Nhu cầu nhân lực trình độ cao tại các doanh nghiệp tăng nhanh

HẠNH LÊ 11/07/2024 02:00

Sau nhiều năm “loanh quanh” mốc 26 - 27%, lần đầu tiên trong quý 2 năm nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo, có bằng cấp chứng chỉ cán mốc 28,1%.

>>>Giải “cơn khát” lao động chất lượng cao của doanh nghiệp

Đây là một trong những điểm tích cực của thị trường lao động được ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) đề cập.

Nhu cầu nhân lực có trình độ cao và kỹ năng của các doanh nghiệp tăng nhanh trong những năm gần đây. Song, tỷ lệ lao động Việt Nam đã qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ nhiều năm chưa vượt quá 27%. Vì vậy, con số 28,1% lao động qua đào tạo, tăng 0,3 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước - có ý nghĩa quan trọng.

Tăng khả năng tiếp cận

Tăng khả năng tiếp cận cơ hội học tập nâng cao kỹ năng tay nghề góp phần nâng cao tỷ lệ lao động có chứng chỉ, bằng cấp

Trong bối cảnh toàn cầu hoá và công nghiệp hoá, đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, thời gian qua, Chính phủ quan tâm đến việc đào tạo nhân lực chất lượng cao. Theo ông Phạm Hoài Nam, nhận thức về sự cần thiết của việc duy trì và phát triển kỹ năng thông qua việc học tập liên tục, nhiều cơ sở đào tạo được mở rộng và nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, người lao động có cơ hội tiếp tục học tập và nâng cao trình độ, qua đó tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc tuyển dụng nhân sự.

Bên cạnh đó, ông Phạm Hoài Nam cho biết thêm, Việt Nam đang thời kỳ cơ cấu dân số vàng với quy mô dân số trong độ tuổi lao động dồi dào và tăng hàng năm chính là lợi thế để bổ sung lực lượng lao động, bao gồm cả lao động có việc làm. 6 tháng đầu năm 2024, lao động có việc làm đạt 51,4 triệu người, tăng 195,8 nghìn người so với 6 tháng đầu năm 2023.

Thị trường lao động ghi nhận tín hiệu tích cực khi thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý 2 đạt 7,5 triệu đồng, tăng 490.000đ và gấp 1,3 lần tốc độ tăng thu nhập bình quân quý 2 năm trước. Trong đó, lao động làm việc trong một số ngành kinh tế có tốc độ tăng thu nhập bình quân khá hơn với cùng kỳ năm trước là ngành điện, nước, tài chính ngân hàng và bảo hiểm…

Đây cũng là những ngành sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm. Khi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng trưởng tốt, góp phần cải thiện thu nhập của người lao động. Thậm chí, có một số doanh nghiệp xuất khẩu ngay từ đầu năm đã chủ động điều chỉnh tăng lương tối thiểu cho người lao động ở mức 6%, trước thời hạn tăng lương tối thiểu chung.

>>>Doanh nghiệp là "nòng cốt" trong đào tạo kỹ năng lao động

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, thị trường lao động vẫn còn những điểm hạn chế. Trong đó, tình hình thiếu việc làm và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý này cao hơn quý trước có liên quan đến “sức khoẻ” của doanh nghiệp. Theo Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, bình quân một tháng có gần 18,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Ngoài khó khăn từ môi trường kinh doanh bên ngoài, các doanh nghiệp còn đối mặt với những vấn đề nội tại như quy mô và “tuổi thọ” giảm, năng lực cạnh tranh yếu kém, và khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn và thị trường.

Nguồn

Nhu cầu nhân lực chất lượng cao của Việt Nam tiếp tục tăng trong thời gian tới

Để thị trường lao động phục hồi bền vững, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Trong đó, có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, điện - điện tử...

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm.

Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị thị trường lao động phù hợp, từng bước hiện đại, minh bạch có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả kết nối cung cầu lao động, việc làm, an sinh xã hội.

Có thể bạn quan tâm

  • Thái Nguyên: Tìm giải pháp nâng cao chỉ số Đào tạo lao động

    Thái Nguyên: Tìm giải pháp nâng cao chỉ số Đào tạo lao động

    14:54, 07/06/2024

  • Quảng Yên: Áp lực thiếu hụt lao động

    Quảng Yên: Áp lực thiếu hụt lao động

    19:56, 30/05/2024

  • Phát triển doanh nghiệp thúc đẩy tăng năng suất lao động

    Phát triển doanh nghiệp thúc đẩy tăng năng suất lao động

    02:30, 27/05/2024

  • Du lịch Việt Nam cần khoảng 5,5 triệu lao động trong năm tới

    Du lịch Việt Nam cần khoảng 5,5 triệu lao động trong năm tới

    02:30, 07/05/2024

  • Tăng trưởng bền vững: “Cú hích” từ năng suất lao động

    Tăng trưởng bền vững: “Cú hích” từ năng suất lao động

    03:30, 02/05/2024

  • Người lao động trong kỷ nguyên AI

    Người lao động trong kỷ nguyên AI

    16:00, 01/05/2024

  • Nghịch lý của lao động hiện đại

    Nghịch lý của lao động hiện đại

    04:00, 01/05/2024

  • Giải “cơn khát” lao động chất lượng cao của doanh nghiệp

    Giải “cơn khát” lao động chất lượng cao của doanh nghiệp

    14:27, 24/04/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhu cầu nhân lực trình độ cao tại các doanh nghiệp tăng nhanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO