Ấn Độ thách thức Trung Quốc trong cuộc đua startup kỳ lân

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 07/05/2021 05:05

Ấn Độ từng tụt hậu so với Trung Quốc trong cuộc đua kinh tế kỹ thuật số rồi sớm bắt kịp. Sự bùng nổ công nghệ của Ấn Độ có thể khiến nhà đầu tư và doanh nghiệp Trung Quốc thua lỗ.

Theo Nikkei Asian Review, Ấn Độ đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc trong "cuộc đua startup kỳ lân" (những công ty khởi nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD).

CB Insights cho biết có đến 15 công ty Ấn Độ đạt định giá trên 1 tỷ USD trong vòng một năm qua. 10 startup trong số đó trở thành kỳ lân vào năm 2021. Để so sánh, chỉ 2 công ty Trung Quốc gia nhập câu lạc bộ kỳ lân tính từ đầu năm đến nay.

Giới quan sát nhận định việc công ty giao đồ ăn trực tuyến Zomato IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) thành công sẽ tạo tiền đề cho những kỳ lân khác làm theo. Công ty đang lên kế hoạch huy động 82,5 tỷ rupee (1,1 tỷ USD). 

Có đến 15 công ty Ấn Độ đạt định giá trên 1 tỷ USD trong vòng một năm qua. Ảnh: CNN.

Nền kinh tế Ấn Độ từng tụt hậu so với Trung Quốc trong cuộc đua kỹ thuật số nhưng nhanh chóng đuổi kịp. Ảnh: Reuters.

Chuyển sang trực tuyến

Các kỳ lân mới của Ấn Độ chủ yếu là những công ty Internet hưởng lợi khi người tiêu dùng và doanh nghiệp chuyển sang trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19. Giới đầu tư đang quan sát xem liệu các công ty này có thể duy trì đà phát triển trong làn sóng Covid-19 thứ hai tại đất nước 1,3 tỷ dân hay không.

"Mọi doanh nghiệp đều phải tìm đến cách bán hàng trực tuyến", ông Harshil Mathur, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của startup fintech (công nghệ tài chính) Razorpay, bình luận.

"Rất nhiều cửa hàng bán lẻ truyền thống từng bán hàng qua các kênh ngoại tuyến đã chuyển sang bán hàng trực tuyến. Nhiều cá nhân cũng bán hàng trên WhapsApp, Facebook và Instagram", ông nói thêm.

Nền tảng Razorpay xử lý những giao dịch thanh toán cho các dịch vụ trực tuyến như giao đồ ăn. Theo ông Mathur, mức giao dịch hàng năm đã tăng từ 12 tỷ USD vào năm ngoái lên 40 tỷ USD trong năm nay.

Công ty được định giá 3 tỷ USD trong vòng gọi vốn gần đây, chỉ 6 tháng sau khi cán mốc 1 tỷ USD vào tháng 10/2020.

Nền kinh tế Ấn Độ từng tụt hậu so với Trung Quốc trong cuộc đua kỹ thuật số nhưng nhanh chóng đuổi kịp. Ảnh: Reuters.

Nền kinh tế Ấn Độ từng tụt hậu so với Trung Quốc trong cuộc đua kỹ thuật số nhưng nhanh chóng đuổi kịp. Ảnh: Reuters.

Các startup mới trở thành kỳ lân khác bao gồm công ty phần mềm Chargebee, Meesho - công ty điều hành chợ trực tuyến và Cred - công ty trao điểm thưởng cho người dùng thẻ tín dụng thanh toán đúng hạn.

Nền kinh tế Ấn Độ từng tụt hậu so với Trung Quốc trong cuộc đua kỹ thuật số. Nhưng quốc gia này đã nhanh chóng bắt kịp.

Giới quan sát nhận định động lực chủ yếu là sự gia tăng người dùng điện thoại di động, loạt chính sách của chính phủ và sự ra đời của UPI (Giao diện Thanh toán Hợp nhất) - hệ thống thanh toán real-time (thời gian thực) cho phép chuyển tiền ngay lập tức giữa các ngân hàng.

