Thời gian gần đây, TTCK Việt Nam trải qua nhiều biến động, nhiều nhà đầu tư trong nước có tâm lý “né” cổ phiếu bất động sản (BĐS). Tuy nhiên, khối ngoại vẫn gia tăng nắm giữ nhóm cổ phiếu này.
>>>Bách Hóa Xanh tạm dừng mở mới, Dragon Capital vẫn mua vào MWG
Mới đây, Dragon Capital đã trở thành cổ đông lớn tại Công ty CP Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG), nắm giữ 19,5 triệu cổ phần (tỷ lệ 5,1%) sau khi 3 quỹ thành viên mua vào tổng cộng 1,4 triệu đơn vị NLG trong ngày 28/4 vừa qua.
Cụ thể, quỹ thành viên DC Developing Markets Strategies Public Limited Company gom vào 1 triệu cổ phiếu NLG, tăng sở hữu lên 0,9% vốn điều lệ với hơn 3,4 triệu cồ phần. Bên cạnh đó, hai quỹ Norges Bank và Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust [Equity] cũng mua vào lần lượt là 300.000 và 100.000 đơn vị, tăng nắm giữ lên 1,3% và hơn 0,1%.
Dragon Capital mua vào cổ phiếu NLG khi mã này có đà phục hồi sau đà giảm mạnh 9 phiên liên tiếp theo áp lực thị trường tính từ 13/4. Sau khi đạt đỉnh với giá 65.100 đồng/cổ phiếu vào ngày 7/1, cổ phiếu NLG đã giảm 29,3% về 46.050 đồng/cổ phiếu khi kết thúc phiên giao dịch ngày 28/4. Tạm tính theo thị giá này, nhóm quỹ của Dragon Capital đã chi ra gần 64,5 tỷ đồng để sở hữu lượng cổ phần trên.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 hồi cuối tháng 4 vừa qua, Tổng Giám đốc NLG Trần Xuân Ngọc cho biết, năm nay kế hoạch doanh thu thuần là 7.151 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 1.206 tỷ đồng, tăng lần lượt 37% và 13% so với thực hiện cùng kỳ. Quý IV là giai đoạn cao điểm ghi nhận kết quả kinh doanh. Mức cổ tức cho năm 2022 dự kiến là 10% bằng tiền mặt, cổ đông sẽ được tạm ứng 5% vào tháng 12 và trả nốt phần còn lại sau ĐHĐCĐ năm 2023.
Trong quý I/2022, NLG ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm mạnh tới 91%, đạt 33 tỷ đồng so với con số 365 tỷ đồng của quý I/2021. Trong khi đó, doanh thu trong kỳ đạt 587 tỷ đồng cao gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái.
Theo giải trình từ phía công ty, doanh thu tăng cao chủ yếu trong quý phần lớn được đóng góp từ doanh thu bán nhà và căn hộ. Lợi nhuận thuần giảm do trong quý I năm ngoái công ty có hợp nhất lợi nhuận của Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai vào báo cáo tài chính của nhóm công ty.
Trước đó Dragon Capital cũng đã tăng lượng nắm giữ tại Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) lên gần 133,7 triệu cổ phần sau khi quỹ thành viên DC Developing Markets Strategies Public Limited Company mua vào 600.000 cổ phiếu vào ngày 21/4. Theo đó, nhóm quỹ ngoại đã nâng tỷ lệ sở hữu từ 21,9% lên 22%. Tạm tính theo giá đóng cửa ngày giao dịch là 32.400 đồng/cổ phiếu, Dragon Capital đã chi hơn 19,4 tỷ đồng để sở hữu lượng cổ phần trên.
>>>Quỹ ngoại muốn thoái sạch vốn, YEG “chìm đáy”
Như vậy, tính từ đầu tháng 4, Dragon Cpital đã mua ròng tổng cộng 6,4 triệu cổ phiếu DXG để nâng lượng hữu lên như hiện tại. Trong ngày 8/4, Dragon Capital đã gom vào một triệu cổ phiếu DXG, tăng lượng nắm giữ tại DXG lên hơn 128,3 triệu cổ phần (tỷ lệ 21,1%) sau khi hai quỹ thành viên Amersham Industries Limited và Wareham Group Limited lần lượt mua 820.000 và 180.000 đơn vị DXG.
Năm 2021, DXG ghi nhận doanh thu gấp 3,5 lần, đạt hơn 10.083 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 1.595 tỷ đồng, cải thiện so với khoản lỗ 174 tỷ đồng của năm trước, hoàn thành 112% kế hoạch doanh thu và 85,7% kế hoạch lợi nhuận. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 1.157 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2021, DXG có hơn 2.737 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, tăng 54% so với đầu kỳ. Đầu tư tài chính ngắn hạn 286 tỷ đồng, gồm 183,8 tỷ tiền gửi có kỳ hạn 3-12 tháng với lãi suất 3,3 - 7,7%/năm và 102 tỷ đồng các loại trái phiếu.
Trong cơ cấu tổng nguồn vốn, người mua trả tiền trước ngắn hạn giảm từ 2.922 tỷ xuống 2.187 tỷ đồng. Nợ vay tài chính cuối kỳ là 4.479 tỷ đồng, giảm 25%. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng 48% lên 2.962 tỷ đồng, nợ dài hạn giảm 61% xuống 1.517 tỷ. Hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu là 34%.
Có thể thấy, thời gian qua, nếu như nhà đầu tư trong nước có tâm lý “né” cổ phiếu ngành bất động sản, đặc biệt là sau khi lãnh đạo cao cấp của nhiều tập đoàn bất động sản lớn bị khởi tố, bắt giam do có liên quan đến thao túng giá chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp, khiến hàng loạt cổ phiếu ngành bất động sản “vạ lây”, thị trường chứng khoán vì thế cũng chao đảo không ít. Thế nhưng, đối với các nhà đầu tư ngoại, cổ phiếu ngành bất động sản vẫn là cổ phiếu trong danh mục ưa thích.
Trên thực tế, đối với các quỹ ngoại, tuỳ vào từng giai đoạn và từng cơ hội đầu tư cụ thể, thoả mãn các tiêu chí đầu tư về tăng trưởng của doanh nghiệp, các quỹ này sẽ cân nhắc giải ngân với tỷ trọng khác nhau. Bởi, yếu tố quan trọng với bất động sản là tính bền vững và cần nhìn cả lợi nhuận ít nhất cả năm nay và năm sau. Kết quả kinh doanh một quý tốt nhưng cổ phiếu chưa chắc đã tăng, vì quý sau, năm sau có thể giảm và ngược lại.
Có thể bạn quan tâm
Quỹ ngoại muốn thoái sạch vốn, YEG “chìm đáy”
04:30, 12/04/2022
TBS, cổ đông lớn tương lai của Nam Long Group có tiềm lực tài chính ra sao?
16:20, 09/06/2021
Startup Entobel nhận đầu tư 30 triệu USD từ Mekong Capital và Dragon Capital
05:15, 11/05/2022
SeABank và Dragon Capital Việt Nam ký kết hợp tác
14:56, 29/04/2022
Bách Hóa Xanh tạm dừng mở mới, Dragon Capital vẫn mua vào MWG
04:30, 18/04/2022
HSC và Dragon Capital Việt Nam trao tặng 50 tỷ đồng cho quỹ mua vaccine phòng chống dịch COVID-19
04:00, 29/05/2021
Sau khi bán ACB, Dragon Capital mua gì?
05:00, 16/05/2021