TP.HCM sẽ bắt đầu cho một “chiến dịch” thực hiện nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM. Và đây là một đợt, một cơ hội để chúng ta hành động quyết liệt.
>>Thí điểm cơ chế đặc thù TP.HCM: Sẽ khơi thông nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông
Đó là nội dung được Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh tại hội nghị lần thứ 21 của Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khoá XI, nhiệm kỳ 2021-2025, sáng 8/7/2023.
Theo đó, sáng 8/7/2023, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị lần thứ 21 nhằm báo cáo kết quả thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và dân vận 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ các tháng cuối năm; đánh giá tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Đồng thời xem xét, thảo luận về chỉ thị của Thành ủy triển khai Nghị quyết 98.
Phát biểu tại hội nghị liên quan tới Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên, chia sẻ: Thời gian qua, ông nhận nhiều cuộc gọi, tin nhắn của các vị lão thành cách mạng sinh sống, làm việc lâu năm ở TP chúc mừng TP.HCM được trung ương quan tâm và nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua với số phiếu rất cao. Có người gặp mặt chúc mừng, gửi gắm niềm tin và hy vọng. Dù mừng, song, ai cũng có nỗi lo.
“Có nhà khoa học hỏi tôi rất kỹ về việc với một khối lượng chia thành 7 nhóm vấn đề, hơn 40 chính sách cụ thể, TP có đảm đương nổi và liệu có thể thực hiện trong chặng đường sắp tới để hoàn thành nhiệm vụ sứ mệnh đề xuất”, ông Nên chia sẻ.
Nhấn mạnh về nhiệm vụ thực hiện, Bí thư Nguyễn Văn Nên, cho rằng: “Đây là việc TP không có chọn lựa. Bởi, vì phát triển đất nước, triển khai nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và các nghị quyết của Bộ Chính trị, Trung ương, buộc TP.HCM phải phát triển. TP.HCM là đầu tàu, TP tất yếu phải hành động, hành động để tìm ra cái gì đó vướng mắc, làm chậm phát triển”.
Cũng theo ông Nên, việc đề xuất Nghị quyết 98 cũng là một chọn lựa chủ động của TP.HCM. Lựa chọn đó cũng như những lựa chọn khác trong cuộc sống. Song, “sự lựa chọn này có cái gì đó để cống hiến, có điều gì đó để yêu, có việc gì đó để hy vọng”.
>>TP.HCM: Vẫn chưa thể ghi nhận dấu hiệu phát triển “đột phá”?
“TP.HCM luôn luôn và đã sẵn sàng thực hiện nghị quyết với tâm thế “chiến đấu”. Qua đại dịch COVID-19, tôi càng đặt nhiều niềm tin hơn vào tinh thần, sự quyết liệt của mỗi cán bộ, công chức của TP. Và TP sẽ bắt đầu “chiến dịch” thực hiện nghị quyết bằng tinh thần vượt qua đại dịch đó. “Đây là một đợt, một cơ hội để chúng ta hành động quyết liệt”, ông Nên nhấn mạnh.
“Nhưng đó là đa số, còn một bộ phận đâu đấy, trong một gia đình không tránh khỏi những thành viên lười biếng, thậm chí có khi hèn nhát, tránh né. Làng xóm cũng có. Trong chiến dịch họ sẽ được chọn lựa. Nếu cảm thấy không đủ sức, không muốn hành động, chúng ta sẽ không ép”, ông Nên nói.
Chia sẻ thêm về cuộc họp với Chính phủ ngày 7/7/2023 về kế hoạch triển khai nghị quết, ông Nên cho biết, trong quá trình họp với Chính phủ, TP.HCM đã đề xuất thành lập ban chỉ đạo thực hiện nghị quyết này, và Thủ tướng đồng ý về việc thí điểm cơ chế chính sách để tạo đột phá cho đất nước, TP được giao thực hiện chứ không phải cho riêng TP.
Đặc biệt, sau khi thảo luận, Thủ tướng đã đồng ý làm trưởng ban chỉ đạo và trong số các thành viên ban có các thành viên Chính phủ. “Đây là một thuận lợi, đặc biệt trong tình huống có những việc phát sinh mà TP cần trao đổi ý kiến với trung ương”, ông Nên nói
Song, theo ông Nên: “Tinh thần TP.HCM vẫn phải chịu trách nhiệm. TP.HCM muốn thành công thì tất cả chúng ta đây (các thành ủy viên, lãnh đạo sở ngành, quận huyện), không ai khác phải quyết tâm, nỗ lực. Chúng ta là bộ khung, những lãnh đạo, chịu trách nhiệm cao nhất”.
Vì vậy, ông Nên đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, bám sát tình hình thực tế và đề xuất các giải pháp giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ngày càng hiệu quả hơn. Trong đó cần nhận rõ những điểm sáng từ sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; chỉ ra những điểm mờ, hạn chế, yếu kém, những đùn đẩy, né tránh và đề xuất giải pháp khắc phục thời gian tới.
Ngày 24 tháng 6 năm 2023, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết 98/2023/QH15 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Trong đó có 4 nội dung đáng chú ý làm động lực phát triển kinh tế cho TP.HCM, gồm: 1. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo sẽ được thành lập theo quy định của pháp luật để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh. 2. Tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ có nhiệm vụ: thúc đẩy kinh doanh, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ, trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo, tổ chức cung cấp thiết bị dùng chung. 3. Mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD): định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở cho quy hoạch, phát triển đô thị; lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. 4. Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (Hợp đồng BT) sẽ được ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (nếu có) để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan có thẩm quyền và được thanh toán bằng ngân sách nhà nước để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận theo thỏa thuận tại hợp đồng. |
Có thể bạn quan tâm
00:30, 06/07/2023
05:42, 25/06/2023
02:19, 08/06/2023
04:16, 07/06/2023
02:00, 10/04/2023
05:00, 30/05/2023