Ông chủ của Tân Mai Group là ai?

KHÁNH HÀ 23/03/2021 03:00

Trước tình hình kinh doanh ảm đảm, trượt dài với những khoản nợ nghìn tỷ, việc đại gia Lê Thành trở thành cổ đông lớn nhất của Tân Mai Group gây xôn xao dư luận.

Cục Thuế tỉnh Đồng Nai vừa công bố danh sách các doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn tới hết 28/2/2021. Theo đó, Tân Mai Group (địa chỉ tại đường số 11, KCN Biên Hòa 1, Biên Hòa, Đồng Nai) đang nợ hơn 36,87 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã thực hiện cưỡng chế hoá đơn. Số thuế Tân Mai Group đang nợ tăng hơn 6 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2020.

Đáng chú ý, Tân Mai Group đã được xướng tên trong danh sách các doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mà cơ quan thuế công bố từ năm 2015 tới nay. Cụ thể, năm 2019, đơn vị này nợ khoảng 32 tỷ đồng; năm 2018 nợ trên 60 tỷ đồng, tháng 6/2017 nợ trên 47 tỷ đồng; tháng 12/2016 nợ hơn 51 tỷ đồng; tháng 12/2015 nợ trên 63,7 tỷ đồng.

Trong đó, thời điểm nợ thuế nhiều nhất là tháng 6/2018, với 77,18 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã thực hiện cưỡng chế hoá đơn để thu thuế từ năm 2015 tới nay. 

Thông tin này khiến không ít người bất ngờ khi mà doanh nghiệp này nổi tiếng sở hữu quỹ đất không nhỏ tại nhiều tỉnh thành.

Nói đến Tân Mai Group, công ty này tiền thân là Công ty Kỹ nghệ Giấy Việt Nam, thành lập năm 1958, thuộc sở hữu nhà nước, cổ phần hoá năm 2006. Tháng 12/2008, tập đoàn được thành lập trên cơ sở hợp nhất Công ty CP Giấy Tân Mai và Công ty CP Giấy Đồng Nai, với vốn điều lệ hơn 890,9 tỷ đồng. Hiện tập đoàn này đang sở hữu rất nhiều đất đai làm nhà máy, khu trồng cây nguyên liệu tại Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Doanh nghiệp này cũng tích cực tham gia đầu tư vào lĩnh vực bất động sản theo công thức liên doanh 30 – 70 (tham gia góp quyền thuê, quyền sử dụng đất để nắm giữ 30% vốn trong liên danh, trong khi đối tác sẽ góp 70% vốn bằng tiền mặt để đầu tư xây dựng dự án). Song, nhiều dự án địa ốc đến nay vẫn chưa thể thành hình.

Tập đoàn Tân Mai của đại gia Lê Thành nợ hàng chục tỷ tiền thuế.

Tập đoàn Tân Mai của đại gia Lê Thành nợ hàng chục tỷ tiền thuế.

Tân Mai từng là một trong những tên tuổi hàng đầu của ngành sản xuất giấy Việt Nam với quỹ đất rừng hàng nghìn héc ta. Doanh nghiệp đang sở hữu và quản lý 30.846,22 ha đất rừng ở Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai và hàng triệu m2 đất nhà máy giấy ở Kon Tum, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Bình Dương.

Mấy năm gần đây, tình hình kinh doanh của Tân Mai không mấy khả quan khi liên tiếp thua lỗ. Năm 2018, Tân Mai Group lỗ gần 12 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 300 tỷ đồng vào cuối năm 2018.

Khoản lỗ lũy kế giảm đáng kể khi trong năm 2017 doanh nghiệp này ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường hơn 400 tỷ đồng từ việc miễn giảm lãi vay và chuyển nhượng dự án bất động sản.

Trong năm 2019, Tân Mai Group lỗ trước thuế hơn 15 tỷ đồng, lỗ sau thuế hơn 12,5 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2019, Tân Mai Group nợ hơn 7.840 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ 890 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có 8 khoản vay quá hạn với tổng nợ gốc hơn 2.000 tỷ đồng, tiền lãi hơn 3.000 tỷ đồng, trong khi tiền mặt và khoản tương đương tiền chỉ hơn 43,1 tỷ đồng.

Trước tình hình kinh doanh ảm đạm, trượt dài với những khoản nợ nghìn tỷ, việc đại gia Lê Thành mua lại hơn 55 triệu cổ phần của Tân Mai Group, trở thành cổ đông lớn nhất, sở hữu 61,47% của Tân Mai Group vào tháng 12/2019 gây xôn xao một thời gian. Số cổ phần còn lại do Tổng Công ty Giấy Việt Nam nắm giữ 22,73%; Nhà xuất bản Giáo dục nắm giữ 8,1% và cổ đông khác nắm giữ 7,43%.

Tháng 1/2020, đại gia Lê Thành được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT thay ông Trần Đức Thịnh. Sau khi ngồi "ghế nóng", ông Lê Thành cũng lần lượt giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật tại loạt công ty con thuộc "hệ sinh thái" của Tân Mai Group, gồm: CTCP Tân Mai miền Trung, CTCP Tân Mai Lâm Đồng, CTCP Tân Mai Tây Nguyên và CTCP Tân Mai miền Đông.

Thâu tóm Tân Mai Group trong vòng "một nốt nhạc" khiến nhiều người không khỏi tò mò về tiềm lực kinh tế của vị đại gia sinh năm 1974 này.

Trong bản cung cấp thông tin gửi UBCK Nhà nước, ông Lê Thành còn là Viện trưởng Viện Kinh tế Xanh thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, "hệ sinh thái" của vị đại gia này còn bao gồm loạt pháp nhân tên tuổi khác như: CTCP Codona Thế kỷ 21; Công ty TNHH Organic Life; CTCP Đầu tư Nông Trường Xanh; CTCP Đầu tư Kết nối xanh (Green Connection Invest) và CTCP Đầu tư Nhà quản lý (Manager Invest).

Ngoài ra, ông Thành cũng tham gia vào ban lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp lớn như Lavifood, Đầu tư Tân Thành Long An (KCN Việt Phát).

Theo tìm hiểu, Green Connection Invest được thành lập từ tháng 1/2017, với quy mô vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Lê Thành (góp 17,5 tỷ đồng, sở hữu 35% VĐL), ông Tô Dũng (góp 17,5 tỷ đồng, sở hữu 35% VĐL) và ông Phạm Ngô Quốc Thắng (góp 15 tỷ đồng, sở hữu 30% VĐL).

Ông Tô Dũng (SN 1962) hiện là Chủ tịch HĐQT của Manager Invest, nơi ông Lê Thành đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc. Ông Dũng là một doanh nhân kỳ cựu, với đế chế kinh doanh đáng nể mang tên Xuân Cầu Holding.

Tập đoàn của ông Tô Dũng nổi lên trong vai trò nhà phân phối dòng xe Piaggo của Ý tại Việt Nam và cũng là một “tay chơi” đáng nể trong lĩnh vực bất động sản. Gần như đại gia Lê Thành và Tô Dũng có một mối quan hệ "sâu đậm" với nhau.

Mới đây nhất, tại Đắk Lắk 'đại gia' Lê Thành vừa đề xuất đầu tư 4 dự án trên địa bàn tỉnh này. 4 siêu dự án này được Công ty CP Tân Thành Holdings (Tân Thành Holdings) đề xuất với tổng vốn đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Theo Tiền phong, trong danh sách doanh nghiệp tại Đồng Nai còn nợ thuế có cả tên các công ty tham gia liên danh với Tân Mai Group để phát triển các dự án bất động sản trên, như: Công ty CP Tập đoàn địa ốc Kim Oanh nợ thuế hơn 18 tỷ đồng; Công ty CP Dịch vụ - Thương mại và Xây dựng địa ốc Kim Oanh nợ hơn 15,9 tỷ đồng (đã cưỡng chế hoá đơn); Công ty TNHH Thuận lợi Hưng thịnh nợ hơn 8,8 tỷ đồng (đã cưỡng chế hoá đơn).

Ngoài ra, Tân Mai Group có 2 dự án đã bị thu hồi giấy phép đầu tư do chậm triển khai. Dự án nhà máy bột và giấy Tân Mai Quảng Ngãi, với chi phí xây dựng dở dang ghi nhận đến tháng 9/2019 là hơn 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tháng 4/2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã thu hồi giấy phép đầu tư do dự án chậm tiến độ.

Ông Lê Thành phát biểu tại một sự kiện (Nguồn: Báo Công thương)

Ông Lê Thành phát biểu tại một sự kiện (Nguồn: Báo Công thương)

Tương tự, Dự án nhà máy giấy Tân Mai Lâm Đồng (Cụm Công nghiệp Đạ Oai, Lâm Đồng), tháng 1/2014, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, do nhà đầu tư không đủ khả năng tài chính để tiếp tục triển khai dự án.

Hết năm 2019, Tân Mai Group có các cty con, gồm: Công ty CP Tân Mai Tây Nguyên (Kon Tum, Tân Mai nắm 89,12% vốn); Công ty CP Tân Mai Miền Đông (Đồng Nai, nắm 99% vốn); Công ty CP Tân Mai Miền Trung (Quảng Ngãi, nắm 96% vốn); Công ty CP Tân Mai Lâm Đồng (nắm 91,4% vốn); Công ty TNHH MTV Giấy Bình An (Bình Dương, nắm 100% vốn).

Với Tân Mai Group, với việc sở hữu nhiều doanh nghiệp khủng cùng hệ sinh thái đa dạng, đại gia Lê Thành được kì vọng sẽ đưa Tân Mai thoát khỏi tình trạng kinh doanh trượt dài, thua lỗ triền miên trong suốt mấy năm qua.

Có thể bạn quan tâm

  • Chuyện chưa kể về huyền thoại kinh doanh Khóa Liên Phương

    Chuyện chưa kể về huyền thoại kinh doanh Khóa Liên Phương

    03:00, 22/03/2021

  • Chiếc xe “cà tàng” và sự nghiệp của “Vua cà phê”

    Chiếc xe “cà tàng” và sự nghiệp của “Vua cà phê”

    04:00, 21/03/2021

  • Người đàn ông quyền lực đứng sau hãng sản xuất vắc xin COVID-19 của Việt Nam

    Người đàn ông quyền lực đứng sau hãng sản xuất vắc xin COVID-19 của Việt Nam

    03:00, 20/03/2021

  • Cánh chim xanh trên

    Cánh chim xanh trên "Vùng đất Ba Tư"

    15:00, 19/03/2021

  • Người đứng sau thương vụ tỷ đô của đôi dép lê “xấu nhất thế giới”

    Người đứng sau thương vụ tỷ đô của đôi dép lê “xấu nhất thế giới”

    03:00, 19/03/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ông chủ của Tân Mai Group là ai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO