Bộ Tài chính vừa đề xuất thay đổi mức giảm trừ gia cảnh, doanh thu tính thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh... trước khi tính thuế thu nhập cá nhân.
Theo đó, Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án luật thuế Thu nhập cá nhân (thay thế). Trong đó đề xuất thay đổi mức giảm trừ gia cảnh, doanh thu tính thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh... trước khi tính thuế thu nhập cá nhân.
Đối với mức giảm trừ gia cảnh, tờ trình dự thảo thừa nhận mức hiện hành được áp dụng từ năm 2020 đến nay nên cũng cần thiết phải rà soát, đánh giá lại để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp với các điều kiện mới. Hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân là 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
"Mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo cho phù hợp với sự biến động của giá cả cũng như sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn vừa qua, cũng như dự báo cho thời gian tới đây, đồng thời không làm giảm vai trò của chính sách thuế thuế thu nhập cá nhân trong hệ thống thuế", dự thảo viết.
Theo dự thảo, thời gian qua có ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu cho phép người nộp thuế được trừ một số khoản chi trong năm ở mức độ phù hợp như các khoản chi phí về y tế, giáo dục trước khi tính thuế. Qua nghiên cứu kinh nghiệm các nước cho thấy, hầu hết pháp luật thuế thuế thu nhập cá nhân của các nước đều có quy định về việc giảm trừ theo các hình thức và cách thức khác nhau. Về phân loại, các nước thường chia thành ba nhóm sau: giảm trừ chung cho cá nhân người nộp thuế; các khoản giảm trừ cho người phụ thuộc, như giảm trừ cho con, cho vợ hoặc chồng, cho bố, mẹ...; và các khoản giảm trừ có tính chất đặc thù (ví dụ, giảm trừ cho chi phí y tế, giáo dục…).
Đối với các khoản giảm trừ đặc thù, đây là các khoản giảm trừ mà người nộp thuế được hưởng khi đáp ứng được một số tiêu chí nhất định, ví dụ như chi tiêu cho các khoản mà nhà nước khuyến khích (như cho y tế, giáo dục…). Theo đó, phạm vi các khoản giảm trừ này ở các nước cũng rất đa dạng. Có quốc gia cho phép giảm trừ các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... để khuyến khích người dân tham gia các dịch vụ này; có nước cho phép giảm trừ các khoản chi phí về y tế, chi phí giáo dục của con hoặc có quốc gia cho phép giảm trừ đối với các khoản lãi tiền vay mua nhà trả góp... (Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Indonesia...).
Ngoài ra, biểu thuế hiện hành chưa hợp lý, quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm làm tăng số thuế phải nộp, số lượng phải quyết toán thuế tăng một cách không cần thiết trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều. Bộ Tài chính đề xuất cắt giảm từ 7 bậc (hiện nay là 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%) xuống mức phù hợp; cùng với đó xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao.
"Thực hiện theo hướng này sẽ góp phần đơn giản hóa, giảm số bậc thuế nhằm tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế của người nộp thuế", dự thảo tờ trình của Bộ Tài chính đề xuất.
Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, PGS TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, khi tính toán mức giảm trừ gia cảnh phải dựa trên mức sống thực tế của người dân. Những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM… có mức khác với những tỉnh thành miền núi. Có thể căn cứ vào cách chia vùng hưởng lương khu vực để xác định mức giảm trừ phù hợp. “Theo tôi, ở những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, mức giảm trừ nên ở khoảng 16-18 triệu đồng/tháng trở lên”, ông Thịnh góp ý.
Vị chuyên gia cũng cho biết, trên thực tế, không ít người có mức thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân nhưng thường xuyên phải đi bệnh viện vì người thân đau ốm, dẫn tới phải chi rất nhiều nên tính ra cũng không dư dả gì, thậm chí nhiều lúc còn thiếu trước hụt sau. Vì thế, thuế thu nhập cá nhân trở thành gánh nặng với họ. “Họ phải có dư thì mới nộp thuế. Nếu người ta phải đi chữa bệnh, có đủ hóa đơn, giấy tờ chứng minh thì cũng nên giảm trừ khoản này. Đấy mới là nhân văn”, ông Thịnh đề xuất.
Về việc biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công hiện nay được chia thành 7 bậc thuế suất: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%.
PGS TS Đinh Trọng Thịnh nhận xét: “Biểu thuế 7 bậc là quá nhiều, chỉ nên 5 bậc để dễ tính thuế, nộp thuế. Mức khởi điểm cần phải nâng lên. Khoảng cách giữa các bậc cũng phải giãn ra cho phù hợp”.
Đặc biệt, về mức thuế suất, ông Thịnh lưu ý: Các nước đều có xu hướng giảm. Singapore hay các nước xung quanh chỉ để mức cao nhất 20-25%. Việt Nam vẫn giữ mức cao nhất 35% là quá cao. Cần giảm mức thuế suất tối đa này để khuyến khích người dân làm giàu.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Nguyễn Văn Thức, thành viên Hội Tư vấn thuế Việt Nam cũng cho rằng, ở Hà Nội, 60-70% người dân phải đi thuê nhà, tiền thuê khá tốn kém, chưa kể nhiều khoản chi phí khác. Mức 11 triệu đồng/tháng là quá thấp. Còn với người phụ thuộc, mức 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc/tháng cũng không thể đủ được. “Theo tôi, ít nhất cũng phải để mức từ 5-7 triệu đồng trở lên”, ông nói.
Nhận xét ở những thành phố lớn, chi tiêu và giá cả rất đắt đỏ, ông Thức nhấn mạnh: “Phải để người dân đảm bảo mức sống tối thiểu rồi mới tính chuyện thu thuế. Đừng để có nhiều người âm thu nhập mà vẫn cứ phải nộp thuế”.
Chuyên gia Nguyễn Văn Thức cũng đồng tình với việc có thể tham chiếu mức lương tối thiểu vùng, mức chi tiêu tối thiểu vùng để có cơ sở xác định mức giảm trừ phù hợp. Bởi ông lập luận, nguyên tắc đánh thuế thu nhập cá nhân là đảm bảo mức sống tối thiểu cho những đối tượng cần đánh thuế. Nếu dùng một chính sách áp dụng chung cho cả 63 tỉnh thành thì khó tạo được công bằng.
Vị chuyên gia cũng đánh giá cao đề xuất của Bộ Tài chính về việc Quốc hội có thể giao Chính phủ linh hoạt quy định mức giảm trừ gia cảnh theo từng giai đoạn, từng vùng, tham chiếu với mức thu nhập. Tuy nhiên, cũng cần khảo sát trên diện rộng để có con số thống kê, làm cơ sở cứ từ đó tính ra phương án hài hòa, hiệu quả nhất.