Phiên giao dịch ngày 17/8, cổ phiếu nhóm thuỷ sản hút được dòng tiền nhờ quý 2/2022 nhờ kết quả doanh thu và lợi nhuận vượt trội.
>>> Cổ phiếu thủy sản "chờ thời" quý 4
Đến hết phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng gần 5 điểm (0,39%) lên 1.279 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 73,7 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 7000 tỷ đồng. HNX-Index tăng 0,63 điểm (0,14%) lên 304 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 12 triệu cổ phiếu, trị giá 250 tỷ đồng. UPCoM-Index tăng 0,04 điểm (0,04%) lên 92,88 điểm.
Đặc biệt, nhóm cổ phiếu thủy sản biến động theo chiều hướng tích cực, trong đó, IDI tăng đến gần 6% cán mốc 21.600 đồng/cp; ANV tăng 1,45 % cán mốc 52.600 đồng/cp, VHC tăng 3%, cán mốc 89.000 đồng/cp; CMX tăng 2,9%.... Bên cạnh đó, một số cổ phiếu lớn như GAS, MBB, VRE, NVL, BVH, VHM... đồng loạt tăng giá và góp phần giúp kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Tính từ đầu năm, nhóm cổ phiếu thuỷ sản này đã có những phiên tăng giá liên tục kể cả từ khi sau đại dịch Covid-19.
Báo cáo mới đây của SSI cho thấy trong nhóm cổ phiếu thuỷ sản đã có bước tăng trưởng vượt bậc so với các ngành khác. Trong quý 2/2022, VHC ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 4,2 nghìn tỷ đồng (tăng 80,4% so với cùng kỳ) và 788 tỷ đồng (tăng 202% so với cùng kỳ). 6 tháng đầu năm 2022, VHC ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao kỷ lục, ở mức 242%. SSI cho rằng mức tăng trưởng lợi nhuận này đã là mức đỉnh. Tăng trưởng xuất khẩu cá tra phi lê sang Mỹ bắt đầu giảm tốc, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc lại bắt đầu tăng tốc.
SSI Research cho biết trong tháng 8, ANV sẽ xuất khẩu 5 container cá tra sang Mỹ với giá xuất khẩu 5 USD/kg (bằng mức giá xuất khẩu của VHC ) và cao hơn giá bán bình quân trong nửa đầu năm của doanh nghiệp là 2,9 USD/kg). ANV cũng đặt mục tiêu dài hạn chiếm 10% thị phần nhập khẩu cá tra của Mỹ. Theo ước tính của SSI, thị trường Mỹ sẽ chiếm lần lượt khoảng 7% và 9% doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2022 của ANV. Sang năm 2023, thị trường này có thể chiếm tới 16% doanh thu hàng tháng của ANV. Tuy nhiên, hàng tồn kho cá tại Mỹ đang ở mức cao và nhu cầu thấp hơn dự kiến do ảnh hưởng lạm phát, giá cá tra tại đây có thể đã đạt đỉnh vào quý II/2022. Đồng thời, chi phí vận chuyển sang thị trường này khá cao, tỷ lệ chi phí vận chuyển trên doanh thu gần 7% trong khi trước dịch bệnh COVID-19 chỉ khoảng 1%.
Thống kê 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM cho thấy trong quý 2/2022, tổng doanh thu của hơn 20 doanh nghiệp ngành thủy sản trên cả 3 sàn đạt trên 16,78 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, 6 tháng đầu năm nhóm thuỷ sản đạt 30,6 nghìn tỷ đồng, tăng gần 34%.
Có thể nói, doanh thu tăng mạnh, trong khi giá vốn hàng bán tăng ít hơn, cộng với doanh thu tài chính cao gấp đôi cùng kỳ đã giúp cho lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp tăng vọt. Riêng quý 2 đạt hơn 1.66 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ; lũy kế 6 tháng đạt 2.9 nghìn tỷ đồng, gấp 3,3 lần cùng kỳ.
Theo đánh giá của VASEP, năm 2022, nhu cầu của các thị trường bùng nổ sau 2 năm kìm nén vì đại dịch COVID-19, sản xuất nội địa không đủ đáp ứng. Đặc biệt xung đột Nga - Ukraine dẫn đến nhiều lệnh trừng phạt kinh tế và thương mại của các nước lên Nga, trong khi Nga là nguồn cung thịt trắng lớn nhất cho EU. Việc thiếu nguyên liệu cá, thịt trắng trước bối cảnh lạm phát tăng kỷ lục tại EU sẽ là cơ hội lớn cho mặt hàng cá tra Việt Nam. Mặt khác, thuế quan ưu đãi EVFTA càng phát huy lợi thế cho cá tra Việt Nam sang EU trong năm 2022.
Theo các chuyên gia 6 tháng đầu năm sẽ là nền tảng để ngành thuỷ sản tăng tốc. Mức này còn phụ thuộc thời tiết ở 6 tháng cuối năm, nhưng có căn cứ để đạt được. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm các doanh nghiệp trong ngành sẽ đối mặt với khó khăn đến qui trình liên quan đến các chính sách “Zero-covid” gây ra tắc nghẽn cho quy trình nhập khẩu tại thị trường Trung Quốc hiện nay. Tại Trung Quốc hiện nhiều thành phố có chính sách thắt chặt nhất khi ghi nhận các đợt bùng phát). Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu tiếp tục tăng, đặc biệt là ở Mỹ và EU, do thiếu hụt nguồn cung các sản phẩm cỡ nhỏ.
Hiện giá tôm có thể giảm nhẹ tại thị trường Mỹ. Sau khi các đơn đặt hàng bùng nổ từ các nhà nhập khẩu vào năm 2021, nhu cầu dự trữ tôm giảm dần và và kho cấp đông dang đầy dần. Do đó, nhu cầu tôm được dự đoán sẽ giảm trong vài tháng tới. Xung đột Nga-Ukraine làm gián đoạn thương mại thủy sản toàn cầu, tác động đến toàn bộ chuỗi giá trị gia tăng. Xung đột căng thẳng khiến giá cước vận tải, giá xăng dầu và chi phí thức ăn thủy sản tăng mạnh, có thể làm xói mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản chi phí bán hàng & quản lý dự kiến sẽ giữ ở mức cao do giá cước vận tải tăng mạnh so với các đối thủ cạnh tranh. Đây sẽ là thách thức lớn của doanh nghiệp thuỷ sản trong những tháng cuối năm 2022.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp thuỷ sản trước tác động của tỷ giá
04:00, 17/08/2022
THỦ TƯỚNG VÀ DOANH NGHIỆP 2022: Kiến nghị tháo gỡ giảm chi phí cho doanh nghiệp thủy sản
12:39, 11/08/2022
Quảng Ninh: Gỡ khó cho cấp mã vùng nuôi trồng thuỷ sản tại Vân Đồn
06:45, 10/08/2022
Thủy sản thoát khó vì không còn “bó” kiểm dịch
12:56, 03/08/2022