Người trẻ khi khởi nghiệp thường cho rằng trở ngại lớn nhất là vốn, trong khi họ thường bỏ qua những yêu cầu pháp lý cơ bản theo cách đầy cảm tính.
Bên cạnh đó, điều tối kị trong khởi nghiệp là “chỉ tay năm ngón”.
>>Bế giảng Chương trình Đào tạo Giảng viên nguồn TOT khởi nghiệp về kinh doanh liêm
Trong một cuộc tọa đàm với chủ đề “Khởi nghiệp bằng trí tuệ và nội lực”, Luật sư Lê Thị Thủy – Chủ nhiệm Chương trình Cấy nên Pháp lý, Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Lawlink Việt Nam – đã có những chia sẻ kinh nghiệm rút ra trong quá trình khởi nghiệp từ chính bà.
Theo Luật sư, người khởi nghiệp phải luôn sẵn sàng bắt tay làm mọi việc dù là nhỏ nhất, phải là “Chief Everything Officer” (cách gọi vui của bà Thủy khi nói về chức danh CEO - Chief Executive Officer); phải có đam mê, nhưng cũng phải luôn thực tế, luôn chủ động nắm bắt sát diễn biến thực tế cuộc sống thay đổi bên ngoài, luôn linh hoạt để đáp ứng với những thay đổi bên ngoài đó.
Bản thân bà Thủy từng là một cán bộ giàu triển vọng trong một cơ quan nhà nước, sau đó đã mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn và đảm nhận một số vị trí quản lý cấp cao trong những tập đoàn lớn với mức thu nhập đáng mơ ước. Tuy nhiên, năm 2014 bà Thủy lại một lần nữa bước ra khỏi vùng an toàn để khởi nghiệp bằng việc thành lập Lawlink Việt Nam.
“Khi khởi nghiệp, tôi xác định sẽ mất vài năm đầu để đầu tư toàn bộ, và thực tế đã phải chi tiêu cho công ty khởi nghiệp của mìnhđến đồng tiền cuối cùng tiết kiệm được. Nhiều lúc tôi tự hỏi liệu mình có đang đi đúng hướng?”, Nữ luật sư nhớ lại giai đoạn đầu khởi nghiệp. “Chúng ta sẽ phải bắt tay làm mọi việc, chứ không thể ngồi chỉ tay năm ngón. Bản thân tôi từng trong những môi trường làm việc “dưới một người, trên nghìn người”, nhưng khi khởi nghiệp phải làm tất cả mọi việc, từ nhân viên vệ sinh cọ toilet, dọn phòng, đến lái xe, văn thư, kế toán,... Mỗi sáng thường đến văn phòng từ sớm trước cả nhân viên, mở cửa cho họ, trao cho họ nụ cười ân cần, cắt cử công việc cho họ và giám sát tất cả mọi việc. Tức là mình phải làm tất cả mọi việc từ nhỏ đến lớn.”
>>Công ty khởi nghiệp tên lửa Astra phóng thành công vệ tinh lên quỹ đạo
>>Xây dựng mạng lưới doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh liêm chính tại Việt Nam
Theo bà Thủy, người khởi nghiệp cần giữ tinh thần không bao giờ ngừng học hỏi từ những việc nhỏ nhất. Ngay cả khi đã là một chuyên gia trong lĩnh vực nào đó rồi thì thế giới vẫn có sự vận động thay đổi không ngừng và phải luôn học hỏi để tiếp cận.
“Mình làm “Chief Everything Officer” thì một ngày sẽ ra khỏi cái “Chief Everything Officer” đó, nhưng hãy xác định 2 năm đầu khởi nghiệp là phải làm “Chief Everything Officer”. Anh có thể có nhiều đêm mất ngủ vì mấy tháng không có hợp đồng, trong khi túi tiền của mình thì cạn dần, nhân viên của mình thì có thể làm sai đối với khách hàng, những sự cố có thể xảy ra bất kỳ lúc nào mà mình không thể kiểm soát được.”
Lời khuyên của Luật sư Lê Thị Thủy dành cho người khởi nghiệp là cần phải nắm rõ luật chơi khi tham gia bất kỳ cuộc chơi nào. Không cho phép mình dễ dãi khi đối tác quá…dễ dãi với mình.
“Chúng ta hợp tác với ai, dù là bạn bè hay người thân trong gia đình, hay với một nhà đầu tư rót vốn, tất cả đều phải được ghi thành văn bản. Đừng bao giờ quên người ta có thể dễ dãi với chúng ta, yêu thương chúng ta, sẵn sàng giúp đỡ chúng ta, có thể bỏ qua cho những lỗi lầm của chúng ta mà một ngày nào đó họ không khởi kiện chúng ta.”
Giáo sư Phan Văn Trường – Cố vấn Chính phủ Pháp về Thương mại Quốc tế, Người sáng lập hệ sinh thái Cấy Nền tại Việt Nam – cho rằng điều quan trọng nhất khi khởi nghiệp là đối tác khởi nghiệp cùng mình và khách hàng của mình.
“60% thất bại trong khởi nghiệp là có một hoặc hai đối tác không đủ nhẫn nại. Một giải pháp là bạn rót 100 triệu và chỉ có thể rút vốn sau 3 năm. Nếu rút ra sau 1 năm, bạn mất 60 triệu. Rút sau 2 năm, bạn mất 40 triệu. Công cuộc khởi nghiệp này là của chung, bạn không thể một mình phá ngang dù bất cứ lý do nào. Cho nên hãy tự bảo vệ mình bằng một điều khoản pháp lý.”, GS. Phan Văn Trường nói.
Từng có nhiều năm lăn lộn khởi nghiệp thành công ở nước ngoài, GS. Phan Văn Trường cho rằng nhiều người khởi nghiệp thành công và họ đều nhìn nhận rằng khởi nghiệp không cần quá nhiều thứ. Không ít người trước khi khởi nghiệp thành công. Họ là những người phải tự học, không có vốn, không được ai giúp đỡ, nhưng vẫn thành công bởi họ có trí tuệ và nội lực.
“Trí tuệ và nội lực chính là tiềm năng, sức mạnh, là nguồn lực của chúng ta, từ bên trong con người chúng ta. Và chỉ có một mô hình duy nhất khi khởi nghiệp, đó là trí tuệ và nội lực. Tuy nhiên trước khi khởi nghiệp vẫn phải tìm hiểu mô hình của người khác, nhưng khi tìm hiểu chúng ta phải đi xa hơn họ. Chúng ta phải hiểu được tại sao họ thành công, chứ không phải đơn thuần mô hình đó làm cho họ thành công.”, GS. Phan Văn Trường nói.
Với người khởi nghiệp, đa phần đều lo lắng về vốn đầu tư ban đầu. Đây cũng là rào cản không nhỏ, nhất là với người trẻ. Lời khuyên của GS. Trường là hãy đặt địa vị của mình vào người cho vay.
“Nếu bạn là ngân hàng, bạn sẽ làm gì với đồng tiền? Bạn đâu có thể cứ giữ tiền trong két sắt? Cho nên ngân hàng họ rất muốn bạn khởi nghiệp vay tiền, đừng bao giờ coi dòng vốn là một trở ngại trong khởi nghiệp.”
Vấn đề là người khởi nghiệp cần phải chứng minh cho ngân hàng thấy khả năng trả nợ. Ngay cả các đại gia bất động sản Việt Nam, mỗi lần đi vay ngân hàng lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng là bởi họ thuyết phục được ngân hàng về khả năng trả nợ.
Nếu không thể thuyết phục được ngân hàng, startup cần sự trợ giúp từ người bảo lãnh, có thể bảo lãnh theo cách cam kết với ngân hàng sẽ trả nợ thay trong trường hợp không trả được tiền.
“Mình chứng minh được khả năng trả nợ, đồng thời chứng minh được những rủi ro đã được lường trước, và mình chứng minh được có một người sẵn sàng bảo lãnh trong trường hợp vào một thời điểm nào đó mình không thể trả nợ đúng hạn. Khi chứng minh được những điểm trên, ngân hàng sẵn sàng cho bạn mượn bao nhiêu tiền cũng được.” GS. Phan Văn Trường khuyên nhủ, đồng thời cho rằng một khi đã hiểu được quy luật trên sẽ thấy không có gì dễ hơn việc mượn vốn.
https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong/chuyen-gia-chi-ro-nhung-sai-lam-nguoi-khoi-nghiep-hay-mac-phai-406905.html
Có thể bạn quan tâm