Những tập đoàn lớn như Gap, Diesel, hoặc công ty mẹ của North Face và Vans, đều đang họat động mà không có CEO thường trực.
>>Quản trị tài chính cho CEO thời gió ngược
Một trong những “thứ” khó tìm nhất hiện nay trong ngành bán lẻ là một vị Tổng giám đốc (CEO), vì CEO bây giờ phải vừa giỏi quản trị, vừa giỏi bán hàng, lại vừa phải nắm bắt được các công nghệ mới nhất vừa ra đời.
Tiêu chuẩn CEO của ngành bán lẻ ngày càng cao đã và đang khiến ngành này khó tuyển dụng được vị trí quan trọng này.
Khó tin nhưng có thật, đó là có những tập đoàn lớn như Gap, Diesel, hoặc công ty mẹ của North Face và Vans, đều đang họat động mà không có CEO thường trực. Với những thử thách mà các công ty bán lẻ đang phải đối mặt, như người tiêu dùng chi tiêu chậm lại, biến động giá cả hay suy thoái kinh tế, thì việc không có CEO quả thực khá nguy hiểm.
Nhưng không phải họ không “cần” CEO, mà là không tuyển nổi. Những biến động thị trường và phát triển công nghệ trong những năm vừa qua đòi hỏi các CEO bây giờ không chỉ phải thích nghi với những bối cảnh bán lẻ mới, mà còn phải học thêm nhiều kỹ năng chưa từng biết đến để giúp doanh nghiệp sống sót sau đại dịch.
Chẳng hạn trước kia, một CEO ngành bán lẻ thường được đóng khung là một người lão luyện trong bán hàng, biết được nhu cầu của khách hàng và cách thức thuyết phục người tiêu dùng mua hàng. Thế nhưng giờ đây, CEO bán lẻ còn phải biết cách làm thế nào để cân đối nguồn lực giữa chuỗi cửa hàng thực địa với thương mại điện tử, biết cách khắc phục các sự cố trong chuỗi cung ứng, hoặc phải nắm được các công nghệ mới nổi như vũ trụ ảo (metaverse)...
Những đòi hỏi đó, thêm vào những bất ổn trong thời kỳ đại dịch khiến những vị trí hàng đầu công ty nghỉ việc rất nhiều. Trong năm 2022, có tới 12% số CEO các công ty lớn được ghi nhận đã từ chức.
Kể từ khi vị tổng giám đốc cũ ra đi vào tháng 7/2022 vì doanh số sụt giảm và gặp thách thức về chuỗi cung ứng, hãng thời trang Gap vẫn đang tìm kiếm một CEO mới. Hoặc Victoria’s Secret cũng chia tay CEO AMy Hauk vào tháng 1/2022 và vẫn chưa có ý định tìm người thay thế.
Những công ty bán lẻ lớn đã gặp khó khi tìm CEO, thì những công ty bán lẻ chuyên biệt, tức chỉ bán một loại quần áo hoặc hàng hóa, thì càng khó khăn hơn. Họ vốn đã thiếu các chương trình đào tạo, và giờ đây phải dành nhiều thời gian và công sức để tìm người phù hợp lèo lái công ty.
Những diễn biến này khiến các công ty buộc phải nhận ra nhu cầu đào tạo ban lãnh đạo và thậm chí là thay đổi tư duy của thế hệ lãnh đạo bán lẻ tiếp theo là rất cấp bách. Nhiều công ty tìm đến các đơn vị tư vấn, mong muốn tìm kiếm các khóa đào tạo không chỉ cho nhân viên mà còn cho cấp lãnh đạo. Bây giờ, các chương trình đào tạo kinh doanh cũng phải thay đổi, thêm vào kha khá nhiều kiến thức công nghệ.
Khi nhân lực truyền thống thiếu hụt, các công ty bán lẻ bắt đầu tìm kiếm nhân sự bên ngoài. Chẳng hạn trong tháng này, John Koryl, người điều hành bộ phận kỹ thuật số của công ty dụng cụ gia dụng Canadian Tire, vừa lên nắm quyền tại nền tảng bán hàng thời trang xa xỉ đã qua sử dụng RealReal. Theo RealReal, họ chọn ông Koryl vì ông có kinh nghiệm trong xây dựng chuỗi cung ứng, thương mại điện tử và chiến lược kỹ thuật số.
Hoặc năm ngoái thương hiệu thể thao Armour chọn Stephanie Linnartz, chủ tịch thương hiệu khách sạn Marriott International, lên làm CEO mới. Thương hiệu thể thao này giải thích rằng bà Linnartz có thể đem đến sự chuyển đổi tích cực và tầm nhìn mới khi họ đang cố gắng củng cố lòng trung thành của tập người dùng 16 đến 20 tuổi.
Cách đây 10 năm, các công ty bán lẻ thường tuyển người giỏi bán hàng để điều hành, vì ở thời điểm đó, bán hàng được xem là kỹ năng quan trọng nhất. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, mọi chuyện đã khác. CEO cần nhiều hơn thế. Khi đó, nhiều công ty nhận định rằng cái áo CEO là quá rộng đối với một người. Thế là, vị trí “đồng tổng giám đốc” ra đời.
Hồi đầu năm nay, hãng thời trang Pacsun bổ nhiệm Brie Olson làm CEO, đồng chức với Mike Relich. Theo Pacsun, bà Olson có chuyên môn trong bán hàng, thiết kế và xây dựng thương hiệu, còn ông Relich thành thạo giám sát chuỗi cung ứng, phân phối, tài chính và nhân lực. Sự kết hợp của cả hai sẽ tốt hơn cho công ty.
Nói tóm lại, hiện nay bất kể đi theo con đường nào, thì các công ty bán lẻ cũng cần chú trọng đến việc xác định và nuôi dưỡng, phát triển thế hệ lãnh đạo tiếp theo. Nếu không thể làm được điều này, chắc nhiều công ty sẽ phải lâm vào tình trạng “vô giám đốc” một ngày không xa.
Có thể bạn quan tâm