Nhờ việc ghi lãi trong 9 tháng đầu năm, CTCP Vận tải biển Việt Nam - VOSCO (mã chứng khoán VOS - sàn HoSE) đã bù được hết số lỗ lũy kế tính đến ngày 30/9/2022.
>>>Vosco lỗ lũy kế vượt mốc 860 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính mới công bố, CTCP Vận tải Biển Việt Nam (HOSE: VOS) ghi nhận doanh thu quý III đạt 711,86 tỷ đồng, tăng 85,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 154,12 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 45,5% về chỉ còn 36,2%.
Được biết, trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 46,9% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 82,21 tỷ đồng, lên 257,37 tỷ đồng. Hoạt động tài chính kém sắc hơn khi doanh thu tài chính giảm 28,8%, tương ứng giảm 3,53 tỷ đồng, về 8,71 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm 56,3%, tương ứng giảm 19,04 tỷ đồng, về 14,8 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 114,2%, tương ứng tăng thêm 28,25 tỷ đồng, lên 52,98 tỷ đồng.
Khấu trừ các chi phí, VOSCO ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 154 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 45,5% về chỉ còn 36,2%. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, VOSCO ghi nhận doanh thu đạt 1.804,25 tỷ đồng, tăng 87,1% và lợi nhuận sau thuế đạt 469,78 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 9 tháng là 15%, nhưng trong quý III lại là âm 17%. Đây là dấu hiệu đảo chiều tăng trưởng và đặc biệt, biên lợi nhuận gộp quý III có dấu hiệu giảm mạnh so với cùng kỳ.
Thực tế từ cuối năm 2021 tới nay, giá cước vận tải biển các tuyến đường chính đều có xu hướng giảm tương đối mạnh. Cụ thể, tính tới ngày 13/10/2022, giá cước vận tải chỉ số World Container Index (thống kê giá cước vận tải biển của 8 tuyến chính trên toàn cầu) đã giảm 65% so với cùng kỳ về 3.483 USD/container 40 foot.
Được biết, giai đoạn Đại dịch đầu năm 2020 đến cuối năm 2021, thế giới chứng kiến cuộc đứt gãy chuỗi cung ứng, điều này đẩy giá cước vận tải biển tăng cao và giúp hàng loạt các doanh nghiệp hưởng lợi. Tuy nhiên, gió đã bắt đầu đổi chiều khi giá cước bắt đầu giảm mạnh từ cuối năm 2021 tới nay và vẫn chưa cho thấy dấu hiệu ngừng giảm.
Trong năm 2022, VOSCO đặt kế hoạch doanh thu 1.570 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 391 tỷ đồng, lần lượt giảm 9% và 22,6% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 566,26 tỷ đồng, Công ty đã hoàn thành 144,8% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của VOSCO giảm 0,4% so với đầu năm về 2.734,3 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định đạt 1.288,8 tỷ đồng, chiếm 47,1% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 536,3 tỷ đồng, chiếm 19,6% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 463,97 tỷ đồng, chiếm 17% tổng tài sản và các tài sản khác.
Trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 6,7% so với đầu năm, tương ứng tăng 33,7 tỷ đồng lên 536,3 tỷ đồng. Điểm đáng lưu ý, nhờ việc ghi lãi trong 9 tháng đầu năm, tính tới 30/9/2022, Công ty đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối là số dương 47,5 tỷ đồng so với đầu năm là âm 420,6 tỷ đồng. Như vậy, Công ty đã xóa hết lỗ lũy kế tính tới 30/9/2022. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/10, cổ phiếu VOS tăng 450 đồng lên 12.400 đồng/cổ phiếu. Theo đánh giá VOSCO, thị trường trong thời gian còn lại của năm 2022 vẫn tiềm ẩn rủi ro và nhiều thách thức với những bất ổn trong tình hình kinh tế, chính trị thế giới.
Trong khi đó, báo cáo mới đây của SSI Research cũng cho rằng thị trường vận tải biển đang xấu đi nhanh chóng theo xu hướng kinh tế toàn cầu. Sản lượng vận tải biển đã giảm tốc, trong khi giá cước vận tải có thể sẽ vẫn chịu áp lực cho đến năm 2023.
Công ty chứng khoán này cho rằng, khi nền kinh tế toàn cầu dường như đang dần hướng tới một cuộc suy thoái, ngành vận tải biển cũng sẽ khó tránh khỏi tác động tiêu cực từ cuộc suy thoái này. Là một ngành điển hình vận động theo chu kỳ, ngành vận tải biển thường bùng nổ khi tăng trưởng nguồn cung chậm hơn so với tăng trưởng nhu cầu và suy thoái khi nguồn cung tàu mới gia nhập thị trường trong khi nhu cầu đột ngột giảm.
Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong quý IV, VOSCO sẽ tiếp tục áp dụng các giải pháp về kinh doanh để nâng caop hiệu quả quản lý và khai thác đội tàu trong đó nhấn mạnh vào việc theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, kịp thời nắm bắt các cơ hội để lựa chọn các hợp đồng vận chuyển, các phương án khai thác tàu phù hợp, hiệu quả nhất; triệt để tiết giảm chi phí; nghiên cứu, xây dựng phương án đầu tư, phát triển, thuê tàu để tăng năng lực vận chuyển và sức cạnh tranh của đội tàu.
Có thể bạn quan tâm