Phục hồi kinh tế TP.HCM 2022 - 2025: Đề xuất gói hỗ trợ 250.000 tỷ đồng

ĐÌNH ĐẠI 16/10/2021 15:00

Đó là đề xuất của PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh tại Hội thảo Khoa học "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025", sáng nay (16/10).

Phát biểu tham luận tại hội thảo, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh - Đại học Kinh tế Luật TP.HCM cho biết, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm của TP.HCM đạt hơn 680.300 tỷ đồng theo giá hiện hành, mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, làn sóng dịch COVID-19 lần 4 đã nhanh chóng gây nên sự sụt giảm nghiêm trọng ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, sốc tiêu cực xảy ra ở cả tổng cung lẫn tổng cầu.

Toàn cảnh Hội thảo Hội thảo Khoa học

Toàn cảnh Hội thảo Hội thảo Khoa học "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025", ngày 16/10.

Tình hình xấu đi rất nhiều trong tháng 8/2021, doanh số thương mại dịch vụ chỉ còn 35.500 tỷ đồng, chưa bằng 30% doanh thu hàng tháng trong điều kiện bình thường. Ngành công nghiệp giảm sâu 22,4% so với tháng 7/2021. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực đã xuất hiện trong tháng 9/2021, khi mức độ suy giảm đã chậm lại ở tất cả các ngành, không có ngành nào giảm sâu dưới 6% so với tháng 8.

Theo ông Khánh, phục hồi xuất hiện rõ nét ở một số lĩnh vực trong tháng 9 như: dịch vụ ăn uống tăng gần 14% so với tháng trước; các hoạt động sản xuất thuốc, hóa dược, dược liệu tăng 5%; các dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng tăng 26%. Lưu thông hàng hoá thuận tiện hơn đã giúp doanh thu cho ngành vận tải tăng 57% đối với vận tải hàng hóa đường sắt và gần 28% đối với vận tải hàng hóa đường thủy nội địa.

Nghiên cứu riêng của ông Khánh cho thấy, số lao động tạm thời mất việc hoặc mất việc sau 5 tháng giãn cách trên 1 triệu người, chiếm 41,2% của gần 2,5 triệu lao động tham gia BHXH. Với mức độ tổn thất nghiêm trọng, cung và cầu thị trường nội địa đều sẽ phục hồi hết sức chậm chạp, do đó cơ hội việc làm sẽ vẫn còn tiếp tục khó khăn.

"Các doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, suy giảm khả năng trả lãi vay và nợ vay đúng hạn, tiềm tàng nguy cơ mất thanh khoản. Điều này rất có thể sẽ khiến nền kinh tế đối mặt với nguy cơ nợ xấu gia tăng. Tăng trưởng kinh tế suy giảm, cân đối ngân sách căng thẳng. Do đó, mức hỗ trợ của TP.HCM cần phải gia tăng mới đủ khả năng hồi phục", PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh nhấn mạnh.

Gợi ý về các chính sách chủ lực để đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế TP.HCM, ông Khánh cho rằng, với nguyên tắc tuân thủ mục tiêu tối thượng là đảm bảo ổn định giá trị tiền tệ, chính sách tiền tệ được sử dụng hạn chế trong việc thiết kế chính sách phục hồi kinh tế do COVID-19.

“Kinh nghiệm cho thấy, chính sách của Ngân hàng Trung ương các nước trong bối cảnh này thường hướng đến mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo thanh khoản cho thị trường. Giảm lãi suất có tác dụng kích thích tiêu dùng và đầu tư và được xem là công cụ giúp kích thích toàn diện nền kinh tế trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, chúng tôi cho rằng dư địa để giảm lãi suất huy động không còn nhiều”, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh nêu.

PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh đề xuất gói hỗ trợ cho năm 2021 là 250.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4% GDP.

PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh đề xuất gói hỗ trợ cho năm 2021 là 250.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4% GDP.

PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh phân tích, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc song song với việc điều chỉnh thích hợp trần tăng trưởng tín dụng và chỉnh sửa một số vấn đề kỹ thuật trong quy định điều chỉnh kỳ hạn trả nợ của Thông tư 14/2021/TT-NHNN để tạo thuận lợi hơn trong việc giảm lãi suất cho vay và tái cấu trúc nợ của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đối với chính sách tài khoá, ông Khánh cho rằng, ngay cả khi Việt Nam hoàn tất giải ngân trọn vẹn các gói hỗ trợ năm 2020 thì quy mô cũng chỉ ở mức 1,9% GDP, đây là gói hỗ trợ rất nhỏ để kỳ vọng các hỗ trợ này đủ mạnh để đạt hiệu quả tốt cho phục hồi trọn vẹn. Do đó, ông Khánh đề xuất gói hỗ trợ 2021 của Chính phủ có thể lên đến 250.000 tỷ đồng tương đương khoảng 4% GDP. Đây là con số khả thi với quy mô và nội lực của kinh tế Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề sống chung với dịch COVID-19, ở góc độ dịch tễ, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trường đại học Y dược TP.HCM cho rằng, tỉ lệ gần 100% người dân đã được tiêm ngừa và 72% người dân đã tiêm đủ mũi 2 cho thấy "TP.HCM đã đạt được miễn dịch cộng đồng một phần".  

PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, TP.HCM đã đạt được miễn dịch cộng đồng một phần.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, TP.HCM đã đạt được miễn dịch cộng đồng một phần.

"Có thể sống chung an toàn với dịch. Người dân ở đây đã được bảo vệ với tỉ lệ tiêm vắc xin hiện tại. Nhưng với biến chủng Delta thì tỉ lệ tiêm phải tăng lên, điều này thành phố chưa đáp ứng được. Do đó, vắc xin nhưng áp dụng các biện pháp 5K vẫn là quan trọng nhất", ông Dũng nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, với cố gắng đạt 2 mũi tiêm vắc xin cho trên 90% người trên 65 tuổi và trên 80% cho người trên 50 tuổi, chúng ta có thể bảo vệ được người cao tuổi, không làm tăng số ca tử vong và không làm quá tải hệ thống y tế.

Ông Dũng kiến nghị không cần thiết cách ly F1 nếu đã tiêm vắc xin đủ hai mũi, xây dựng mạng lưới giám sát dịch tễ để có thể ứng phó kịp thời. Đồng thời, đánh giá mức độ miễn dịch ở người lớn tuổi để có thể thực hiện các mũi tiêm tăng cường ở các đối tượng này khi cần thiết.

“Điều này cho thấy, khi chúng ta đã bảo vệ được người cao tuổi thì sự tồn tại của COVID-19 không chỉ có mặt có hại mà còn có mặt có lợi. Từ quan điểm này, chúng ta có thể bớt khắt khe hơn trong các biện pháp chống dịch. Các biện pháp chế tài cực đoan có thể không phù hợp mà thay vào đó sử dụng biện pháp chế tài kinh tế có thể có hiệu quả cao hơn. TP.HCM cần mạnh dạn xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế nhằm tranh thủ thời cơ”, PGS. TS Đỗ Văn Dũng đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

  • Phục hồi kinh tế TP.HCM 2022-2025: 3 vấn đề cần giải quyết

    Phục hồi kinh tế TP.HCM 2022-2025: 3 vấn đề cần giải quyết

    10:12, 16/10/2021

  • 3 giai đoạn mở cửa du lịch TP.HCM

    3 giai đoạn mở cửa du lịch TP.HCM

    21:31, 15/10/2021

  • TP.HCM: Hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế

    TP.HCM: Hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế

    02:00, 15/10/2021

  • TP.HCM: Nhiều sai phạm trong cấp phép xây dựng

    TP.HCM: Nhiều sai phạm trong cấp phép xây dựng

    04:00, 11/10/2021

  • TP.HCM: Y tế tư nhân được thu phí điều trị COVID-19

    TP.HCM: Y tế tư nhân được thu phí điều trị COVID-19

    16:55, 10/10/2021

  • TP.HCM sẽ ngừng hoạt động bệnh viện dã chiến Thành phố

    TP.HCM sẽ ngừng hoạt động bệnh viện dã chiến Thành phố

    14:46, 09/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phục hồi kinh tế TP.HCM 2022 - 2025: Đề xuất gói hỗ trợ 250.000 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO