Nam khiến người làm du lịch Việt Nam có nguy cơ mất việc ngay trên sân nhà nếu không nâng cao năng lực chuyên môn và thái độ làm việc.
Xây dựng tiêu chí chuẩn quốc tế
“Việc đào tạo và sử dụng thiếu đồng bộ, thiếu hệ thống và chưa đạt chuẩn, đào tạo nhân lực du lịch theo nhu cầu xã hội dẫn đến nguồn nhân lực được đào tạo ra bị lệch hướng, thiếu nhân sự cấp cao mà chủ yếu hành nghề cơ bản (đầu bếp, pha chế...). Doanh nghiệp tuyển dụng nhân lực tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng phải đào tạo lại theo các tiêu chuẩn riêng của hệ thống”- Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy nêu rõ.
Đó là chưa kể, sau đại dịch COVID-19, ngành du lịch Việt Nam còn phải đối mặt thực trạng thiếu trầm trọng nhân lực du lịch, đòi hỏi phải có chính sách thu hút trở lại người lao động và có giải pháp đào tạo lại, đào tạo mới.
Trước thực tế này, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho rằng, các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch cần có giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam mà trước hết cần xây dựng một chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn quốc tế trong ngành du lịch.
Theo Chủ tịch Liên Chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam, GS.TS Đào Mạnh Hùng, cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng thống nhất và đưa ra chương trình chung cho các cơ sở đào tạo với tiêu chí bám sát tiêu chuẩn kỹ năng nghề, tăng cường tỷ lệ thực hành, ngoại ngữ và tin học, thí điểm đào tạo một số ngành nghề bằng tiếng Anh, tăng cường hơn nữa việc hợp tác quốc tế trong đào tạo. Bên cạnh đó, cần xây dựng mối liên hệ có trách nhiệm giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp du lịch. Trên cơ sở nhu cầu việc làm, đơn đặt hàng từ các các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo xây dựng chỉ tiêu, tiêu chí đào tạo hàng năm; các doanh nghiệp tạo điều kiện cho sinh viên thực hành tại cơ sở của mình, từ đó triển khai việc kiểm tra, tuyển dụng nhân viên sau khóa học.
>>Du lịch trải nghiệm có trách nhiệm với môi trường
Ba xu hướng đào tạo
Theo PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Việt Nam có 3 xu hướng đào tạo, đó là: Thực hành, nghiên cứu quản lý, hoặc kết hợp 2 hình thức này. Hiện nay, chưa có chuẩn mực, tiêu chí về đào tạo chuẩn quốc tế, đó là cái khó để các trường xây dựng mô hình đào tạo phù hợp. Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Hồng Long gợi ý, các trường có thể tuân thủ các quy định về kiểm định đào tạo quốc tế với chuẩn mực như mạng lưới các trường đại học ở châu Á, châu Âu.
“Không thể 100% sinh viên tốt nghiệp ra trường làm đúng nghề, mà chỉ có khoảng 20-25% gắn với nghề, còn lại vẫn chuyển công việc khác. Phải có những nhân sự thật sự yêu nghề thì mới nâng cao chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi đề nghị các cơ quan quản lý định hướng nghề du lịch theo tiêu chuẩn cụ thể, để các trường xây dựng mô hình đào tạo đạt chất lượng”, PGS.TS Phạm Hồng Long chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
03:00, 09/02/2024
02:49, 09/05/2023
13:21, 30/03/2023
11:00, 15/03/2023