Càng gần đến Tết người lao động càng mong lương, thưởng trong khi áp lực của doanh nghiệp tăng gấp đôi, vừa lo kiếm đơn hàng vừa lo cân đối tài chính.
>>>Giải pháp cho doanh nghiệp "vượt bão" cắt giảm lao động?
Thông lệ từ nhiều năm trước, thời điểm này các dây chuyền trong nhà máy hoạt động hết công suất để trả hàng cho đối tác. Người lao động làm tăng ca cho kịp tiến độ của nhà máy và có thêm thu nhập chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, quy luật trên bị phá vỡ khi thị trường lao động đang có những biến động, thay đổi chưa từng có. Chịu tác động do việc giảm đơn hàng, nhiều nhà máy ở các ngành: dệt may, da giày, điện tử, thực phẩm, dịch vụ... bị ảnh hưởng. Tuy chưa “ngấm” mạnh như một số nhà máy ở một vài tỉnh phía Nam nhưng đến nay, nhiều nhà máy ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc đã giãn việc, không bố trí người lao động làm thêm tăng ca cuối tuần.
“Hai tháng nay đơn hàng giảm, lợi nhuận nhà máy giảm mạnh. Gần 20 năm gắn bó với nhà máy, trải qua nhiều đợt khủng hoảng nhưng đến nay mới thấy thị trường thay đổi nhanh như vậy. Hiện tại chúng tôi vẫn đang cố gắng bố trí cho người lao động làm việc đủ công tháng, được tháng nào tốt tháng đó, dự báo sang năm tới, tình hình khó khăn hơn” - đại diện phòng kinh doanh của một công ty cáp điện tại TP Hải Dương cho biết.
Cũng tại tỉnh Hải Dương, theo bà Nguyễn Thị Tâm - Trưởng phòng nhân sự công ty may Tinh Lợi, tháng 9 đơn vị này còn có kế hoạch mở thêm nhà máy sản xuất trên địa bàn tỉnh nhưng sang tháng 10, tình hình đã khác hẳn. Do đơn hàng giảm 30% khiến nhà máy thay đổi phương án sản xuất, công nhân ngừng tăng ca và số lượng lao động giảm từ 21.000 người xuống còn 17.000 lao động. Khác với nhiều năm, lao động nghỉ việc, doanh nghiệp phải tuyển dụng thay thế nhưng hiện tại may Tinh Lợi không có nhu cầu tuyển thêm.
Nhiều nhà máy sản xuất điện tử, dệt may ở Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự. Đơn hàng giảm, phần lớn doanh nghiệp chọn phương án giãn việc, không tăng ca, không làm thêm ngày thứ bảy để đảm bảo mức lương cơ bản và người lao động có thu nhập để lo cuộc sống. Ngoài ra, các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng mới đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Năm nay, Tết Nguyên đán đến sớm. Tết Âm lịch cận kề Tết Dương lịch. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, đây là áp lực lớn với doanh nghiệp. Vào thời điểm này, dù chưa công bố chính thức nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ cố gắng đảm bảo chi trả thưởng Tết cho người lao động.
Cho biết tình hình sản xuất kinh doanh năm nay không thuận lợi như những năm trước nhưng theo ông Hồ Sỹ Lĩnh - Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Điện tử Foster (tỉnh Bắc Ninh), công ty vẫn chi thưởng tết cho người lao động gồm các khoản: thưởng tháng lương thứ 14, quà tết. Dù khó khăn nhưng công ty vẫn bố trí xe đưa công nhân ở tỉnh xa trên 100 km về quê đón Tết cùng gia đình. Những công nhân có hoàn cảnh khó khăn còn có thêm khoản hỗ trợ của công đoàn.
Chưa tiết lộ cụ thể nhưng ông Phan Thanh Hải - Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, Hà Nội) cho biết: hiện thu nhập của người lao động trong công ty giảm từ 15 - 20%, công ty đang đảm bảo không để công nhân nào mất việc. Công ty đang rà soát thưởng Tết và cố gắng duy trì, không cắt giảm so với các năm. Những công nhân có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ thêm từ 500.000 - 1 triệu đồng/người.
Còn tại công ty may liên doanh Plummy (huyện Quốc Oai, Hà Nội), bà Hà Thị Phương Anh - Chủ tịch Công đoàn cho biết, hiện Công đoàn cơ sở đang thương lượng với công ty để bàn bạc về kế hoạch lương, thưởng Tết với mục tiêu là duy trì tiền thưởng Tết và các khoản chi quà Tết, hỗ trợ gia đình khó khăn.
Ở cấp thành phố, ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động (Liên đoàn Lao động TP Hà Nội) cho biết, do điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên việc hỗ trợ chăm lo lương, thưởng; thăm hỏi, tặng quà, trao trợ cấp Tết; tổ chức Tết sum vầy; hỗ trợ phương tiện cho công nhân về quê đón Tết… những hoạt động được quan tâm triển khai. Đặc biệt, công đoàn tổ chức “Chợ Tết Công đoàn” tại các địa bàn có đông công nhân, có điều kiện kinh tế khó khăn nhằm cung cấp các mặt hàng thiết yếu với giá ưu đãi để công nhân sắm Tết.
Cụ thể, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội có kế hoạch dành 15 tỷ đồng hỗ trợ cho 15.000 công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (1 triệu đồng/suất), tổ chức xe đưa 1.200 công nhân có hoàn cảnh khó khăn làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chế xuất và ngành dệt may Hà Nội về quê đón Tết; tặng phiếu mua sắm trị giá từ 300.000 - 500.000 đồng cho 5.000 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn để mua sắm tại Chợ Tết.
Với đặc thù là địa phương có đông khu công nghiệp và công nhân ngoại tỉnh, ngoài sự hỗ trợ của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội hỗ trợ thêm 13.214 suất quà, mỗi suất là 500 ngàn đồng cho công nhân lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau dài ngày hoặc bị mắc bệnh hiểm nghèo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức chương trình “Tết Sum vầy - Xuân gắn kết” 2023 và “Chợ Tết Công đoàn” cho 1.500 công nhân.
Đặc biệt, ngoài các chuyến xe đưa công nhân về quê ăn Tết do Liên đoàn Lao động TP tổ chức cho công nhân khu công nghiệp, Công đoàn khu công nghiệp còn hỗ trợ tiền vé xe ô tô cho 1.000 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Có thể bạn quan tâm
Công ty khởi nghiệp OYO cắt giảm 10% trong số 3.700 nhân viên
00:35, 07/12/2022
Doanh nghiệp dệt may “co kéo” để giữ lao động
04:30, 29/11/2022
Doanh nghiệp dệt may gặp khó vào cuối năm
03:45, 05/11/2022
Cảnh báo doanh nghiệp ngành dệt may giảm tỷ trọng
04:00, 01/10/2022
“Bức tranh” ảm đạm của doanh nghiệp ngành gỗ những tháng cuối năm
02:03, 21/08/2022