Quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Iran đang ngày càng trở nên căng thẳng sau khi quốc gia này thông báo tạm ngừng các vòng đối thoại trong nhiều lĩnh vực khác nhau với khối.
Cụ thể, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh thông tin về việc EU đã viện dẫn những cáo buộc vô căn cứ về nhân quyền để áp đặt các lệnh trừng phạt mới, gồm việc cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với 8 cá nhân Iran, gồm Tổng tư lệnh Iran - Thiếu tướng Hossein Salami.
Ông Khatibzadeh cho biết, Iran sẽ ngừng mọi vòng đối thoại toàn diện với liên minh này, gồm cả các cuộc thảo luận về nhân quyền, cùng tất cả các hình thức hợp tác trong lĩnh vực chống khủng bố, ma túy và người tị nạn. Đồng thời, quốc gia này sẽ cân nhắc tới các biện pháp trừng phạt trả đũa với nội dung chi tiết sẽ được công bố sau.
“Các lệnh trừng phạt mới của EU đã thể hiện ý đồ chính trị của liên minh này nhằm tiếp tục giữ im lặng và hưởng ứng các lệnh trừng phạt do Mỹ đơn phương áp đặt lên Iran. Iran cực lực lên án những biện pháp trừng phạt này và coi đây là hành động thiếu tính thuyết phục”, ông Khatibzadeh nhấn mạnh.
Trước đó, EU đã bổ sung 8 quan chức an ninh Iran, trong đó có lãnh đạo Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và 3 nhà tù tại nước này vào danh sách trừng phạt. Thông báo được EU đăng trên công báo chính thức nêu rõ quyết định trên có hiệu lực ngay lập tức, các cá nhân và thực thể Iran bị đưa vào danh sách trừng phạt do liên quan đến chiến dịch trấn áp biểu tình năm 2019, bị phong tỏa tài sản và cấm thị thực.
Đồng thời, một số nguồn tin cho biết, 4 ngân hàng lớn nhất châu Âu, trong đó có Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ, ABN Amro của Hà Lan, HSBC của Anh đã cắt đứt mọi giao dịch với chính quyền Iran và tạm thời phong tỏa tài sản cá nhân của một số quan chức nước này.
Giới quan sát nhận định, mặc dù các nhà ngoại giao cho biết các biện pháp trừng phạt không liên quan đến nỗ lực khôi phục Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Hoa Kỳ đã rút khỏi, tuy nhiên những căng thẳng giữa EU và Iran đang đặt tương lai của các cuộc đàm phán vào bế tắc, đặc biệt trong bối cảnh khối này đang làm trung gian kết nối giữa Washington và Tehran.
Theo Trita Parsi của Viện nghiên cứu Statecraft nhận định, tình hình đang không có lợi cho EU. Trước đây, EU ủng hộ cách tiếp cận cân bằng, toàn diện với Iran, bao gồm đối thoại, nhằm giải quyết tất cả các vấn đề quan tâm, quan trọng khi có sự khác biệt và hợp tác khi có lợi ích chung.
Nhưng dưới sức ép của các lệnh trừng phạt từ Mỹ, thời gian qua các nước châu Âu, “khách hàng” của Iran, đã phải chật vật tìm cách bảo vệ các công ty của họ nếu muốn tiếp tục làm ăn với Iran nhưng không muốn bị Mỹ trừng phạt. Chính vì vậy, tiến trình nối lại đàm phán gần đây đang mang tín hiệu tích cực hơn cho EU.
“Tuy nhiên, nếu các lệnh trừng phạt vẫn còn tiếp tục, Iran sẽ tiếp tục xoay trục sang hướng đông và xây dựng mối quan hệ vững chắc hơn với Trung Quốc và Nga, và EU sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm”, chuyên gia này cho biết.
Một thông báo gần đây của Trung Quốc đã hé lộ về kế hoạch đầu tư 400 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng giao thông, khí đốt và dầu mỏ của Iran là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc và Nga sẽ không tuân theo những biện pháp hạn chế như vậy mãi mãi.
Các chuyên gia cho rằng, thay vì áp đặt các lệnh trừng phạt mới, châu Âu cần phải đi đầu trong việc giải quyết vấn đề Iran. Trong bối cảnh Mỹ đe dọa sẽ áp dụng trở lại tất cả lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc với Iran nếu Hội đồng bảo an Liên hợp quốc không gia hạn lệnh cấm vận vũ khí với Tehran vào tháng 10 tới, các nhà phân tích cho rằng EU, Pháp, Đức và Anh cần phải đi đầu trong việc thiết kế một sự sắp xếp toàn diện hơn để tránh bế tắc xảy ra.
Có thể bạn quan tâm