Trung Quốc đang dần mở cửa nền kinh tế trở lại với các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng các doanh nghiệp này có sự thận trọng nhất định khi trở lại thị trường này.
>>"Cơn gió ngược" với kinh tế Trung Quốc
Thông điệp của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Lạc tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2023 ở Davos rất rõ ràng và đơn giản: Trung Quốc sẽ hoan nghênh đầu tư nước ngoài và tiếp tục mở cửa với thế giới.
Thông điệp của ông được đưa ra sau tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình vào một tháng trước đó về việc "cần đảm bảo rằng đầu tư nước ngoài hạng nhất đã vào Trung Quốc sẽ ở lại trong nước, cũng như thu hút thêm đầu tư nước ngoài chất lượng cao".
Tuy nhiên, bất chấp thông điệp này, nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn bị chi phối bởi sự lo ngại và các quyết định của những doanh nghiệp khác nhằm chuyển hướng hoạt động ra khỏi Trung Quốc.
Trên thực tế, đối với các công ty nước ngoài tại Trung Quốc, năm 2022 là một năm khó khăn và không chắc chắn. Chính sách zero COVID đã làm suy yếu nhu cầu và làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong khi đó, Mỹ đã ban hành các lệnh hạn chế đối với việc xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến và tạo rào cản cho các khoản trợ cấp cho sản xuất mới trong nước để hạn chế các hoạt động liên quan đến Trung Quốc.
Với việc chính sách zero COVID giờ đã trở thành dĩ vãng và nền kinh tế Trung Quốc đang trỗi dậy sau "giấc ngủ say", liệu hoạt động tại Trung Quốc có phục hồi?
Giới quan sát cho rằng, khi nhìn vào những gì các doanh nghiệp đã làm gần đây cho thấy một bức tranh phức tạp, thậm chí trái ngược nhau.
Tháng 10 năm ngoái, BMW tuyên bố sẽ chuyển sản xuất một số mẫu Mini chạy điện từ Anh sang Trung Quốc. Cũng trong khoảng thời gian đó, Foxconn Technology Group đang mở rộng kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất cho Apple từ Trung Quốc sang Ấn Độ và Việt Nam. Trong khi đó, Honda Motor được cho là đang tìm hiểu cách thức sản xuất ô tô và xe máy với việc hạn chế sử sụng các linh kiện Trung Quốc.
Tiếp sau đó, vào tháng 12/2022, trong khi nhà bán lẻ quần áo Gap của Hoa Kỳ cho biết họ sẽ giảm bớt các hoạt động tại Trung Quốc, thì Starbucks đã xác nhận kế hoạch mở thêm 3.000 cửa hàng và tuyển thêm 35.000 nhân viên tại Trung Quốc vào năm 2025.
>>Doanh nghiệp "gặp khó" khi xuất khẩu thủy sản tươi sống sang Trung Quốc
Trong hai thập kỷ qua, các công ty đa quốc gia đã theo đuổi 4 cách tiếp cận khác nhau đối với Trung Quốc. Nhiều công ty ngày càng nội địa hóa hoạt động của mình để phục vụ thị trường Trung Quốc. Trong khi các doanh nghiệp khác tiếp tục coi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp dựa vào Trung Quốc như một nguồn cung ứng quan trọng. Một số công ty chỉ đơn giản cho rằng Trung Quốc không dành cho họ.
Có những doanh nghiệp đã sử dụng một số hoặc thậm chí tất cả các cách tiếp cận này cùng một lúc trên các bộ phận kinh doanh khác nhau của họ. Tuy nhiên, sự khác biệt ngày càng tăng giữa Trung Quốc và phương Tây dẫn đến việc cả bốn cách tiếp cận kinh doanh đều đang thay đổi.
Ở trong nước, các công ty đa quốc gia phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để thay đổi chiến lược tại Trung Quốc. Mặc dù Bắc Kinh hứa hẹn rằng thị trường của họ sẽ mở rộng hơn nữa cho các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng điều này rõ ràng sẽ rất phụ thuộc vào các điều kiện của chính họ.
Theo ông Andrew Cainey, thành viên cao cấp tại Viện Royal United Services (London), việc nội địa hóa đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, với tiềm năng to lớn cho những ai hiểu đúng về Trung Quốc. Điều này giải thích kế hoạch của Starbucks tại Trung Quốc. Nó cũng giải thích lý do tại sao BASF của Đức đang đầu tư tới 10 tỷ USD vào một tổ hợp hóa chất mới ở thành phố cảng phía Nam Trạm Giang và tại sao Tập đoàn Volkswagen đang tìm cách củng cố vị thế đang chững lại của mình tại quốc gia này.
"Trên thực tế, việc xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ trở nên khó khăn hơn đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực có giá trị cao hơn như thiết bị và công nghệ. Chính sách của Trung Quốc hứa hẹn tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất tại Trung Quốc, nhưng điều này không bao gồm những doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc", ông Cainey cho biết thêm.
Và khi các công ty Trung Quốc phát triển mạnh mẽ hơn, họ tạo ra sự cạnh tranh ngày càng lớn hơn đối với các công ty nước ngoài cả trong và ngoài Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù giờ đây Trung Quốc đang dần mở cửa thị trường theo hướng tích cực hơn, nhưng rất khó có khả năng các doanh nghiệp nước ngoài "ồ ạt" quay trở lại Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
Ngành chip Trung Quốc sẽ "nguy to" nếu Nhật Bản tung "đòn hiểm" này
03:30, 11/03/2023
Thần tốc công nghệ, Trung Quốc khiến Mỹ lo sợ!
04:30, 13/03/2023
Doanh nghiệp đề xuất xuất khẩu chính ngạch sứa sang Trung Quốc
13:00, 10/03/2023
"Ẩn số" đằng sau mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn của Trung Quốc
04:00, 08/03/2023
"Cơn gió ngược" với kinh tế Trung Quốc
03:00, 08/03/2023