Lĩnh vực AI (trí tuệ nhân tạo) là một động lực mới cho mối quan hệ hợp tác giữa Nga và Trung Quốc.
Khi “gã khổng lồ công nghệ” Huawei Technologies chật vật đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ vào năm 2019, thì ở một góc khác, nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc lại nhận được sự ủng hộ hết mình từ phía Nga.
Trong bối cảnh quan hệ Nga - Trung đang ngày càng trở nên khăng khít, Huawei đã mua lại công nghệ nhận dạng khuôn mặt của Nga, và hãng này cũng đã đưa vào thử nghiệm công nghệ 5G tại thủ đô Moscow của Nga.
Thậm chí, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng bảo vệ Huawei. Ông Putin đã lớn tiếng cáo buộc rằng Mỹ đang cố gắng "bằng mọi cách để cô lập Huawei, đẩy hãng này ra khỏi thị trường toàn cầu" bằng cách đưa vào danh sách "đen".
Thật vậy, cùng có những mâu thuẫn âm ỉ với Mỹ, cũng như có cùng mối lo ngại về việc bị đóng băng khỏi công nghệ tiên tiến đã đưa Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau hơn. Mối quan hệ song phương này đã trở nên mật thiết hơn bao giờ hết khi điện Kremlin đã tuyên bố năm 2020 là năm hợp tác khoa học, kỹ thuật và đổi mới của Nga - Trung.
Lĩnh vực ưu tiên hàng đầu: Trí tuệ nhân tạo.
Trong bối cảnh đó, một số công ty công nghệ Trung Quốc đã đầu tư vào Nga trong năm qua nhằm săn lùng các cơ hội AI.
Cụ thể, công ty công nghệ Dahua của Trung Quốc và NtechLab của Nga vào tháng 5 vừa qua đã ký hợp tác để phát hành một máy ảnh có khả năng nhận dạng khuôn mặt - một sản phẩm được kỳ vọng sẽ thu hút các cơ quan thực thi pháp luật ở cả hai quốc gia.
Hay vào tháng 12, nhà phát triển phần mềm Trung Quốc Vinci Group đã đồng ý làm việc trên các sản phẩm AI với công ty khởi nghiệp CNTT của Nga Jovi Technologies.
Nhưng không có công ty Trung Quốc nào có thể vượt mặt được Huawei để trở thành một “ông lớn” vươn tầm ảnh hưởng tới lĩnh vực AI ở Nga!
Vào tháng 6, Huawei đã rót 50 triệu USD để hợp tác đầu tư vào công nghệ nhận dạng khuôn mặt được phát triển bởi công ty khởi nghiệp Vocalord của Nga. Đến tháng 8, Huawei đã tiến thêm một bước xa hơn khi ký hợp đồng hợp tác với một trung tâm nghiên cứu AI vốn được Moscow hậu thuẫn.
Sau đó, tại một hội nghị vào tháng 11, hãng này đã công bố kế hoạch xây dựng một "hệ sinh thái AI" đầy tham vọng ở Nga vào năm 2025.
Có thể bạn quan tâm
10:00, 06/01/2020
11:15, 23/12/2019
12:32, 30/09/2019
"Huawei đặt mục tiêu hợp tác với các tổ chức công nghiệp và thu hút hơn 100.000 nhà phát triển AI, hơn 100 nhà cung cấp phần mềm độc lậpvà hơn 20 trường đại học để xây dựng hệ sinh thái AI trong vòng 5 năm, đưa ứng dụng AI đến nhiều ngành hơn", Phó Chủ tịch của Huawei - ông Jiang Tao tiết lộ.
Trong khi Nga chỉ có một số ít các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực AI của riêng mình, nhưng nước này có rất nhiều đối tác hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đến từ Trung Quốc.
Ông Valentin Makarov - chủ tịch của Russoft (Hiệp hội phát triển phần mềm) cho biết, Nga có thể tự hào về các chuyên gia có tay nghề cao, các tổ chức nghiên cứu có hoạt động mạnh mẽ và thành tích tốt trong các lĩnh vực liên quan đến AI cụ thể như nhận dạng khuôn mặt - đây dường như là một điểm thu hút Huawei đến với Vocalord.
Đối với các doanh nghiệp AI của Nga, quan hệ đối tác với Trung Quốc là cơ hội để đưa công ty của họ đến gần hơn với một thị trường khổng lồ.
