Việc cho phép các ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) để tái cơ cấu nợ sẽ giúp các doanh nghiệp phát hành, nhất là doanh nghiệp bất động sản có cơ hội tái cơ cấu nguồn vốn.
>>>Hệ quả từ việc ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp "sân sau"
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, hoạt động này vẫn cần đảm bảo tuân thủ các quy định về tín dụng.
Vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đề nghị NHNN xem xét cho phép các TCTD được mua TPDN có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính mình.
Theo HoREA, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đã cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp, nên hoạt động phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nợ của chính mình là hợp pháp.
Và căn cứ khoản 1 Điều 94 Luật các TCTD 2010 thì nhà đầu tư có quyền đề xuất vay tín dụng và TCTD có nghĩa vụ xem xét cấp tín dụng cho “mục đích sử dụng vốn hợp pháp” này của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về tín dụng.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng các ngân hàng đang là trái chủ lớn nhất, ước tính chiếm khoảng 34% tổng dư nợ TPDN đang lưu hành. Việc các ngân hàng mua trái phiếu sẽ giúp hỗ trợ một phần thanh khoản cho thị trường trái phiếu, đồng thời giảm phần nào áp lực trái phiếu đáo hạn trong năm 2023.
Theo nhiều chuyên gia, việc cho phép mua TPDN để tái cơ cấu nợ cũng là giải pháp cần thiết trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, đang gặp khó khăn về dòng tiền để trả nợ, cũng như thực hiện các dự án. Tuy nhiên, hoạt động này cần được thực hiện theo đúng quy định để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng.
Ông Phan Lê Thành Long, Chuyên gia tài chính, cho rằng đối với việc cho phép các ngân hàng mua TPDN để tái cơ cấu nợ, cần hiểu rõ ngân hàng mua trái phiếu nghĩa là ngân hàng cấp tín dụng cho doanh nghiệp. Do đó, cần tuân thủ các tiêu chuẩn tín dụng. Như vậy, muốn giữ được chuẩn tín dụng thì các trái phiếu cũng phải đáp ứng một số điều kiện, nhất là những điều kiện đó sẽ tác động đến dòng tiền chảy vào lĩnh vực nào, dự án nào còn tốt. Đồng thời, các doanh nghiệp phải có khả năng trả nợ. Từ đó, có hai điều kiện xảy ra, một là tài sản đảm bảo, các dự án tốt, đủ điều kiện; và hai là “sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.
“Có ba vấn đề chính cần theo dõi trong hoạt động này: Thứ nhất, mục đích sử dụng vốn; các dự án, lĩnh vực sử dụng vốn có ổn không? Thứ hai, doanh nghiệp phát hành trái phiếu có năng lực ra sao về mặt thanh khoản, tạo ra dòng tiền thế nào? Thứ ba, là tài sản đảm bảo”, ông Long nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Khơi dòng tài chính xanh: “Định danh” trái phiếu xanh
03:02, 11/09/2023
Ngân hàng rủi ro khi trái phiếu doanh nghiệp bất động sản mắc kẹt?
05:30, 02/09/2023
Kinh tế Trung Quốc: Bất ổn trái phiếu địa ốc và nguy cơ giảm phát
05:00, 27/08/2023
Cần thêm “cú hích” trái phiếu doanh nghiệp
04:00, 25/08/2023