Ngân hàng Nhà nước ra quy định mới về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro

ĐÌNH ĐẠI 05/08/2021 11:00

NHNN vừa ban hành Thông tư 11/2021/TT-NHNN về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thông tư có 4 Chương, 27 Điều, quy định về phân loại nợ và cam kết ngoại bảng, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, quản lý nợ, cam kết ngoại bảng, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, hạch toán và báo cáo; các quy định về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và xử lý vi phạm; các quy định về điều khoản thi hành và chuyển tiếp. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/10/2021. 

Ngân hàng Nhà nước quy định mới về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro.

Ngân hàng Nhà nước quy định mới về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro.

Cụ thể, Thông tư quy định tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ban hành quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý nợ, chính sách dự phòng rủi ro trong đó có quy định về quyền hạn, trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị trong việc thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng, quản lý chất lượng tín dụng, tài sản bảo đảm. Trong vòng 10 ngày, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải báo cáo và gửi về NHNN bộ quy định nội bộ này. 

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng mỗi tháng một lần trong 7 ngày đầu tiên của tháng và gửi về CIC. Trong 3 ngày sau khi nhận được kết quả phân loại nợ của ngân hàng, CIC tổng hợp danh sách khách hàng theo nhóm nợ và cung cấp cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong 3 ngày kể từ khi nhận được danh sách từ CIC, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài điều chỉnh nhóm nợ theo danh sách CIC cung cấp.

Về nguyên tắc, Thông tư quy định, toàn bộ dư nợ của một khách hàng tại một TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được phân loại vào cùng một nhóm nợ. TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phân loại nợ theo 5 nhóm: nợ tiêu chuẩn, nợ cần chú ý, nợ dưới chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn.

Tỷ lệ trích lập dự phòng đối với từng nhóm nợ như sau: nợ tiêu chuẩn không phải trích lập, nợ cần chú ý trích lập 5%, nợ dưới chuẩn trích lập 20%, nợ nghi ngờ trích lập 50% và nợ có khả năng mất vốn trích lập 100%.

Tài sản bảo đảm đủ điều kiện được khấu trừ khi tính số tiền trích lập dự phòng. Tỷ lệ khấu trừ tùy thuộc vào từng loại tài sản nhưng phải theo nguyên tắc tài sản thanh khoản càng thấp, mức biến động giá càng lớn thì tỷ lệ khấu từ phải càng thấp. Trường hợp tài sản bảo đảm từ 200 tỷ đồng trở lên, tài sản từ 50 tỷ đồng trở lên đối với khoản nợ của người có liên quan, cần chú ý, nợ dưới chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn phải thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định giá trị tài sản.

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thành lập Hội đồng xử lý rủi ro. TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong trường hợp khách hàng tổ chức bị giải thể, phá sản, khách hàng cá nhân chết, mất tích hoặc trường hợp nợ phân loại vào nhóm 5.

Sau thời gian tối thiểu là 5 năm kể từ ngày sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và sau khi thực hiện tất cả các biện pháp để thu hồi nợ nhưng không thu hồi được, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyết định xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng.

Các khoản nợ được xuất toán ra khỏi ngoại bảng phải theo dõi trong hệ thống quản trị của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định về trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm hàng hóa dịch vụ công trình xây dựng tại doanh nghiệp trong thời hạn tối thiểu là 10 (mười) năm kể từ ngày quyết định xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng, trừ các khoản nợ mà khách hàng là tổ chức đã phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật và sau khi thanh lý, xử lý toàn bộ tài sản hoặc khách hàng là cá nhân đã chết, bị tuyên bố mất tích theo quyết định của Tòa án và đã xử lý xong di sản, nghĩa vụ của người này theo quy định của pháp luật.

Trường hợp có bằng chứng chắc chắn chứng minh tổn thất về tài sản đối với khoản nợ thì xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định pháp luật. Trường hợp do nguyên nhân chủ quan thì người gây ra tổn thất phải bồi thường. Nếu tài sản bảo đảm đã mua bảo hiểm thì xử lý theo hợp đồng bảo hiểm.

Số tiền thu hồi được từ nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, kể cả số tiền thu hồi được từ việc xử lý tài sản bảo đảm, được coi là doanh thu trong kỳ kế toán của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có bộ phận quản lý nợ, chịu trách nhiệm xây dựng trình cấp trên ban hành hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, chính sách dự phòng rủi ro, quản lý, vận hành hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ…

Ngoài trách nhiệm báo cáo NHNN theo quy định, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hàng năm báo cáo Đại hội đồng cổ đông, chủ sở hữu về về kết quả phân loại nợ, cam kết ngoại bảng, trích lập sử dụng dự phòng rủi ro, kết quả sử dụng dự phòng rủi ro và kết quả xử lý tổn thất.

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và cá nhân có liên quan vi phạm các quy định, ngoài việc phải thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng, trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng rủi ro đối với nợ theo đúng quy định tại Thông tư này, theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Có thể bạn quan tâm

  • NCB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn thêm 1.500 tỷ đồng

    NCB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn thêm 1.500 tỷ đồng

    04:28, 08/07/2021

  • Ngân hàng Nhà nước 6 năm dẫn đầu chỉ số Cải cách hành chính

    Ngân hàng Nhà nước 6 năm dẫn đầu chỉ số Cải cách hành chính

    17:40, 24/06/2021

  • Vì sao Ngân hàng Nhà nước giảm mua ngoại tệ?

    Vì sao Ngân hàng Nhà nước giảm mua ngoại tệ?

    11:00, 19/06/2021

  • Ngân hàng Nhà nước muốn rút ngắn thời gian cho vay quá hạn

    Ngân hàng Nhà nước muốn rút ngắn thời gian cho vay quá hạn

    18:28, 22/05/2021

  • Ngân hàng Nhà nước công bố 02 tư liệu quí giá của ngành Ngân hàng Việt Nam

    Ngân hàng Nhà nước công bố 02 tư liệu quí giá của ngành Ngân hàng Việt Nam

    12:20, 04/05/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngân hàng Nhà nước ra quy định mới về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO