Theo các chuyên gia, trong cuộc đấu tranh chống gian lận về thuế, cùng với việc nâng cao năng lực quản lý của ngành Thuế thì điều quan trọng là cần phải có một giải pháp quyết liệt và đồng bộ…
>>“Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 8: Xuất khẩu “giả”, hoàn thuế “thật”
Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách quốc gia, là khoản đóng góp theo quy định của pháp luật mà Nhà nước buộc tổ chức, cá nhân phải nộp vào ngân sách nhà nước. Trong nền kinh tế thị trường, thuế là một trong những công cụ tài chính giữ vai trò điều tiết thu nhập, tái đầu tư phát triển kinh tế và xây dựng nền an ninh quốc phòng.
Do đó, đóng thuế là nghĩa vụ của các doanh nghiệp và mọi công dân. Trong quá trình đổi mới, cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong đó có chính sách thuế đã được điều chỉnh kịp thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đem lại sự công bằng cho các chủ thể tham gia kinh doanh. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, ở hầu khắp các địa phương trên cả nước, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về thuế đang xảy ra theo chiều hướng diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi.
Đáng chú ý, các đối tượng phạm tội đã triệt để lợi dụng những sơ hở của pháp luật và thành tựu của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thư tư, gây ra hậu quả lớn cả về vật chất và phi vật chất cho xã hội. Có thể nói, trong suốt chiều dài lịch sử, kể từ khi có giao thương, vấn nạn trốn thuế đã bắt đầu xuất hiện và cho đến nay, thậm chí cả trong tương lai, vấn nạn này vẫn còn nguyên tính thời sự.
Nhiều ý kiến cho rằng, khi Nhà nước còn đánh thuế thì sẽ còn tồn tại hành vi gian lận thuế, do động cơ của gian lận thuế là mong muốn giảm nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Đặc biệt, trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng, nạn trốn thuế lại càng diễn ra tràn lan khiến cho ngân sách thất thu, môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bị méo mó. Các hình thức trốn thuế ngày càng tinh vi và tỷ lệ thuận với nó là số tiền thiệt hại càng ngày càng lớn. Hơn lúc nào hết, câu chuyện chống gian lận thuế, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư trong nước và quốc tế được đặt ra rốt ráo.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về giải pháp phòng ngừa tội phạm trốn thuế hiện nay, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp - Giám đốc Công ty Luật HPVN cho rằng,việc đầu tiên là tiếp tục củng cố, kiện toàn các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan thuế và các cơ quan tư pháp, phân định rõ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm về thuế, xây dựng đội ngũ cán bộ thuế và cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ giỏi, có bản lĩnh vững vàng làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm về trốn thuế. Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá; kinh doanh qua mạng; doanh nghiệp giao dịch thanh toán qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ…
Theo luật sư Hiệp, đồng thời cần hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách về thuế để các quy định của pháp luật và các chính sách về thuế của Nhà nước, đảm bảo khoa học, chặt chẽ và có tính ổn định lâu dài; tránh thay đổi quá nhanh và nhiều làm cho các nhà quản lý thuế và người nộp thuế rơi vào tình trạng lúng túng trong thi hành, gây nên sự hoài nghi của các nhà đầu tư, làm phương hại đến lợi ích của người nộp thuế, tăng trưởng kinh tế và lợi ích của quốc gia.
Bên cạnh đó, cũng theo luật sư Hiệp, các cơ quan liên ngành của trung ương cũng cần sớm có thông tư liên tịch hướng dẫn kịp thời việc áp dụng các điều luật trong đấu tranh chống tội phạm trốn thuế.
“Cần xem xét lại chế tài đối với hành vi trốn thuế cho phù hợp, với chế tài như hiện nay chỉ có khung hình phạt cao nhất là 7 năm là chưa đủ sức răn đe, do đó cần quy định một chế tài cao hơn, xử lý nghiêm khắc hơn đối với những hành vi sai phạm” - Giám đốc Công ty Luật HPVN chia sẻ.
