Ngân hàng Nhà nước mua trái phiếu Chính phủ: Nên hay không?

DIỄM NGỌC (thực hiện) 10/12/2021 11:20

“Việc Ngân hàng Nhà nước mua trái phiếu Chính phủ là một chính sách tiền tệ hợp lý trong thời điểm hiện tại, nhằm tạo ra nguồn tài trợ nhu cầu phục hồi kinh tế sau đại dịch.”

>>ADB: COVID-19 bất định khiến trái phiếu Chính phủ phân hóa

Có nhiều ý kiến cho rằng nên cho phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua trái phiếu Chính phủ để một mặt giúp hỗ trợ ngân sách Nhà nước đáp ứng nhu cầu chi y tế, bảo trợ xã hội trong mùa dịch, mặt khác hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế, nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát. Xoay quanh chủ đề này, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã có trao đổi với TS. Bùi Duy Tùng, Giảng viên Kinh tế Đại học RMIT.

Việc NHNN mua lại trái phiếu Chính phủ là một chính sách tiền tệ hợp lý trong thời điểm hiện tại (ảnh minh hoạ)

Theo TS Bùi Duy Tùng, việc NHNN mua lại trái phiếu Chính phủ là một chính sách tiền tệ hợp lý trong thời điểm hiện tại (ảnh minh hoạ)

- Theo ông, đề xuất này có hợp lý trong bối cảnh hiện nay hay không? Xin ông phân tích điểm lợi và bất lợi của phương án này.

TS. Bùi Duy Tùng: Trong đại dịch COVID-19, nhiều Ngân hàng Trung ương tại các quốc gia đang phát triển đã thực hiện việc mua lại trái phiếu Chính phủ với số lượng lớn để hỗ trợ nền kinh tế và xem đây là chính sách tiền tệ quan trọng trong giai đoạn này. Úc là quốc gia đầu tiên được ghi nhận đã thực hiện chính sách tiền tệ nói trên để kích thích nền kinh tế. Tháng 2/2020, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng đã phát hành một loại trái phiếu tương tự, có mục đích giảm thiểu thất nghiệp trong thời gian đại dịch.

Có thể thấy, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế của Việt Nam gánh chịu một khoản chi phí khổng lồ cho công tác phòng chống dịch bệnh, xây dựng và nâng cấp hệ thống y tế, cũng như các khoản bảo trợ xã hội cho những đối tượng chịu ảnh hưởng từ đại dịch. Bên cạnh đó, nguồn thu của ngân sách cũng bị sụt giảm nặng nề do các biện pháp phong tỏa, giãn cách gây ra. Vì thế, việc NHNN mua lại trái phiếu Chính phủ là một chính sách tiền tệ hợp lý trong thời điểm hiện tại, nhằm tạo ra nguồn tài trợ nhu cầu phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, việc thực hiện cần phải xem xét một số điều kiện cụ thể.

Về lợi ích trực tiếp của việc mua này là mang lại nguồn tài trợ cho công tác phòng chống dịch bệnh; đảm bảo phúc lợi xã hội. Ngoài ra, chính sách này còn mang lại các lợi ích dài hạn và quan trọng hơn, đó là mang lại các điều kiện tài chính thuận lợi cho việc phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các lợi ích này còn phụ thuộc vào khối lượng trái phiếu mà NHNN mua lại. Một số điều kiện thuận lợi có thể thấy như:

Thứnhất, phát đi tín hiệu tốt về lãi suất rằng, lãi suất cơ bản sẽ được giữ nguyên (ít nhất là không giảm) trong tương lai.

Thứhai, tăng thanh khoản trên thị trường trái phiếu, làm giảm phần bù rủi ro thanh khoản, từ đó làm tăng thanh khoản trên thị trường này.

Thứba, cân bằng lại danh mục đầu tư. Trên lý thuyết, việc NHNN mua lại trái phiếu chính phủ với số lượng lớn sẽ làm tăng giá trái phiếu. Từ đó, lợi nhuận của trái phiếu sẽ giảm. Các nhà đầu tư sẽ kỳ vọng được việc này nên họ sẽ chuyển hướng đầu tư sang các tài sản khác có lợi nhuận cao hơn như: trái phiếu doanh nghiệp, hoặc cổ phiếu. Điều này cũng làm tăng giá của các tài sản đó và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi do huy động vốn qua việc phát hành cổ phiếu và trái phiếu trở nên dễ dàng hơn.

