Phục hồi và phát triển kinh tế: Ưu tiên nguồn lực củng cố hệ thống y tế

GIA NGUYỄN 08/12/2021 04:40

Theo các chuyên gia, khó khăn lần này xuất phát từ dịch bệnh chứ không phải xuất phát từ khủng hoảng kinh tế - tài chính, nên gói hỗ trợ tài khóa cần dành ưu tiên cho chi tiêu y tế…

>> Phục hồi và phát triển kinh tế: Gỡ "nút thắt" tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo đó, đối với phòng chống dịch COVID-19, tính từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 giai đoạn dịch với tổng số 1.224.110 ca nhiễm, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca nhiễm/1 triệu dân của Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 12.499 ca nhiễm), tổng số ca tử vong do COVID-19 là 25.055 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (1,99%).

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, các chuyên gia đề xuất, cần ưu tiên nguồn lực củng cố hệ thống y tế - Ảnh minh họa

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, các chuyên gia đề xuất, cần ưu tiên nguồn lực củng cố hệ thống y tế - Ảnh minh họa

Dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn tác động tiêu cực đến nền kinh tế, dưới tác động của dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 chỉ tăng 2,91% và dự kiến chỉ tăng 2,5% trong năm 2021. Đặc biệt, trong giai đoạn phục hồi và phát triển hiện nay, thì y tế đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

Như nhận định của các chuyên gia tại hội nghị Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 vừa qua, Việt Nam còn dư địa chính sách cho phục hồi, tuy nhiên, các chính sách cần thiết kế hài hòa, linh hoạt để đạt được hiệu quả tốt nhất trong bối cảnh bất định, đặc biệt phải tính đến và dự phòng những rủi ro COVID-19 có thể tiếp tục bùng phát.

Thực tế, bên cạnh những điểm tích cực trong công tác kiểm soát dịch bệnh COVID-19 mà chúng ta đã và đang đạt được, thì hệ thống y tế cũng cho thấy một số khó khăn, bất cập về đáp ứng và cung ứng dịch vụ y tế như: tình trạng thiếu giường bệnh; thiếu trang thiết bị y tế và vật tư y tế; thiếu thuốc; thiếu nhân lực chuyên môn có kinh nghiệm về hồi sức tích cực bao gồm cả bác sĩ và điều dưỡng; năng lực của các cơ sở điều trị ở tầng 1 cũng hạn chế;… đòi hỏi cần phải được củng cố, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dữ dội bất cứ lúc nào, đặc biệt với sự xuất hiện của biến chủng mới.

>> Phục hồi và phát triển kinh tế: Cần bảo đảm hài hòa giữa các chính sách

Theo ông Nguyễn Minh Cường - Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, nhiều nước châu Á cũng đang có xu hướng đặt trọng tâm hỗ trợ của chính sách tài khóa vào hệ thống y tế nhằm đối phó với dịch bệnh. Các nội dung bao gồm hỗ trợ đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, dịch vụ y tế phòng, chống dịch, ngăn ngừa lây nhiễm cho các cơ sở y tế; đẩy mạnh truy vết tiếp xúc và xét nghiệm; phát triển hệ thống tiêm chủng vaccine, khảo sát tình hình dịch bệnh; đồng thời nâng cao phúc lợi cho đội ngũ y bác sỹ tuyến đầu.

Ông Cường cho rằng, các khó khăn lần này xuất phát từ dịch bệnh chứ không phải xuất phát từ khủng hoảng kinh tế - tài chính, nên về lý luận cũng như thực tiễn, để xử lý triệt để thì các giải pháp chuyên môn về y tế “mang tính quyết định và chủ yếu”, còn chính sách kinh tế vĩ mô là các công cụ mang tính hỗ trợ.

