Đứng trước nguy cơ ế ẩm nguồn cung cộng với pháp lý chưa rõ ràng, thị trường bất động sản đang chứng kiến làn sóng tháo chạy của các nhà đầu tư condotel.
Trong cuộc trò chuyện mới đây, anh Nguyễn Xuân Hải – Một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết anh đang rao bán lại gần chục căn hộ condotel tại loạt dự án ở Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc.
Condotel mất dần hấp lực
Nhà đầu tư này tiết lộ, từ cuối năm 2016 anh mua hơn chục căn condotel tại 5 dự án lớn được chào bán trên cả nước. Tuy nhiên gần 2 năm trôi qua dự án anh đầu tư vẫn chưa đi vào hoạt động và không thật sự mang lại lợi nhuận cao như kỳ vọng. “Chán cảnh chờ đợi pháp lý, chờ nguồn khách hàng nhỏ giọt và cạnh tranh ngày càng gay gắt tôi quyết định bán bớt 2/3 suất đầu tư của mình để thu hồi vốn, chuyển sang các phân khúc khác hấp dẫn hơn” – anh Hải cho biết.
Không chỉ riêng anh Hải, theo tìm hiểu của PV, thị trường đang nhan nhản các tin rao bán căn hộ condotel từ nhà đầu tư. Có người rao bán giá gốc, cũng có nhiều người chấp nhận bán lỗ để thoát thân.
Có thể bạn quan tâm
16:45, 16/03/2018
15:17, 16/03/2018
14:14, 16/03/2018
16:01, 16/01/2018
Một môi giới cho biết đang rao bán căn hộ condotel Phú Quốc diện tích 45m2 với giá 2,5 tỷ (giá gốc hợp đồng là 3,3 tỷ) nhưng gần 3 tháng nay vẫn không có khách hỏi. Cùng số phận, nhiều căn hộ condotel Lê Thánh Tôn Nha Trang bán giá thấp hơn từ 50-100 triệu so với giá mua vào vẫn có rất ít giao dịch. Dự án condotel Đà Nẵng từng rất hút khách khi bán sơ cấp, hiện có nhà đầu tư rao giá 1,9 tỷ/căn (giá gốc 2 tỷ) vẫn không tìm được người mua.
Là người trong cuộc, ông Phạm Ngọc Vũ – Giám đốc Sàn giao dịch Bất động sản Đất Phố thừa nhận, bắt đầu từ quý 4/2017 người mua khó chuyển nhượng lại condotel vì thanh khoản kém.
Ông Vũ lý giải, giao dịch condotel đang gặp nhiều khó khăn do nhu cầu ủy thác bán lại cao gấp nhiều lần so với nhu cầu mua vào. Trước đây, nguồn cung condotel ồ ạt tung ra đi kèm cam kết lợi nhuận 10-15%/năm thu hút đông đảo nhà đầu tư tham gia. Thời điểm hiện nay, phần lớn các nhà đầu tư đều nhận thấy việc cho thuê gặp nhiều khó khăn hoặc ủy thác kinh doanh lợi nhuận thấp.
Thậm chí, giá condotel không tăng như kỳ vọng, cũng không thể lướt sóng do pháp lý yếu. Nhiều nhà đầu tư vay vốn ngân hàng để sở hữu condotel phải chấp nhận lãi suất tháng mà giá thu về từ căn hộ không bù nổi nên buộc phải bán ra.
“Khách mua thì lo lắng việc sở hữu các căn hộ nên khi mua họ thường yêu cầu phải có văn bản cam kết bàn giao sổ từ chủ đầu tư. Tuy nhiên đến nay hầu như chưa có chủ đầu tư nào dám đưa ra cam kết này. Hợp đồng mua bán loại hình này không thể hiện rõ về việc sở hữu như thế nào nên người mua càng nghi ngại. Bên cạnh đó, bùng nổ nguồn cung cũng là nguyên nhân khiến condotel mất dần hấp lực. Nhiều người có cùng một hành động nên tạo thành “làn sóng” – ông Vũ cho biết.
Buông lỏng quản lý
Báo cáo mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường DKRA chỉ rõ, trong quý II/2018, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang sụt giảm mạnh nguồn cầu dẫn đến lực mua condotel đi xuống.
Cụ thể, tổng nguồn cung căn hộ condotel đưa ra thị trường khoảng 2.000 căn nhưng khả năng tiêu thụ chỉ đạt khoảng 1/3 so với quý trước. Đứng đầu bảng về tỉ lệ tồn kho là TP Đà Nẵng chỉ có 9% nguồn cung được giao dịch thành công (tồn kho đến 91%); Bình Định, Khánh Hòa tỉ lệ hấp thụ căn hộ condotel chỉ dao động từ khoảng 22 - 26%. Tương tự, tại Phú Quốc (Kiên Giang) và Bà Rịa-Vũng Tàu thanh khoản khả quan nhất nhưng mức hấp thụ cũng chỉ dừng ở ngưỡng 39 - 40% (tồn kho khoảng 60 - 61%).
Chia sẻ với phóng viên, chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng, việc nhà nước buông lỏng quản lý, thậm chí có dấu hiệu “bật đèn xanh” cho chủ đầu tư các dự án condotel được đà tung hoành cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường condotel đổ vỡ.
Ông Hiển chỉ rõ thực tế, condotel là căn hộ dịch vụ được phép xây dựng ở những vùng không được quy hoạch làm căn hộ để ở. Đây là đất mà chủ đầu tư thuê 50 năm và khách hàng mua condotel là mua quyền thuê chứ không phải để sở hữu nhà ở. Nhưng trong quá trình triển khai có sự mập mờ của chủ đầu tư nên người mua nghĩ rằng, họ mua căn hộ condotel thì sẽ được sở hữu vĩnh viễn.
“Thị trường nhà đất ở nước ta có những cái rất lạ đi trước rồi chính sách mới chỉnh sau. Lẽ ra, khi nhà nước cho phép xây dựng loại hình condotel thì phải ban hành ngay luật condotel, còn hiện nay cả nước có đến gần 50.000 căn hộ condotel mà vẫn chưa có quy định nào quản lý” – ông Hiển bày tỏ lo ngại.
Kỳ II: Tương lai nào cho condotel?