Tiếp cận theo nhóm giải pháp về nguồn lực vốn, Nghị quyết 68 sẽ tạo ra những yếu tố động lực phát triển đa dạng các phương thức cho vay, thuận lợi cho hoạt động tín dụng ngân hàng...
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 4 tháng 5 năm 2025, với các định hướng đẩy mạnh và đa dạng hoá nguồn vốn cho kinh tế tư nhân - trong đó liên quan đến nguồn lực vốn, tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng là những giải pháp rất cụ thể và toàn diện.
Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68) không chỉ là chủ trương lớn của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân mà còn là hệ thống các nhiệm vụ và giải pháp toàn diện, song rất thiết thực, cụ thể và phù hợp với xu hướng phát triển thời đại, phù hợp yêu cầu đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế tư nhân và trong công tác quản lý nhà nước, với mục tiêu tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và sử dụng hiệu quả nguồn lực chính sách, cơ chế chính sách để kinh tế tư nhân phát triển, ông Nguyễn Đức Lệnh chia sẻ.
Ở góc độ hoạt động ngân hàng và tiếp cận theo nhóm giải pháp về nguồn lực vốn, theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2, Nghị quyết 68 sẽ tạo ra những yếu tố động lực phát triển đa dạng các phương thức cho vay, cũng như các yếu tố nền tảng, tạo thuận lợi cho hoạt động tín dụng ngân hàng và dịch vụ ngân hàng phát triển.
Thứ nhất, để đáp ứng nhu cầu vốn cho kinh tế tư nhân phát triển, Nghị quyết khuyến khích các tổ chức tài chính, tín dụng cho vay dựa trên cơ sở thẩm định phương thức sản xuất kinh doanh, phương án mở rộng thị trường đầu ra, cho vay dựa trên dữ liệu, dòng tiền, chuỗi giá trị, xem xét các tài sản bảo đảm bao gồm cả động sản, tài sản vô hình, tài sản hình thành trong tương lai và hình thức cho vay tín chấp. Giải pháp này, cùng với cơ chế chính sách của Ngân hàng Nhà nước và của các bộ ngành (liên quan đến các chính sách và giải pháp hỗ trợ về nguồn vốn), sẽ là động lực thúc đẩy phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng và phương thức cho vay. Trong đó, với những cách tiếp cận mới về cho vay dựa trên dữ liệu, dòng tiền… sẽ thúc đẩy mở rộng cho vay bằng phương thức điện tử, tăng khả năng tiếp cận vốn của toàn xã hội.
Thứ hai, sự đổi mới và yêu cầu đổi mới đối với doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nghị quyết trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản tri, xây dựng hệ thống tài chính minh bạch, chuẩn mực, chuẩn hóa chế độ kế toán, kiểm toán, thực hiện các giải pháp tăng uy tín và khả năng tiếp cận các nguồn lực tài chính.
Đồng thời với đó là nhóm giải pháp kết nối, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống ngân hàng, thuế và các cơ quan có liên quan, bảo đảm liên thông, chia sẻ dữ liệu về tình hình hoạt động và tài chính doanh nghiệp, đánh giá mức độ tín nhiệm và chấm điểm tín dụng của doanh nghiệp từ phía tổ chức tín dụng. Đây sẽ là những giải pháp, khi triển khai thực hiện tốt trong thực tế, sẽ trở thành yếu tố nền tảng, đột phá trong thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm tín dụng đa dạng phong phú, thúc đẩy và mở rộng phương thức cho vay dựa trên dữ liệu, dòng tiền; cho vay tín chấp….từ đó tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng mở rộng và phát triển.
Thứ ba, phối hợp đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ nguồn lực vốn cho kinh tế tư nhân phát triển. Những giải pháp của Nghị quyết về hoàn thiện mô hình quỹ bảo lãnh; về khung pháp lý, cơ chế hoạt động của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; về hoạt đông của các tổ chức tín dụng phi ngân hang; trong đó có nhóm giải pháp về sửa đổi khung pháp lý đối với hoạt động của công ty cho thuê tài chính là rất phù hợp với xu hướng phát triển và nhu cầu vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa nhìn từ góc độ thị trường. Bài học kinh nghiệm trong những năm qua cho thấy, hiệu quả hoạt động của các công ty cho thuê tài chính gắn liền với hoạt động tín dụng thuê mua, vừa phù hợp với khả năng tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh.
Đơn cử, chỉ tính riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, ông Lệnh cho hay, dư nợ của các Công ty cho thuê tài chính trên địa bàn đến cuối tháng 4/2025 đạt 30.853 tỷ đồng, chiếm 0,76% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và tăng 0,7% so với cuối năm; song dư nợ cho thuê tài chính luôn chiếm tỷ trọng trên 95% trong tổng dư nợ của các Công ty cho thuê tài chính. Doanh nghiệp chủ yếu vay mua, thuê mua máy móc thiết bị để sản xuất, cũng như đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất.
"Có thể nói, những giải pháp của Nghị quyết 68 liên quan đến nguồn lực vốn, tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng là những giải pháp rất cụ thể và toàn diện. Trong đó, việc doanh nghiệp tư nhân đổi mới và nâng cao hoạt động quản lý, quản trị; hoạt động minh bạch, cũng như việc phối hợp trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý… sẽ là yếu tố nền tảng, là nguồn thông tin pháp lý – nguồn lực giá trị để các TCTD thẩm định, xét duyệt cho vay bằng các phương thức đa dạng và hiệu quả, đảm bảo được yêu cầu “chọn mặt gửi vàng” và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận thuận lợi, sử dụng hiệu quả vốn tín dụng ngân hàng, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế", Lãnh đạo NHNN tại Khu vực nhận định.
Nhìn nhận Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã góp phần hoàn thiện bộ "kim chỉ nam" cho hành động cải cách kinh tế trong kỷ nguyên vươn mình, các nhà phân tích MIBG khẳng định với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, Nghị quyết thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân thể hiện một cột mốc quan trọng trong tư duy và định hướng phát triển của Việt Nam trong những thập kỷ tới.
Các nhà lãnh đạo mới đặt mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số để tránh "bẫy thu nhập trung bình" + Những trở ngại từ bên ngoài (external headwinds) từ chương trình nghị sự "Trump 2.0" thúc đẩy các nhà lãnh đạo Việt Nam thực hiện các hành động nhằm tăng cường nội lực và các động lực tăng trưởng tiếp theo là động lực quan trọng, theo MIBG.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh các định hướng đi kèm các giải pháp toàn diện và tổng thể tại Nghị quyết, đặc biệt các giải pháp về tiếp cận nguồn lực, đất đai, vốn... kỳ vọng là "đòn bẩy" lớn cho động lực quan trọng nhất của tăng trưởng. Theo đó, một thời kỳ đột phá mới khu vực kinh tế tư nhân, với Nghị quyết xác định các vấn đề cần được khắc phục để khu vực tư nhân phát triển, kỳ vọng hiện thực với các chương trình hành động.