Hạ tầng được quy hoạch bài bản cùng với hàng loạt các “siêu dự án” kiến thiết khu công nghiệp, logicstics… trong những năm gần đây đang được nhiều “ông lớn” doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm.
Với tiềm năng ấy, Nghệ An đã “dọn đường” bằng nhiều hoạt động kích cầu đầu tư để tạo mặt bằng sạch đón “đại bàng” về làm tổ, xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh trong tương lai gần.
Thu hồi nhiều “siêu dự án” nhưng “treo” lâu năm
Tại Thông báo số 01 ngày 05/01/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An yêu cầu các đơn vị chức năng cần tiếp tục kiểm tra, rà soát và thu hồi các dự án đầu tư không triển khai theo cam kết ban đầu, dự án chậm tiến độ kéo dài xảy ra trên địa bàn.
Trong đó, đối với các địa phương như TP Vinh, thị xã Cửa Lò phải kiên quyết kiểm tra, thu hồi những dự án mà chủ đầu tư đã được chấp thuận chủ trương như vẫn cố tình “ôm” đất, giữ chỗ mà không triển khai xây dựng các hạng mục để hoàn thiện đi vào hoạt động…
Sau khi có Thông báo số 01 của HĐND tỉnh Nghệ An, đến tháng 3/2021, địa phương cũng đã tiến hành thu hồi 12 dự án của các tổ chức vi phạm Luật Đất đai và các quy định pháp luật liên quan trên địa bàn đang “ôm” hàng chục ha đất.
Đơn cử như quyết định thu hồi toàn bộ hơn 1,6ha dự án Trung tâm hoạt động của Hội phát triển Hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia tại phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò của Hội phát triển Hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia.
Cũng tại thị xã Cửa Lò, UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định thu hồi 03 “siêu dự án” chậm tiến độ kéo dài hàng chục năm như: dự án BMC Cửa Lò PLAZA của Công ty TNHH MTV VLXD và XLTM BMC tại phường Nghi Hương; Dự án xây dựng Trung tâm chăm sóc người cao tuổi của Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Nghệ An tại phường Nghi Hòa; Dự án khu cảng cầu tàu và cảng cá của Công ty TNHH Hà Dung tại phường Nghi Hải.
Còn tại TP Vinh, các dự án đã được cử tri và báo chí “điểm tên” nhiều lần trong suốt thời gian qua về tiến độ triển khai chậm, gây lãng phí đất đai như: Dự án xây dựng cơ sở bảo trợ xã hội Nhật Tâm của Cơ sở bảo trợ xã hội Nhật Tâm tại phường Vinh Tân; Dự án khu chế biến thực phẩm của Công ty CP Thạch Sơn Thảo tại xã Hưng Lộc…
Làm gì để tránh kiểu đầu tư “chuồn chuồn đạp nước”?
Đáng quan tâm là các dự án nói trên ban đầu đều “vẽ” ra nhiều viễn cảnh sẽ làm “thay da đổi thịt” khu vực đô thị, tạo điểm nhấn cho khu vực và đã được chấp thuận cho thuê đất từ hàng chục năm nay nhưng đều “dậm chân tại chỗ”.
Bao nhiêu bài học, rất nhiều giải pháp, không ít kinh nghiệm từ công tác thu hút đầu tư của các địa phương theo kiểu “chuồn chuồn đạp nước” gây bức xúc trong dư luận và người dân địa phương, nơi phải “dời nhà, nhường ruộng” cho doanh nghiệp đến triển khai thi công, xây dựng.
Khi có chủ trương địa phương sẽ xây dựng nhà máy này, dây chuyền sản xuất kia với nguồn vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, giải quyết cho hàng nghìn lao động, người dân địa phương đều mong chờ sớm có việc làm nên chấp nhận “ly nông không ly hương”. Vậy nhưng, đã có không ít nơi rơi vào cảnh “vỡ mộng” vì chờ đợi cả chục năm trời không thấy bóng dáng nhà đầu tư đâu sau cái ngày cờ hoa khởi công rầm rộ…
Nghệ An đất rộng, người đông, vị trí địa chiến lược khi đều có sông, biển, đường thiên lý Bắc – Nam đi qua nhưng để khai thác hết tiềm năng này đang là vấn đề không chỉ nằm ở chính sách của Trung ương mà cần cơ chế thay đổi mạnh mẽ hơn nữa từ cấp lãnh đạo chính quyền địa phương.
Những năm gần đây, nhiều KCN đã hình thành với diện tích bao phủ hàng nghìn ha đất nông nghiệp chuyển đổi để nhà máy, xí nghiệp về thế chỗ.
Nhiều “ông lớn” như VSIP, WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An, VinGroup, Tập đoàn TH, FLC…đã về “làm tổ” để cho ra những hình hài KCN, đô thị, dịch vụ du lịch xứng tầm đẳng cấp hiện đại.
Nhưng giới đầu tư cho rằng, việc “xây tổ” của các “đại bàng” vẫn chưa xứng tầm với kỳ vọng của người dân địa phương do nhiều nguyên nhân, vướng mắc, trong đó có vấn đề mặt bằng sạch để triển khai.
Đến giữa tháng 5/2021, trên địa bàn Nghệ An cũng đã cấp mới cho 35 dự án và điều chỉnh cho 47 lượt dự án với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 7.567,14 tỷ đồng.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID -19 diễn biến phức tạp, kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay nhưng Nghệ An cũng đã có số lượng dự án tăng 13% và vốn đăng ký tăng 2,33 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Vậy nhưng, điều mà dư luận quan tâm là để tránh tình trạng nhà đầu tư về theo kiểu “chuồn chuồn đạp nước” thì Nghệ An cũng cần phải có cơ chế quản lý, giám sát và lối điều hành linh động, sáng tạo hơn nữa.
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An tốn tiền tỷ "bảo trì" đường tàu bỏ hoang hàng chục năm
02:22, 02/06/2021
Các CCN chế biến khoáng sản ở Nghệ An “đua nhau” bức tử môi trường
10:01, 24/05/2021
Nghệ An: Cần sớm hỗ trợ phí vận tải đường biển cho doanh nghiệp
11:00, 22/05/2021
Nghệ An: Gỡ nút thắt cho doanh nghiệp tại khu công nghiệp Thọ Lộc
11:03, 17/05/2021
Lãnh đạo Nghệ An “mạnh tay” bãi bỏ nhiều thủ tục "hành" người dân, doanh nghiệp
06:18, 17/05/2021