>>“Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 1: “Che” thu nhập, “giấu” doanh thu
Góp ý thêm về giải pháp phòng, chống tội phạm trốn thuế hiện nay, luật sư Trần Hồng Tình – Trưởng Văn phòng luật Nguyễn Thanh Bình lưu ý rằng, lực lượng cảnh sát kinh tế cần tăng cường phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền phục vụ phòng ngừa tội phạm trốn thuế.
Cụ thể, đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, giáo dục để người dân, nhất là các doanh nghiệp thấy rõ tính nguy hại do hậu quả của việc trốn thuế gây ra, nắm được chủ trương và quy định của pháp luật về thuế để tự giác chấp hành. Phát động quần chúng nhân dân tích cực tố giác, đấu tranh lên án những trường hợp trốn thuế; tổ chức cho các cơ quan, đơn vị, phường xã, thị trấn, tổ dân phố và từng hộ gia đình kinh doanh cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định về thuế, đồng thời có ý thức tự giác phát hiện, đấu tranh tố giác những trường hợp cố tình trốn thuế cho cơ quan chức năng để xử lý.
Luật sư Trần Hồng Tình cho rằng, lực lượng cảnh sát kinh tế cần nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm trong hoạt động thu thập, xử lý thông tin tài liệu phản ánh về tội phạm trốn thuế. Tăng cường thực hiện công tác rà soát, nắm tình hình địa bàn trọng điểm trên địa bàn mà mình được phân công, phân cấp quản lý; xác định những đối tượng có biểu hiện, khả năng nghi vấn phạm tội trốn thuế để đưa vào diện quản lý nghiệp vụ; sử dụng tốt hệ thống mạng lưới thông tin trinh sát để phát hiện thông tin kịp thời.
Sau khi đã tiếp nhận tin báo về tội phạm, phải nhanh chóng xác minh, thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ nhằm chứng minh tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội, tránh để đối tượng tiêu hủy tài liệu chứng cứ cũng như tẩu tán tài sản có được từ hoạt động phạm tội.
“Quá trình điều tra, xử lý vụ án, nếu phát hiện ra những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, chính sách pháp luật về thuế cần phải kiến nghị với các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện, khắc phục những lỗ hổng, không để tội phạm lợi dụng hoạt động”, luật sư Tình nói.
Đặc biệt theo luật sư Trần Hồng Tình, lực lượng cảnh sát kinh tế cần thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp với các cơ quan, lực lượng trong và ngoài ngành Công an như cơ quan thuế, hải quan, tài chính, kế hoạch đầu tư, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Tòa án nhân dân các cấp… nhằm đáp ứng yêu cầu phòng ngừa tội phạm trốn thuế trong thời gian tới.
Cụ thể theo luật sư Tình là việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động phối hợp thông qua việc ban hành các quy chế phối hợp cụ thể, đảm bảo cho hoạt động phối hợp được triển khai một cách hiệu quả, đi vào chiều sâu, tránh hình thức. Thực hiện tốt mặt công tác này, lực lượng Công an cùng với các cơ quan, lực lượng khác có chức năng sẽ nắm chắc được những thông tin trong lĩnh vực thuế theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
“Không những thế, hệ thống liên thông chia sẻ thông tin trong lĩnh vực thuế giữa các lực lượng cũng được “kích hoạt”, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác thông tin hướng tới một mục tiêu chung là phòng ngừa tội phạm trốn thuế một cách hiệu quả nhất”, luật sư Trần Hồng Tình phân tích.
Có thể bạn quan tâm
“Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 1: “Che” thu nhập, “giấu” doanh thu
04:00, 09/08/2022
“Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 2: Những màn “ảo thuật” với thuế nhập khẩu
03:40, 10/08/2022
“Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 3: “Hô biến” xuất xứ hàng hóa
04:05, 11/08/2022
“Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 4: Nghi vấn “lỗ giả” của nhiều “ông lớn” FDI
03:50, 12/08/2022
“Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 5: Chiêu bài “công ty ma”
11:30, 13/08/2022
“Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 6: “Lúng túng” thu thuế chuyển nhượng bất động sản
03:50, 14/08/2022
“Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 7: Gian nan quản lý thuế với thương mại điện tử
03:50, 15/08/2022
“Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 8: Xuất khẩu “giả”, hoàn thuế “thật”
03:50, 16/08/2022