Mặc dù việc bán vàng cho các ngân hàng thương mại và Công ty SJC đã tạo ra hiệu ứng tốt trong việc “hạ nhiệt” giá vàng, tuy nhiên, theo chuyên gia, để ổn định thị trường, vẫn cần thêm giải pháp…
>> NHNN: Đủ nguồn lực và quyết tâm bình ổn thị trường vàng
Theo đó, sau thời gian thực hiện đấu thầu vàng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới không giảm như kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước đã trực tiếp bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (Công ty SJC) để các đơn vị này bán trực tiếp cho người dân. Biện pháp này bước đầu đã tạo ra những tác động tích cực trong việc “hạ nhiệt” giá vàng.
Thực tế thống kê cho thấy, chỉ chưa đầy 1 tuần kể từ khi Ngân hàng Nhà nước thông tin (sáng 03/6), dù chưa thực hiện, giá vàng đã giảm khoảng 10 triệu đồng/lượng, chênh lệch với giá thế giới giảm còn khoảng 9,5 triệu đồng/lượng. Đặc biệt, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đến chiều 06/6 ở mức khoảng 4 triệu đồng/lượng…
Nhìn nhận về giải pháp đã nêu, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng, giải pháp bán vàng miếng SJC trực tiếp cho người dân thông qua 4 ngân hàng thương mại và Công ty SJC phần nào đã giúp giải tỏa tâm lý của người dân sau thời gian dài giá vàng liên tục tăng cao. Người dân đã bắt đầu thấy được sự kiên định trong chính sách chống vàng hóa nền kinh tế của nhà điều hành. Giá vàng “hạ nhiệt”, chênh lệch giữa giá trong nước với giá thế giới đang dần thu hẹp, giá vàng miếng lui về tiệm cận với vàng nhẫn…
Bên cạnh những mặt tích cực, để bình ổn thị trường vàng, vị chuyên gia cho hay, cơ quan quản lý vẫn cần thêm nhiều giải pháp khác nữa; trong đó, việc làm cho các kênh đầu tư khác trở nên hấp dẫn hơn cũng cần được tính đến.
“Khi tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu, cổ phiếu... hấp dẫn hơn, doanh nghiệp và người dẫn sẽ có nhiều kênh đầu tư để lựa chọn và tất yếu việc người dân đổ xô vào đầu tư vàng sẽ giảm bớt”, TS. Lê Duy Bình bày tỏ.
>>NHNN: Sẽ tiếp tục can thiệp giảm giá dần, thu hẹp chênh vàng
Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cũng cho hay, trong hơn 10 năm qua, các doanh nghiệp kinh doanh vàng không được nhập khẩu vàng. Vàng được thu mua trên thị trường là nguồn nguyên liệu duy nhất cho nhu cầu sản xuất trang sức. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong xác định nguồn gốc vàng nguyên liệu, nên lo ngại về rủi ro, kể cả về mặt pháp lý. Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng, sau đó là bán qua ngân hàng thương mại quốc doanh và Công ty SJC, đã giúp doanh nghiệp có nguồn cung đáng kể, đồng thời thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế.
Thực tế, nhu cầu về vàng trên thị trường thời gian qua một phần là “lướt sóng”, phần khác là nhu cầu tích lũy. Vì vậy, cùng với ổn định thị trường vàng cần khơi thông thị trường bất động sản, phát triển thị trường chứng khoán, bởi thời gian qua kênh gửi tiết kiệm, chứng khoán và bất động sản giảm hấp dẫn nên vốn dồn nhiều vào vàng. Mà tiền đổ vào vàng có nghĩa là tiền nằm im, không có lợi cho nền kinh tế. Khi 3 kênh đầu tư trên khởi sắc, nhà đầu tư sẽ chuyển dịch vốn từ vàng sang.
Cùng với các nhìn nhận đã nêu, liên quan đến việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại và Công ty SJC để các đơn vị này bán trực tiếp cho người dân, nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là giải pháp trước mắt, không thể thực hiện lâu dài. Bởi biện pháp mới này chỉ thực sự có hiệu quả khi đáp ứng điều kiện cần là giá vàng giảm và điều kiện đủ là cung đáp ứng được cầu, khi nguồn cung không được duy trì, Ngân hàng Nhà nước dừng bán vàng thì giá vàng trên thị trường có thể sẽ “nhảy múa” trở lại. Vì vậy, cần sớm nghiên cứu sửa đổi triệt để Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Được biết, liên quan đến công tác quản lý thị trường vàng, mới đây, Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn gửi Bộ Công an, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính về việc phối hợp quản lý thị trường ngoại hối và vàng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tại văn bản này, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các bộ liên quan phối hợp và các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác quản lý thị trường: Khẩn trương thực hiện các biện pháp theo quy định để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ về ngoại hối và vàng; đặc biệt là các hoạt động về thu đổi ngoại tệ, nhận và chi trả ngoại tệ; chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai không đúng quy định; các hoạt động mua, bán vàng miếng của các cửa hàng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Phối hợp yêu cầu các tổ chức kinh doanh mua, bán vàng, nhất là kinh doanh mua, bán vàng miếng thực hiện nghiêm việc áp dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả.
Đồng thời đề nghị các đơn vị phối hợp cung cấp thông tin về các vụ việc, các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép ngoại tệ và vàng qua biên giới để Ngân hàng Nhà nước kịp thời triển khai phương án quản lý thị trường ngoại hối và vàng hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
NHNN: Đủ nguồn lực và quyết tâm bình ổn thị trường vàng
10:21, 07/06/2024
Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng
19:00, 27/05/2024
45 ngày thanh tra thị trường vàng, cần nhập khẩu vàng để liên thông?
05:12, 18/05/2024
Lượng vàng miếng trúng thầu tăng mạnh, sắp thanh tra thị trường vàng
13:30, 16/05/2024
“Tìm bệnh” để "bốc thuốc" cho cho thị trường vàng
13:38, 13/05/2024