“Trong ngắn hạn, mục tiêu của gói hỗ trợ tài khóa là kiềm chế đại dịch, giảm thiểu tác động về y tế và kinh tế nên sẽ cần dành ưu tiên cho chi tiêu y tế, đảm bảo an sinh xã hội đối với người dân”, ông Cường chia sẻ.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề xuất gói củng cố hệ thống y tế khoảng 76.000 tỷ đồng - Ảnh minh họa

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề xuất gói củng cố hệ thống y tế khoảng 76.000 tỷ đồng - Ảnh minh họa

Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đại diện nhóm nghiên cứu Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nêu quan điểm, hiện nay, các gói phục hồi kinh tế cần ưu tiên nguồn lực củng cố hệ thống y tế trên toàn quốc. Nguyên nhân là dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, hệ thống y tế là tuyến phòng thủ đầu tiên và quan trọng nhất của không chỉ nền kinh tế mà còn cả quốc gia.

Dựa trên báo cáo của Bộ Y tế về các khoản chi ứng phó với đại dịch, ông Tuấn đề xuất gói củng cố hệ thống y tế khoảng 76.000 tỷ đồng, gồm 6 hạng mục chi cho phòng dịch, hỗ trợ lực lượng dân phòng, công an, quân đội... trong đó, chi hỗ trợ người nhiễm bệnh cách ly (xây dựng bệnh viện dã chiến, khu cách ly, chi trực tiếp cho điều trị bệnh nhân) khoảng 14.000 tỷ đồng; chi xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, mua vaccine để thực hiện chương trình tiêm chủng toàn dân khoảng 32.000 tỷ đồng; chi nghiên cứu vaccine, thuốc chữa bệnh khoảng 8,8 tỷ đồng; chi y tế cho phòng dịch và điều trị F0 khoảng 18.500 tỷ đồng.

Tại hội nghị, để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế trong chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng như tăng cường tính đáp ứng và khả năng chống chịu của hệ thống y tế nhằm thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân một cách bền vững, TS. Trần Thị Mai Oanh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cũng đề xuất, hệ thống y tế Việt Nam cần phải được củng cố dựa trên nền tảng của chăm sóc sức khỏe ban đầu, bao gồm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cá nhân và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; chú trọng việc cung ứng các dịch vụ phòng bệnh, nâng cao sức khỏe để có được cộng đồng dân cư khỏe mạnh chứ không phải chỉ hướng đến điều trị khi bị bệnh.

Cùng với đó, đảm bảo các dịch vụ y tế được cung ứng theo hướng chăm sóc toàn diện, có sự cân đối giữa chăm sóc ban đầu và chăm sóc dựa vào bệnh viện. Tăng cường năng lực của y tế cơ sở, đặc biệt là tăng cường vai trò, năng lực của trạm y tế xã là yếu tố quyết định trong đảm bảo cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu một cách toàn diện, liên tục và hiệu quả.

Ngoài ra, bà Oanh cũng đưa ra một số giải pháp tăng cường tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế như: Nâng cao năng lực quản trị hệ thống y tế; Củng cố tổ chức bộ máy y tế theo nội dung của Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế xã;…

Có thể bạn quan tâm

  • Phục hồi và phát triển kinh tế: Gỡ

    Phục hồi và phát triển kinh tế: Gỡ "nút thắt" tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

    04:10, 07/12/2021

  • Phục hồi và phát triển kinh tế: Cần bảo đảm hài hòa giữa các chính sách

    Phục hồi và phát triển kinh tế: Cần bảo đảm hài hòa giữa các chính sách

    04:10, 06/12/2021

  • Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế có thể kéo dài hơn 2 năm

    Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế có thể kéo dài hơn 2 năm

    03:00, 02/12/2021

  • Bình Phước: Đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế

    Bình Phước: Đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế

    10:02, 26/11/2021

  • Phục hồi và phát triển kinh tế nhìn từ kinh nghiệm của Phillipines

    Phục hồi và phát triển kinh tế nhìn từ kinh nghiệm của Phillipines

    04:10, 19/11/2021

  • Phục hồi và phát triển kinh tế – Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

    Phục hồi và phát triển kinh tế – Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

    18:17, 17/11/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phục hồi và phát triển kinh tế: Ưu tiên nguồn lực củng cố hệ thống y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO