Lần đầu tiên trong 10 năm thực hiện điều tra doanh nghiệp FDI của dự án PCI, xuất hiện xu hướng gia tăng cả về quy mô lao động và quy mô vốn đầu tư ở các doanh nghiệp này.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, báo cáo PCI 2019 xuất hiện dấu hiệu chững lại của xu hướng giảm quy mô vốn đầu tư của doanh nghiệp FDI so với trước đó. Lần đầu tiên trong 10 năm thực hiện điều tra doanh nghiệp FDI của dự án PCI, nhóm nghiên cứu quan sát được xu hướng gia tăng cả về quy mô lao động và quy mô vốn đầu tư ở các doanh nghiệp này.
“Đây là một phát hiện quan trọng, bởi nó nêu bật một thực tế là dòng vốn FDI tăng không chỉ do các dự án mới, mà còn bởi các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động sẵn sàng mở rộng quy mô đầu tư hiện tại sau khi đã thực sự trải nghiệm môi trường đầu tư tại Việt Nam”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Theo đó, báo cáo PCI năm 2019 cho thấy, số vốn đầu tư trung bình đã điều chỉnh lạm phát đã tăng từ 62,5 tỷ đồng (2,7 triệu USD) năm 2016 lên 72,6 tỷ đồng (2,3 triệu USD) năm 2019. Một lần nữa, con số này chỉ cho thấy sự chững lại, dù quy mô vốn trung bình chưa cao trở lại như mức năm 2017 về trước.
Cụ thể, các doanh nghiệp FDI có mức vốn đầu tư lớn nhất trong bộ dữ liệu PCI là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, với số vốn gần gấp ba mức vốn trung bình chung toàn quốc (233 tỷ đồng, tương đương 10,1 triệu USD). Tuy nhiên, cần xử lý dữ liệu này thận trọng bởi doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong mẫu điều tra PCI-FDI, có nghĩa là chỉ một hoặc hai doanh nghiệp cũng có thể tác động lớn đến tổng thể.
Tiếp theo là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử và lĩnh vực dịch vụ chuyên ngành như kế toán, tư vấn và tư vấn pháp lý. Quy mô vốn trung bình của các doanh nghiệp này lần lượt là 171 tỷ đồng (7,4 triệu USD) và 160 tỷ đồng (7 triệu USD).
Đứng thứ ba là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến gỗ và các sản phẩm gỗ, đồ nội thất, sản xuất kim khí cơ bản, dệt may, máy tính, xe động cơ và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, với quy mô vốn trên mức vốn trung vị và nằm trong khoảng từ 93 đến 120 tỷ đồng (4-5,2 triệu USD).
Cũng theo Báo cáo PCI 2019, cơ cấu phân bổ doanh nghiệp FDI theo lĩnh vực từ năm 2016 trở lại đây có ba thay đổi đáng chú ý. Thứ nhất, tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất máy tính, các sản phẩm điện tử tăng mạnh từ 2,73% năm 2016 lên 6,7% năm 2019.
Nếu tính gộp tiểu ngành này với tiểu ngành sản xuất thiết bị điện tử thì tỷ lệ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này đã tăng gần gấp đôi trong 4 năm qua, lên gần 9% trên tổng số doanh nghiệp. Cũng trong giai đoạn này, tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc đã giảm từ 6% năm 2016 xuống còn 3,2% năm 2019.
“Những xu hướng này cho thấy sự gia tăng đáng chú ý các ngành sản xuất có trình độ công nghệ cao hơn tại Việt Nam, có thể đã được thúc đẩy bởi sự chuyển dịch trong các chuỗi giá trị toàn cầu do các diễn biến liên quan đến việc Mỹ đánh thuế hàng hóa Trung Quốc”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Thứ hai, là xu hướng liên quan đến việc Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, là sự gia tăng mạnh về tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng.
Năm 2016, tỷ lệ các doanh nghiệp này chỉ chiếm 1,3% trong mẫu điều tra toàn quốc, song đến năm 2019 đã nhanh chóng tăng lên 4%. Doanh nghiệp FDI đã mở rộng hoạt động sang một số ngành công nghiệp liên quan đến năng lượng, trong đó có điện than, thuỷ điện, năng lượng tái tạo như điện gió, và thậm chí là điện sinh khối.
Các dự án đầu tư này được chính quyền địa phương khuyến khích thông qua các ưu đãi thuế nhằm thúc đẩy việc đáp ứng các dự báo về nhu cầu năng lượng đang thay đổi nhanh của Việt Nam. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia ước tính nhu cầu sử dụng điện toàn quốc sẽ tăng từ 47.000 MW hiện nay lên 130.000 MW vào năm 2030.
Thứ ba, Báo cáo PCI 2017 và 2018 từng ghi nhận xu hướng giảm quy mô lao động trung bình và cả vốn chủ sở hữu. Năm 2019, lần đầu tiên kể từ năm 2012 đến nay, xu hướng này có dấu hiệu chững lại.
Theo đó, trong năm qua, số lao động trung bình của doanh nghiệp FDI tham gia điều tra PCI là 191 lao động, tức là tăng 13 lao động/doanh nghiệp so với năm 2018. Mặc dù cho thấy các khoảng tin cậy 95% có sự chồng lấn, nghĩa là mức tăng này chưa có ý nghĩa về mặt thống kê và quy mô lao động trung bình của doanh nghiệp FDI vẫn thấp hơn so với năm 2017, nhưng sự chững lại này là một tín hiệu khả quan.
Có thể bạn quan tâm
10:56, 05/05/2020
10:13, 05/05/2020
09:30, 05/05/2020
11:00, 04/05/2020