Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Giá nguyên liệu thức ăn tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh chăn nuôi lo lắng, vẫn tiếp tục chờ giải pháp từ các Bộ, ngành.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp online, đại diện một công ty chăn nuôi tại TP Hải Phòng cho biết, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi thời gian gần đây tăng xấp xỉ 25- 30% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu của doanh nghiệp, vì giá nguyên liệu tăng nhưng giá thành lợn thịt xuất chuồng không tăng, thậm chí còn bị giảm khiến nhiều công ty chăn nuôi vô cùng lo lắng.
Nguyên nhân chính khiến giá thành thức ăn chăn nuôi tăng liên tục là do giá các loại thực phẩm như các loại men, ngũ cốc đầu vào đều tăng cao. Mức tăng này được thiết lập từ nhiều yếu tố bao gồm; chi phí sản xuất tăng cao, chi phí vận tải logistics gần đây cũng tăng từ 200-250% so với kỳ cùng.
Tất cả đều ảnh hưởng từ hệ luỵ của dịch bệnh COVID- 19 trên toàn cầu, dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung do đứt chuỗi cung ứng, thiếu hụt container rỗng, cộng thêm sự khan hiếm nguồn cung nhập khẩu từ các nước sản xuất khiến giá thành của nguyên liệu thức ăn chăn nuôi "leo thang" liên tục trong 2 quý trở lại đây.
Chia sẻ về mức tăng từng sản phẩm, một công ty chăn nuôi tại Vĩnh Phúc cho biết, một số nguyên liệu chính như ngô tăng từ 4.500 đồng/kg tăng lên 7.000 đồng/kg, đậu tương từ 9.000 đồng/kg lên 13.000 đồng/ kg. Trong khi đó nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi thông thường chiếm khoảng 80-85% so với giá thành sản xuất.
Đánh giá về khả năng thị trường thức ăn chăn nuôi trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính chưa có chiều hướng giảm ngay trong quý 2/2021, dự kiến sẽ giảm dần từ quý 3/2021.
Về giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước, giai đoạn từ năm 2015 đến quý III/2020 nhìn chung giá ổn định, thậm chí có thời điểm giảm dần. Giá các loại nguyên liệu chính của thức ăn chăn nuôi bắt đầu tăng từ tháng 10/2020 và tăng cao đến thời điểm hiện nay với mức tăng trung bình từ 25- 30%.
Tính từ lần tăng giá đầu tiên tại thời điểm cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước đã tăng trung bình từ 5-6 đợt (mức tăng 200-300 đồng/kg/lần), với tổng mức tăng chung là 10-15% (tương đương 1.000-1.500 đồng/kg, tùy từng loại).
Để kiểm soát giá và thị trường thức ăn chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước có thể thay thế được nguồn nhập khẩu để chế biến thức ăn chăn nuôi khô như: dầu hạt điều, cám điều, bã sắn, cám gạo. Đồng thời cần quản trị tốt nguồn nguyên liệu và giảm tối đa các chi phí sản xuất để hạ giá thành thức ăn chăn nuôi thành phẩm.
Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng nhấn mạnh, chúng ta cần phối hợp liên kết giữa các Bộ ngành, trong đó có sự vào cuộc của ngành nông nghiệp và thuỷ sản là cấp thiết.
Đưa ra giải pháp về nguồn cung, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản khẳng định, đơn vị đang khuyến khích các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết chuỗi có phương pháp ưu tiên sản xuất nguyên liệu phục vụ cho thành phẩm thức ăn chăn nuôi, nhằm giảm khâu trung gian cung cấp thức ăn chăn nuôi và kiểm soát tốt hơn nguồn nguyên liệu, tránh phụ thuộc từ nguồn nhập khẩu. Ngành thuỷ sản coi đây là vừa trách nhiệm vừa là cơ hội tạo thêm doanh thu cho toàn ngành.
Trước thực trạng này, đại diện các doanh nghiệp cho biết, vẫn đang tiếp tục chờ hướng dẫn hỗ trợ mới từ các Bộ, ngành. Bài toán trước mắt, họ cho rằng phải duy trì tiết kiệm, chủ động tăng cường các loại thức ăn khác bổ sung, thay thế cho nguồn cám viên từ nhà máy. Chẳng hạn như cám ngô, đậu phụ, rau và các loại phụ phẩm chế biến từ cá, tôm và một số các loại cây trồng khác.
Cục Chăn nuôi kiến nghị Bộ Công Thương khẩn trương tiến hành đàm phán song phương với các nước mà Việt Nam nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (Mỹ, Argentina, Brazil, Ấn Độ…) để có chính sách ưu đãi về giá, ưu tiên đáp ứng đủ số lượng và đảm bảo chất lượng nguyên liệu thức ăn cho thị trường thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
CHÍNH PHỦ LẮNG NGHE (XVI): Công khai các thủ tục hành chính cấp phép nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi
04:50, 22/02/2021
Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra thông tin DĐDN nêu về việc cấp phép nhập khẩu nguyên liệu bổ sung thức ăn chăn nuôi
19:10, 10/08/2020
Doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu bổ sung thức ăn chăn nuôi lao đao vì cấp phép
05:05, 02/08/2020
Nghịch lí thức ăn chăn nuôi
05:20, 08/12/2019
VCCI đề nghị điều chỉnh quy định về người lấy thức ăn chăn nuôi
05:00, 07/11/2019
VCCI: Phương thức quản lý danh mục thức ăn chăn nuôi theo tập quán không hợp lý
08:33, 09/06/2019