UPI hiện chiếm phần lớn thanh toán trực tuyến. Theo National Payments Corporation of India - đơn vị vận hành hệ thống, các giao dịch đã vượt 5.000 tỷ rupee (66,7 tỷ USD) trong tháng 3, cao gấp đôi cùng kỳ năm trước.

Theo CB Insights, Trung Quốc vẫn dẫn đầu về số lượng kỳ lân ở châu Á với 138 công ty, gấp Ấn Độ 4 lần. Nhiều kỳ lân tại Trung Quốc cũng có quy mô lớn hơn nhiều, chẳng hạn Bytedance - công ty mẹ của Tiktok - với định giá 140 tỷ USD.

Trong khi đó, kỳ lân lớn nhất tại Ấn Độ - One97 Communications, chủ sở hữu ứng dụng thanh toán di động Paytm - trị giá 16 tỷ USD. Tuy nhiên, Nikkei Asian Review nhận định sự tăng vọt của số lượng kỳ lân Ấn Độ cho thấy xu hướng đầu tư đã thay đổi.

Cuộc đua kỳ lân

"Chúng tôi đang xem xét phân bổ thêm vốn cho các startup Ấn Độ trong tương lai. So với trước đây, những công ty này đã có các nền tảng mạnh mẽ", ông Ryu Muramatsu tại GMO VenturePartners bình luận. GMO VenturePartners đầu tư vào Razorpay và một số công ty khởi nghiệp fintech Đông Nam Á.

"Nút thắt cổ chai" của các startup Ấn Độ là công ty phải có lãi ba năm trước khi bán cổ phần cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn có thể IPO nếu phân bổ ít nhất 75% cho những nhà đầu tư tổ chức đủ điều kiện.

Đó là cách Zomato đã làm để IPO. Công ty thua lỗ 23,6 tỷ rupee (318 triệu USD) trong năm tài chính 2020. Nếu Zomato thành công, các nhà đầu tư có thể tin tưởng hơn đối với những công ty thua lỗ.

"Đó là một sự thay đổi cấu trúc", ông Rahul Malhotra, một nhà phân tích tại Bernstein, nhận định. "Quy định đã được cải thiện. Các công ty đang mở rộng quy mô. Những nền tảng cơ bản ở đó. Và thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng", ông nói thêm.

Các nhà đầu tư và doanh nghiệp Trung Quốc chịu rủi ro thua lỗ cao nhất vì sự bùng nổ công nghệ của Ấn Độ. Những công ty như Ant Group từng là một trong các nhà đầu tư lớn nhất của Ấn Độ. Tuy nhiên, quy định mới của Ấn Độ buộc doanh nghiệp của những quốc gia láng giềng, bao gồm Trung Quốc, phải xin phép chính phủ trước khi đầu tư.

Dẫn đầu làn sóng đầu tư mới hiện là các nhà đầu tư Mỹ như Tiger Global Management và Sequoia Capital.

Số lượng các startup Ấn Độ được rót khoản vốn khổng lồ cũng sẽ gia tăng cạnh tranh với những công ty công nghệ Trung Quốc. Năm ngoái, các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại Ấn Độ đã bị ảnh hưởng nặng nề sau lệnh cấm của chính phủ nước này với hơn 200 ứng dụng.

Công ty Chargebee (có văn phòng tại Ấn Độ và San Francisco) tiết lộ phần lớn trong số 3.500 khách hàng của công ty đến từ Mỹ và châu Âu. Sau khi huy động được 125 triệu USD và đạt định giá 1,4 tỷ USD, công ty đang lên kế hoạch mở rộng tại các thị trường châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản và Đông Nam Á.

https://zingnews.vn/an-do-thach-thuc-trung-quoc-trong-cuoc-dua-startup-ky-lan-post1211473.html

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ấn Độ thách thức Trung Quốc trong cuộc đua startup kỳ lân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO