Nvidia đầu tư vào Indonesia: Việt Nam đáng lo ngại?

TRƯỜNG ĐẶNG 16/04/2024 04:00

Việc Nvidia đầu tư 200 triệu USD vào Indonesia để xây dựng trung tâm dữ liệu AI được cho sẽ không tác động nhiều tới triển vọng của Việt Nam trong thu hút các công ty công nghệ nước ngoài.

Nvidia mở rộng đầu tư tại Đông Nam Á thời gian qua

Nvidia đã và đang đẩy mạnh mở rộng đầu tư tại Đông Nam Á trong thời gian qua

Mới đây, tập đoàn bán dẫn khổng lồ của Mỹ - Nvidia công bố thỏa thuận đầu tư 200 triệu USD vào Indonesia trong lĩnh vực AI. Khoản đầu tư này sẽ được dùng để xây dựng một "trung tâm trí tuệ nhân tạo" tại thành phố Surakarta, miền Trung Java, trong năm 2024.

>>"Ông lớn" của Ấn Độ nhảy vào thị trường bán dẫn nóng bỏng

Thông báo này khiến khả năng công ty chip hàng đầu thế giới đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn bị nghi ngờ. Còn nhớ hồi cuối năm ngoái, ông Jensen Huang, CEO tập đoàn Nvidia hùng hồn tuyên bố trong chuyến thăm Việt Nam rằng: “Chuyến thăm này chắc chắn sẽ mở đường cho các chuyến đi khác. Tôi sẽ trở lại Việt Nam – 'ngôi nhà' thứ hai của Nvidia”.

Việt Nam không nên lo lắng

Ông Radomir Tomovic, Giám đốc quản lý hãng tư vấn Dezan Shira & Associates chi nhánh Hà Nội, không cho rằng Việt Nam gặp bất lợi trong đầu tư công nghệ so với các nước ASEAN như Indonesia. “Sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào mạng lưới các hiệp định thương mại tự do toàn cầu khiến nước này trở thành điểm đến đầu tư lý tưởng trong khu vực”, ông cho biết thêm.

Thực tế, khoản đầu tư vào Indonesia chỉ làm nổi bật tầm quan trọng của thị trường Đông Nam Á trong mắt gã khổng lồ bán dẫn Nvidia. Đây đã là khoản đầu tư đáng chú ý thứ ba của Nvidia tại khu vực, sau các thỏa thuận hợp tác với Singtel (Singapore) và YTL (Malaysia). Tại Indonesia, đối tác của Nvidia cũng là tập đoàn viễn thông lớn thứ hai Indonesia, PT Indosat Ooredoo Hutchison.

Kể từ năm 2021, Nvidia dường như đang nỗ lực vượt ra khỏi tên tuổi của một nhà sản xuất bán dẫn đơn thuần khi ra mắt nền tảng AI-on-5G. Mục tiêu của Nvidia là tích hợp các khả năng AI vào mạng 5G để mở ra các giải pháp mới trong nhiều ngành khác nhau, từ tự động hóa sản xuất cho tới y tế, thành phố thông minh… qua đó, biến công ty hiện đang có giá trị 1.200 tỷ USD trở thành một ông lớn công nghệ có nhiều ảnh hưởng hơn.

Tại Singapore, Nvidia đã sớm ký kết các thỏa thuận với Singtel - nhà khai thác viễn thông hàng đầu tại Singapore – triển khai các trung tâm dữ liệu do AI điều khiển trên khắp Đông Nam Á. Tại Malaysia, CEO Jensen Huang quyết định rót 4,3 tỷ USD vào tháng 11/2023 cũng để phát triển cơ sở hạ tầng siêu máy tính và đám mây AI, với giai đoạn 1 sẽ khởi động vào giữa năm nay. Với hợp tác này, YTL – đối tác chính của Nvidia tại Malaysia - sẽ sử dụng nền tảng điện toán đám mây AI của công ty để xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn bằng tiếng Malaysia.

Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ đón nhận những khoản đầu tư từ Nvidia

Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế trong việc thu hút những khoản đầu tư từ các tập đoàn như Nvidia

Lưu ý gì cho Việt Nam?

Dù vậy, động thái của Nvidia cũng là một lời lưu ý cho Việt Nam trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia trong khu vực đang tăng tốc thu hút các dòng vốn đổ vào các ngành có giá trị cao.

>>Lộ diện quốc gia dẫn đầu thu hút các "ông lớn" bán dẫn toàn cầu

Sau tuyên bố đầu tư 4,3 tỷ USD vào Malaysia cuối năm ngoái, CEO Jensen Huang tuyên bố “Malaysia là một trung tâm quan trọng đối với cơ sở hạ tầng máy tính ở Đông Nam Á, nơi đòi hỏi khả năng tiếp cận đất đai, cơ sở vật chất và năng lượng, và YTL có thể đóng một vai trò lớn trong đó”.

Indonesia - vốn được biết đến có nhiều quy định đối với vốn đầu tư nước ngoài - cũng đang nhanh chóng thay đổi. “Mặc dù lớn hơn Việt Nam về nhiều mặt, Indonesia có xu hướng duy trì nhiều hạn chế hơn đối với đầu tư nước ngoài. Nhưng quốc gia này lại trải thảm đỏ cho các tập đoàn đa quốc gia như Nvidia”, ông Radomir nhận xét.

Gần đây, quốc gia “vạn đảo” cũng đã tiến hành một loạt các điều chỉnh nhằm cải thiện hơn nữa hình ảnh trong mắt các nhà đầu tư. Đáng chú ý là việc nới lỏng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực viễn thông, truyền thông và công nghệ (TMT), bao gồm gỡ bỏ hạn chế về sở hữu nước ngoài thay vì mức 67% như trước đây, hay thành lập các cơ quan chuyên trách để đơn giản hóa hoạt động kinh doanh ở Indonesia.

Việt Nam cũng không đứng yên tại chỗ. Việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và đảm bảo nguồn cung năng lượng - bao gồm cả năng lượng tái tạo - đang được Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh.

Là vấn đề nổi bật được nhiều công ty công nghệ nước ngoài quan ngại, Việt Nam gần đây đã tìm cách bổ sung thêm các nguồn điện nhập khẩu, tăng cường tiết kiệm điện và triển khai một số dự án nâng cấp đường truyền với mục tiêu đảm bảo nguồn cung ứng điện ổn định để sẵn sàng chào đón các công ty công nghệ hàng đầu.

Theo ông Radomir, những nỗ lực đó cộng với sự gần gũi địa lý của Việt Nam với Trung Quốc sẽ tạo nên thế mạnh cho Việt Nam khi các tập đoàn đa quốc gia xem xét các địa điểm điều chỉnh chuỗi cung ứng. “Những điều này góp phần tạo nên sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài”, ông khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam cần làm gì để theo kịp chiến lược bán dẫn của Ấn Độ?

    Việt Nam cần làm gì để theo kịp chiến lược bán dẫn của Ấn Độ?

    04:00, 19/03/2024

  • Nvidia khó thống trị ngành bán dẫn trong dài hạn?

    Nvidia khó thống trị ngành bán dẫn trong dài hạn?

    02:30, 14/03/2024

  • Australia sẽ hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong ngành bán dẫn?

    Australia sẽ hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong ngành bán dẫn?

    04:20, 08/03/2024

  • Hàn Quốc và bài học phát triển ngành bán dẫn

    Hàn Quốc và bài học phát triển ngành bán dẫn

    04:00, 05/03/2024

  • Cần tăng tốc “cuộc đua” bán dẫn

    Cần tăng tốc “cuộc đua” bán dẫn

    02:00, 04/03/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nvidia đầu tư vào Indonesia: Việt Nam đáng lo ngại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO