Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động mạnh đến sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam...
Trong quý I/2020, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt mức tăng trưởng 3,82%, đánh dấu mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm (giai đoạn 2011-2020). Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản quý I/2020 gặp nhiều khó khăn.
Tương tự, khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp quý I/2020 tăng 5,28% so với cùng kỳ năm trước nhưng thấp hơn so với mức tăng 10,45% của quý I/2018 và 9% của quý I/2019.
Kim ngạch xuất, nhập khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ do dịch bệnh đang lây lan mạnh ở các nước đối tác thương mại hàng đầu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I/2020 đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 0,5%, nhập khẩu giảm 1,9%; xuất siêu quý I năm nay ước tính đạt 2,8 tỷ USD.
Có thể bạn quan tâm
15:36, 27/03/2020
13:20, 27/03/2020
11:30, 27/03/2020
09:35, 27/03/2020
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2020 giảm 0,72% so với tháng trước, tăng 0,34% so với tháng 12 năm 2019, tăng 4,87% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý I/2020, CPI tăng 5,56% so với cùng kỳ năm 2019. Đây cũng là mức tăng bình quân quý I cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, 7 nhóm hàng có chỉ số giá giảm gồm: giao thông giảm 4,87%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 1,4%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,43%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,25%; may mặc, mũ nón và giầy dép giảm 0,15%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,11%; bưu chính viễn thông giảm 0,06%. Trong khi đó, chỉ có 4 nhóm tăng là hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,16%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; giáo dục tăng 0,04%.
Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá, việc dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh tại một số quốc gia đã đã tác động mạnh đến sự tăng trưởng của kinh tế thế giới nói chung và trong nước nói riêng.
Trong khi đó, "cuộc chiến" giá dầu để giành thị phần giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga khiến giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, cùng nguồn cung gia cầm dồi dào là những nguyên nhân chính làm chỉ số CPI giảm. Một số yếu tố tiêu cực khác như dịch tả lợn châu Phi, hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của toàn ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, việc Việt Nam không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm cho thấy hiệu quả trong chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc ưu tiên hàng đầu là phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân.
Chính vì vậy, để khắc phục những khó khăn do tác động tiêu cực của dịch COVID-19 mang lại, ông Nguyễn Bích Lâm khuyến nghị, cần tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng khu vực hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng nặng nề để tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế.
Tích cực tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; có chính sách đặc biệt hỗ trợ ngành nông nghiệp, giao thông, du lịch; thực hiện chính sách thuế như: miễn, giãn, khoanh nợ, giảm thuế xuất/nhập khẩu; trợ cấp việc làm và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Cùng với đó, tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế. Tăng năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Quan tâm khai thác, thúc đẩy thị trường trong nước phát triển, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế với gần 100 triệu dân.
Theo Tổng Cục thống kê, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2020 cho thấy, 20,9% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2020 tốt hơn quý IV/2019; 42% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 37,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định đã cho thấy tinh thần lạc quan cũng như quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc nỗ lực duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Do đó, nhiều tổ chức quốc tế cũng khuyến nghị chính phủ các nước cần hành động nhanh chóng và quyết liệt để vượt qua dịch bệnh và có biện pháp bảo vệ thu nhập của các nhóm và doanh nghiệp dễ bị ảnh hưởng. Các chính phủ có thể xem xét các biện pháp giảm hay hoãn thuế, nợ; giảm chi phí năng lượng cho các doanh nghiệp ở những vùng và lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, cũng như giảm tạm thời tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng.