Nhiều người dân Ấn Độ đã tìm đến các trại bò để tắm phân và nước tiểu bò với hy vọng tăng khả năng miễn dịch cũng như được điều trị khỏi Covid-19.
Theo nguồn tin từ Reuters, tại bang Gujarat, miền tây Ấn Độ, một số tín đồ đạo Hindu đã đến trang trại bò mỗi tuần một lần để bôi phân bò và nước tiểu lên cơ thể mình. Họ hy vọng phương pháp này sẽ giúp tăng cường khả năng miễn dịch, ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 hoặc giúp họ khỏi bệnh Covid-19.
Được biết, điều này xuất phát từ niềm tin rằng phân bò và nước tiểu bò có đặc tính trị liệu và sát trùng, trong suốt nhiều thế kỷ, người theo đạo Hindu đã sử dụng phân bò để dọn dẹp nhà cửa và dùng trong các nghi lễ cầu nguyện. Sau đó, họ sẽ chờ hỗn hợp khô lại, đồng thời ôm và vuốt ve những con bò, rồi tập yoga để tăng cường năng lượng. Cuối cùng hỗn hợp trên sẽ được rửa bằng sữa hoặc sữa lên men.
Tuy nhiên, các bác sĩ khẳng định không có bằng chứng khoa học về hiệu quả của phân bò trong điều trị bệnh Covid-19. Thậm chí, liệu pháp này còn có nguy cơ làm lây lan các căn bệnh khác cho người dân.
Tiến sĩ JA Jayalal, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Ấn Độ nhấn mạnh, "Có nhiều rủi ro sức khỏe liên quan đến bôi hay hấp thụ chất thải từ bò, như nhiễm các loại bệnh có thể lây từ động vật sang người”.
Đặc biệt, các nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo, biến chủng virus B.1.617 tại Ấn Độ đang được xếp vào nhóm đáng lo ngại trên toàn cầu. Đây là biến thể thứ tư được WHO phân loại vào nhóm “đáng lo ngại” bên cạnh biến thể B.1.1.7 ở Vương quốc Anh, biến thể B.1.35 được tìm thấy ở Nam Phi; và biến thể P.1 được các nhà nghiên cứu ở Brazil phát hiện ra.
Do đó, việc tập trung tại trại bò cũng có thể làm biến chủng này có cơ hội lây lan nhanh và rộng hơn.
Các thông tin cho thấy biến chủng B.1.617 có khả năng lây lan mạnh hơn. Theo Tiến sĩ Soumya Swaminathan, nhà nghiên cứu chính của WHO cho biết, hiện nay cứ một người trong gia đình mắc bệnh, cả gia đình dường như sẽ đều mắc bệnh. Điều này không giống như làn sóng đầu tiên. Chính vì vậy, có khả năng virus đã đột biến và tăng khả năng lây nhiễm.
Trước đó, các nhà khoa học cũng xác nhận, biến chủng B.1.617 của virus SARS-CoV-2 có 13 đột biến, trong đó có hai đột biến quan trọng là L452R và E484Q. Cả hai đột biến này đều giúp virus tăng khả năng lẩn tránh hệ thống miễn dịch của con người và qua đó có thể lây lan mạnh hơn. Theo đánh giá, tỷ lệ lây nhiễm của biến chủng này có thể cao hơn đến hơn 60%.
Hiện tại, chưa có nghiên cứu nào cho thấy biến chủng B.1.617 làm giảm hiệu quả của các loại vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đang đưa ra một số báo cáo bước đầu rằng, những đột biến chính của biến chủng B.1.617 có thể giúp nó lây lan sang những người đã từng tiêm vắc xinCovid-19 trước đó.
Nếu điều đó xảy ra, vắc xin Covid-19 vẫn có thể giúp người dân có sức đề kháng tốt hơn so với những người không tiêm vắc xin. Do đó, WHO khuyến cáo, các quốc gia vẫn nên tiếp tục tiêm bất kỳ loại vắc xin nào được cung cấp cho người dân trong thời gian sớm nhất. Cùng với đó, các biện pháp khác như giãn cách xã hội là rất quan trọng khi góp phần trì hoãn sự lây lan của các biến chủng.
“Cách hiệu quả nhất để ngăn chặn các biến thể phát triển hoặc lây lan là tiếp tục làm giảm tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng. Hãy bảo vệ bản thân và những người xung quanh bằng cách làm theo lời khuyên của các bác sĩ và tiêm phòng khi đến lượt mình”, nhóm chuyên gia thuộc WHO khuyến cáo.
Có thể bạn quan tâm