Điểm bất lợi chủ yếu của chính sách này là áp lực lạm phát trong tương lai, tỷ giá tăng và áp lực nợ công. Tuy nhiên, áp lực lạm phát trong tương lai có thể được giảm thiểu thông qua các chính sách tiền tệ của NHNN. Về tỷ giá, Việt Nam hiện đang áp dụng chế độ tỷ giá thả nổi có kiểm soát, nên NHNN có thể can thiệp vào thị trường này để ổn định tỷ giá.

>>Còn dư địa cho chương trình kích thích phục hồi kinh tế

- Nếu biện pháp này khả thi, vậy nên triển khai các bước như thế nào để đạt hiệu quả, dòng tiền đi đúng hướng và nền kinh tế có thể hấp thụ được?

TS. Bùi Duy Tùng: Trên thế giới, các loại trái phiếu phục hồi kinh tế sau đại dịch được chia làm hai loại: Trái phiếu thông thường và Trái phiếu sử dụng có mục đích. Trong đó, loại thứ hai được phát hành theo một khung pháp lý nhất định. Ví dụ, số tiền thu được từ phát hành trái phiếu chỉ được thực hiện cho các mục đích liên quan đến giảm thiểu hậu quả do đại dịch COVID gây ra. Do đó, Chính phủ cần nghiên cứu phát hành loại trái phiếu sử dụng có mục đích nêu trên, để hạn chế việc dòng tiền từ trái phiếu chảy vào những lĩnh vực không thực sự cần thiết.

TS. Bùi Duy Tùng, Đại học RMIT

TS. Bùi Duy Tùng, Đại học RMIT

Ví dụ, nếu việc phòng chống dịch bệnh và giảm thiểu hậu quả do dịch bệnh gây ra là việc cấp thiết hiện nay, thì việc phát hành trái phiếu cần chứng minh được số tiền thu về sẽ được sử dụng cho các mục đích: Tài trợ các hoạt động phòng chống dịch bệnh; Hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh bao gồm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ người có thu nhập thấp, hỗ trợ các ngành nghề hoặc các vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Như vậy, hiệu quả sẽ đạt được nếu có sự minh bạch trong các hoạt động được tài trợ, cũng như cách thức lựa chọn các đối tượng dễ bị tổn thương do dịch bệnh. Bên cạnh đó, Chính phủ cần cam kết báo cáo đầy đủ đánh giá tác động của việc sử dụng số tiền huy động được từ việc phát hành trái phiếu đến phục hồi nền kinh tế và khắc phục hậu quả mà dịch bệnh gây ra.

- Ngoài ra, Chính phủ nên có thêm biện pháp gì trong công tác hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, thưa ông? Nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang bị thiếu dòng tiền nghiêm trọng.

TS. Bùi Duy Tùng: Trong bối cảnh hiện nay, một số biện pháp hỗ trợ dòng tiền cho các doanh nghiệp cần tiếp tục triển khai như:

Một là, thực hiện các biện pháp khoanh nợ, hoãn nợ, cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề bởi đại dịch khiến cho dòng tiền kiệt quệ.

Hai là, thực hiện các biện pháp hỗ trợ tín dụng bằng cách giảm lãi vay, nâng tỷ lệ cho vay trên tài sản bảo đảm đối với các doanh nghiệp khó khan, nhưng dòng tiền chưa suy kiệt.

Ba là, ban hành các gói bảo đảm tín dụng cho các doanh nghiệp đủ điều kiện. Nhà nước sẽ đứng ra bảo lãnh một phần khoản vay của các doanh nghiệp cần hỗ trợ, như các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu.

Bốn là, ban hành các gói tín dụng với lãi suất thấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc siêu nhỏ và thỏa mãn các điều kiện cụ thể. Ví dụ như các doanh nghiệp bị sụt giảm từ trên 15% doanh thu hay lợi nhuận do dịch bệnh và không có điều kiện tiếp cận các khoản vay ngân hàng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Còn dư địa cho chương trình kích thích phục hồi kinh tế

    17:00, 07/12/2021

  • Phục hồi kinh tế: Hỗ trợ bao nhiêu là đủ?

    18:45, 05/12/2021

  • Lo ngại biến chủng Omicron là rào cản phục hồi kinh tế toàn cầu

    05:07, 01/12/2021

  • ADB: COVID-19 bất định khiến trái phiếu Chính phủ phân hóa

    17:00, 28/06/2021

  • Trái phiếu Chính phủ cần bứt tốc

    11:00, 26/06/2021

  • Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ 10 năm sắp được đưa vào giao dịch phái sinh

    04:30, 24/04/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngân hàng Nhà nước mua trái phiếu Chính phủ: Nên hay không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO