Nhà đầu tư BOT “mắc cạn” - Hậu quả của cách làm thiếu minh bạch

GIA NGUYỄN 14/05/2021 04:30

Trước thực trạng các nhà đầu tư BOT liên tục kêu khó vì doanh thu sụt giảm và đối diện nguy cơ phá sản, các chuyên gia cho rằng, đây là hậu quả của cách làm thiếu minh bạch…

Theo thống kê, năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong 54 dự án BOT đã có 12 dự án đạt mức thu, 42 dự án có số thu thấp hơn kế hoạch, trong đó, đa số các dự án BOT có doanh thu không đạt so với dự kiến nguyên nhân xuất phát từ lưu lượng xe thấp, nhà đầu tư không được tăng phí,... dẫn đến thực trạng nhiều nhà đầu tư BOT cũng liên tục kêu khó vì doanh thu sụt giảm và đối diện nguy cơ phá sản.

8 trạm thu phí BOT được xác định đang gặp vướng mắc không thu phí trong thời gian dài gây khó khăn cho nhà đầu tư gồm các trạm: Bỉm Sơn thuộc dự án quốc lộ 1A đoạn tránh phía tây TP. Thanh Hóa; Km77+922 quốc lộ 3 thuộc dự án Thái Nguyên - Chợ mới và nâng cấp mở rộng quốc lộ 3; Km1747 đường Hồ Chí Minh qua Đắk Lắk; La Sơn - Túy Loan; T2 thuộc dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 (Cần Thơ); Ninh Xuân thuộc dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 26; Cai Lậy thuộc dự án xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy; trạm thu phí quốc lộ 10 đoạn từ cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ (Thái Bình).

Các chuyên gia cho rằng, không thể đổ gánh nặng thua lỗ của các nhà đầu tư BOT cho Nhà nước

Các chuyên gia cho rằng, không thể đổ gánh nặng thua lỗ của các nhà đầu tư BOT thời gian qua cho Nhà nước

Trước thực trạng trên, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) kiến nghị bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thanh toán rồi sau đó sẽ xóa bỏ các trạm này.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc đề nghị dùng ngân sách Nhà nước để hỗ trợ hoặc mua lại dự án BOT là không hợp lý bởi chưa đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn cho việc xem xét, quyết định mua lại.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng chỉ rõ, việc mua lại dự án gây áp lực cho ngân sách nhà nước trong điều kiện khó khăn hiện nay và đi ngược với chủ trương huy động nguồn vốn xã hội hóa cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Còn theo các chuyên gia giao thông, Chủ trương về đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông BOT là đúng vì đây là thu hút nguồn vốn bên ngoài ngân sách Nhà nước, đã là bên ngoài ngân sách thì các nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm trước các khoản đầu tư của mình (lời ăn - lỗ chịu) theo quy tắc chung của thị trường, việc huy động xã hội hoá nhưng thực tế trên 85% vốn vay của ngân hàng và vay ngân hàng lại có bảo lãnh của Nhà nước. Do đó, việc dùng ngân sách Nhà nước mua lại các dự án BOT mà người dân đang phản ứng về việc đặt nhầm chỗ, thu phí cao... sau đó không thu phí nữa là việc làm chưa có tiền lệ, nếu áp dụng có thể tạo ra tiền lệ xấu cho các dự án khác.

Trong khi, 8 trạm thu phí trong diện mà Bộ GTVT vừa đề xuất, phần lớn là trạm thu phí đặt trên quốc lộ hiện hữu được cải tạo, nâng cấp và xây đường mới, người dân không đồng thuận khi nhà đầu tư thu phí cả hai tuyến đường.

khi lãi thì doanh nghiệp không ý kiến và còn có ý kiến đề xuất kéo dài thời gian thu phí, nhưng khi khó khăn lại đổ lên vai Nhà nước là không sòng phẳng

Khi lãi thì doanh nghiệp không ý kiến và còn có ý kiến đề xuất kéo dài thời gian thu phí, nhưng khi khó khăn lại đổ lên vai Nhà nước là không sòng phẳng...

Thông tin với báo chí, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) – GS.TS Đặng Đình Đào cho rằng, khi lãi thì doanh nghiệp không ý kiến và còn có ý kiến đề xuất kéo dài thời gian thu phí, nhưng khi khó khăn lại đổ lên vai Nhà nước là không sòng phẳng trong đầu tư, tạo tiền lệ nguy hiểm.

“Nếu các trạm BOT làm đúng thì đã là minh bạch, khách quan; nếu không thực hiện thì có quyền thương thảo nhượng lại cho các doanh nghiệp khác chứ không thể cứ lỗ là đổ lên vai Nhà nước. Vấn đề BOT hiện chỉ là hậu quả của cách làm thiếu minh bạch, không được kiểm soát chặt chẽ, gây thất thoát cho Nhà nước, đẩy gánh nặng lên người dân, các chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm, chứ không thể bắt Nhà nước chịu trách nhiệm được”, GS.TS Đặng Đình Đào nhấn mạnh.

Thực tế, kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước tại 9 dự án BOT năm 2019, cũng đã chỉ ra hàng loạt bất cập, tồn tại như: Bộ GTVT đã cho phép lập một số dự án BOT trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án, không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án BOT, phê duyệt dự án trước khi có báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Với một số dự án, Bộ GTVT cũng không công bố danh mục dự án, không tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư và hầu hết chỉ định nhà thầu thi công, xác định sai tăng tổng mức đầu tư, thi công một số gói thầu trước khi lựa chọn nhà thầu.

Bên cạnh đó, công tác thu xếp vốn tín dụng của nhà đầu tư chưa đảm bảo quy định hợp đồng BOT hoặc chưa đảm bảo tiến độ thực hiện dự án góp vốn chủ sở hữu chậm xác định chi phí sửa chữa, duy tu trong phương án tài chính chưa đủ cơ sở và căn cứ pháp lý,... Vậy minh bạch ở đâu?

Có thể bạn quan tâm

  • “Đề xuất cứu các nhà đầu tư BOT thua lỗ không thuyết phục”

    “Đề xuất cứu các nhà đầu tư BOT thua lỗ không thuyết phục”

    04:50, 13/05/2021

  • BOT – Vì đâu nhiều hệ lụy?

    BOT – Vì đâu nhiều hệ lụy?

    04:30, 12/05/2021

  • Vụ “BOT” lạ trên sông Cà Lồ tại huyện Sóc Sơn: Lãnh đạo TP.Hà Nội yêu cầu kiểm tra, làm rõ

    Vụ “BOT” lạ trên sông Cà Lồ tại huyện Sóc Sơn: Lãnh đạo TP.Hà Nội yêu cầu kiểm tra, làm rõ

    04:40, 07/05/2021

  • Không xả trạm BOT khi ùn tắc: Nhà đầu tư có đang “ngó lơ” chỉ đạo?

    Không xả trạm BOT khi ùn tắc: Nhà đầu tư có đang “ngó lơ” chỉ đạo?

    04:30, 02/05/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhà đầu tư BOT “mắc cạn” - Hậu quả của cách làm thiếu minh bạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO