Khai thác sai phép, trái phép khoáng sản; buôn, bán không rõ nguồn gốc, khối lượng khai thác “để ngoài sổ sách, không xuất hoá đơn”… là một trong những nguyên nhân làm “lũng đoạn” giá VLXD.
>>Phú Yên tiếp tục chỉ đạo nóng về quản lý khoáng sản
Đó là những nội dung được nêu tại Kết luận thanh tra do Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn, ký và ban hành về công tác tham mưu quản lý nhà nước đối với các mỏ vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường; việc lập, đăng ký giá, thẩm định, công bố giá vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
“Lũng đoạn” giá vật liệu xây dựng
Cụ thể, theo Kết luận thanh tra, hiện trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 284 điểm mỏ được quy hoạch thăm dò, khai thác khoảng sản VLXD thông thường. Trong đó, 132 mỏ đất đắp với tổng diện tích 2.240 ha, 67 mỏ cát xây dựng với tổng diện tích 1.533 ha, 85 mỏ đá xây dựng với khoảng 982 ha.
Song, tính từ năm 2022 đến thời điểm thanh tra, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có tình trạng “nâng giá” các loại VLXD khiến cho các mặt hàng “tăng bất thường”. Đơn cử, đá tại mỏ khi được bán ra với giá là 300.000 đồng/m3 (không có hóa đơn), giá cát không rõ nguồn gốc đã lên mức 200.000 đồng/m3. Thậm chí, một số chủ mỏ có dấu hiệu bất thường khi để ngoài sổ sách, không đúng với khối lượng khai thác, bán hàng không xuất hoá đơn... Điển hình, mỏ cát sông Đà Rằng ở thôn Phong Niên, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa của Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Phú Hòa. Qua thanh tra phát hiện doanh nghiệp này sử dụng 02 sổ theo dõi xuất bán, trong đó: 01 sổ xuất bán cho Công ty TNHH Tân Lập tính từ ngày 05/01/2023 đến ngày 26/3/2023 tổng số chuyến là 116 chuyến với tổng khối lượng 1.300m3 theo đơn đặt hàng; 01 sổ xuất bán lẻ cho một số tổ chức, cá nhân là 400m3.
Đáng chú ý, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, Đoàn thanh tra phát hiện một số địa phương thực hiện chưa nghiêm công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác dẫn đến có nhiều vụ việc khai thác khoáng sản trái phép. Trong đó, có một số điểm gây bức xúc dư luận đã được UBND tỉnh chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với một số lãnh đạo UBND cấp huyện, như các huyện Tuy An, Tây Hòa, Phú Hòa…
Điển hình như sai phạm tại mỏ cát thôn Phú Dương, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu của Công ty TNHH Xây dựng Việt Phát Đạt với diện tích 1 ha, công suất khai thác 10.000 m3/năm.
Mỏ cát này được cấp phép từ năm 2016, thời hạn khai thác gần 12 năm. Trong báo cáo của địa phương, doanh nghiệp này chưa khai thác. Tuy nhiên, kiểm tra thực địa phát hiện doanh nghiệp này có dấu hiệu khai thác khoáng sản trái phép ngoài phạm vi cấp phép gần 39.000 m2, độ sâu khai thác 4-5m.
Cụ thể, theo số liệu của UBND thị xã Sông Cầu từ chứng từ kê khai thuế cho thấy, doanh nghiệp này đã khai thác từ năm 2016 với khối lượng: 2.900m3; năm 2017: 7.331m3; năm 2018: 7.610m3; năm 2019: 205m3 và năm 2022: 603m3.
>>Vụ “chảy máu” khoáng sản tại Phú Yên – Bài 10: Đề nghị xử lý 7 hành vi
Chấn chỉnh chủ mỏ… “độc quyền”…
Trước những vi phạm và tồn tại nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu Sở TN&MT khẩn trương rà soát, bổ sung một số mỏ đưa vào danh mục không đấu giá quyền khai thác để có nguồn vật liệu tại chỗ phục vụ nhu cầu sử dụng vật liệu cho các dự án, công trình mục tiêu quốc gia; tham mưu UBND tỉnh giải pháp đảm bảo cung ứng đủ nguồn VLXD trên địa bàn trong thời gian tới.
Triển khai cấp phép khai thác nhiều mỏ vật liệu cùng lúc để tránh tình trạng các chủ mỏ độc quyền nguồn VLXD, tự ý nâng giá vật liệu; nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu để đáp ứng nhu để phục vụ các công trình đầu tư công.
Sở TN&MT phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn doanh nghiệp về quy trình, thủ tục tự thỏa thuận, bồi thường với người sử dụng đất; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa mỏ vật liệu vào hoạt động khai thác, tránh tình trạng khan hiếm VLXD như hiện nay. Kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm trong hoạt động khai thác, sản xuất VLXD.
Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh có các chế tài xử lý nhằm hạn chế tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhưng không thực hiện các thủ tục tiếp theo hoặc chậm tiến hành đưa mỏ vật liệu vào hoạt động khai thác.
Các cơ quan chức năng liên quan, chính quyền các địa phương tăng cường tham mưu rút gọn quy trình cấp phép khai thác khoáng sản trong dự án đầu tư xây dựng công trình có nguồn vật liệu dôi dư để tận dụng nguồn vật liệu này phục vụ cho các công trình khác tiết kiệm nguồn chi của ngân sách nhà nước.
Sở Xây dựng phải tổ chức rà soát lại cơ cấu hình thành giá khi giá đề nghị công bố tăng cao bất thường. Trường hợp doanh nghiệp nào không thực hiện kê khai giá, không đăng ký công bố giá thì tham mưu UBND tỉnh xử lý thu hồi mỏ vật liệu theo quy định.
“Khoáng sản tặc”… lộng hành?
Cũng cần nhắc lại rằng, trong thời gian một vài năm trở lại đây, hoạt động của “khoáng sản tặc” liên tiếp lộng hành tại Phú Yên. Tình trạng khai thác khoáng sản không phép, trái phép liên tiếp diễn ra, bất chấp các quy định của pháp luật.
Đáng nói, khối lượng mà các đối tượng này khai thác lên tới hàng trăm nghìn mét khối như: cát, đất, đá… nhưng chưa từng bị lực lượng QLTT, Công an… xử lý.
Đơn cử, năm 2020, khi phát hiện dấu hiệu khai thác cát trái phép trên địa bàn, đích thân Bí thư Huyện uỷ Sơn Hoà và lực lượng chức năng đã bắt quả tang Công ty TNHH SD Motar đang khai thác cát trái phép. Tại hiện trường, Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vụ việc và tạm giữ tang chứng vật chứng gồm: phương tiện vi phạm và 25.000m3 cát.
Hay mới đây (tháng 8/2023), hành vi khai thác cát sai phép 47.000m3 (khai thác vượt độ sâu -4 đến -5m); hơn 90.000m3 cát (khai thác trái phép, ngoài ranh cho phép) trên sông Đà Rằng của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Huy Phú, đã bị ngành chức năng phát hiện và chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra – Công an tỉnh Phú Yên, để điều tra, xử lý từ ngày 20/9/2023. Tuy nhiên, tới nay vụ việc vẫn đang trong quá trình xác minh, điều tra và chưa thể khởi tố.
Đặc biệt, tháng 9/2023, cơ quan chức năng của huyện Tây Hoà, tỉnh Phú Yên cũng tiếp tục bắt quả tang Công ty TNHH Xây dựng thương mại Phúc Trân khai thác trái phép hơn 3000m3 đất, nhưng đến nay lực lượng chức năng vẫn loay hoay với số liệu, khối lượng và chưa thể xử lý.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yêu chỉ đạo và yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm: - Yêu cầu giám đốc Sở TN&MT, giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo tổ chức kiểm làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý đối với các tập thể, cá nhân liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm về trách nhiệm công tác tham mưu quản lý nhà nước đối với các mỏ vật liệu xây dựng thông thường; việc lập, đăng ký giá, thẩm định, công bố giá vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn. - Sở TN&MT được giao phối hợp với chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu kiểm tra, làm rõ, xử lý việc khai thác khoáng sản trái phép ngoài phạm vi cấp phép với diện tích 38.671 m2 tại khu vực mỏ cát thôn Phú Dương. Song song đó là tiếp nhận vụ việc vi phạm của Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Phú Hòa (mỏ cát sông Đà Rằng) để chỉ đạo xử lý theo quy định. - Công an tỉnh Phú Yên có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng chức năng chủ động, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ngăn chặn việc khai thác, kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản không phép, trái phép. Đồng thời phối hợp với Sở GTVT thường xuyên kiểm tra tải trọng các xe chở khoáng sản (nhất là xe chở cát) lưu thông trên địa bàn tỉnh và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. - Cục QLTT tằng cường phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra việc vận chuyển, lưu thông khoáng sản trên thị trường, các cơ sở mua, bán khoáng sản; Kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật các hành vi mua, bán, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp. |
Có thể bạn quan tâm
22:41, 11/11/2023
11:00, 20/10/2023
15:00, 28/09/2023
11:30, 25/09/2023
16:00, 14/09/2023
17:00, 31/08/2023