Ông Igor Bogachev, Giám đốc điều hành của công ty CNTT Zyfra nhận định: "Có ước tính rằng thị trường AI của Trung Quốc năm 2018 là 4,9 tỷ USD- đây là một con số khổng lồ.Vì vậy, tất nhiên các công ty Nga khá quan tâm đến việc đưa các thiết kế của họ đến thị trường Trung Quốc".
Và khi các dự án chung tiến triển, điều này có thể giúp Nga và Trung Quốc lật ngược tình thế với phương Tây và Mỹ!?
Sự tiếp cận của Nga đối với công nghệ phương Tây đã bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014. Tương tự, Trung Quốc cũng đã phải chịu đựng cảm giác tương tự bởi các lệnh trừng phạt từ cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhưng Samuel Bendett - một nhà phân tích nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Hải quân có trụ sở tại Washington, cho rằng sự hợp tác ngày càng tăng của Trung - Nga sẽ làm ảnh hưởng và sẽ làm rạn nứt hơn nữa mối quan hệ vốn đã hết sức lỏng lẻo giữa các quốc gia này với Mỹ.
"Cả Trung Quốc và Nga đang công khai kế hoạch của họ để cạnh tranh, nhằm thu hút các chuyên gia công nghệ cao giỏi nhất và sáng giá nhất thế giới, tìm cách mời chào nhóm tài năng AI mới nổi này đến làm việc tại các công ty, tập đoàn của họ", ông Bendett nói.
Ông Bendett nhận xét, "Mỹcó lợi thế trong giai đoạn gần đến trung hạn, khiđây là quốc gia có sự hỗ trợ tài chính và giáo dục lớn nhất cho phát triển AI, nhưng hợp tác Trung-Nga có thể làm xói mòn lợi thế này."
Mặc dù Moscow và Bắc Kinh vẫn chưa công khai các hoạt động hợp tác AI trong lĩnh vực quân sự, nhưng Lầu Năm Góc nhìn thấy mối đe dọa an ninh quốc gia trong vấn đề này.
Trong chiến lược AI được công bố vào tháng 2 năm 2019, Bộ Quốc phòng cảnh báo rằng chi tiêu ngày càng tăng của Nga và Trung Quốc để phát triển các ứng dụng quân sự cho trí tuệ nhân tạo đe dọa "làm xói mòn lợi thế công nghệ và hoạt động của chúng tôi và gây mất ổn định trật tự quốc tế mở và tự do".
Chưa xua tan nghi kỵ lẫn nhau!
Các chuyên gia cho rằng sự hợp tác trong lĩnh vực AI giữa Nga và Trung Quốc - với việc Huawei đóng vai trò chính - có thể làm suy yếu sự thống trị công nghệ của Mỹ.
Nhưng cũng giống như Moscow, khi Bắc Kinh cảnh giác với Washington, thì hai phía cũng khó mà tránh những nghi ngờ về nhau. Một số chuyên gia trong ngành công nghệ Nga đã lên tiếng cảnh báo rằng việc bắt tay hợp tác với Trung Quốc luôn chứa đầy rủi ro.
Một phần nào đó để trấn an dư luận, trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 6/2019, hai chính phủ đã công bố một quỹ đầu tư chung cho các dự án công nghệ cao. Quỹ này được ra mắt vào tháng 9 với ngân sách ban đầu là 1 tỷ USD và tập trung vào tài trợ cho nghiên cứu AI.
Tuy nhiên, vào tháng 12, một trong những “vết gợn” hiếm hoi trong mối quan hệ song phương Nga - Trung đã xuất hiện, Tập đoàn quốc phòng Rostec của Nga đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc sao chép mọi thứ từ máy bay chiến đấu Sukhoi, đến các hệ thống tên lửa.
Nhiều công ty AI của Nga lo sợ sẽ mất công nghệ theo cách tương tự. "Nga và Trung Quốc đã ký chính thức tất cả các thỏa thuận về tôn trọng sở hữu trí tuệ, nhưng chúng tôi biết các trường hợp Trung Quốc mua lại công nghệ Nga thông qua vi phạm bản quyền. Kết quả là, các công ty Nga sợ hợp tác với Trung Quốc", ông Alexey Maslov - giáo sư Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Nga nói.
Ông Maslov cho biết thêm, nếu một số công ty công nghệ Nga làm việc với các đối tác Trung Quốc thông qua các văn phòng đại diện tại Singapore hoặc Hồng Kông -– thì các công ty của Nga sẽ hy vọng có thêm được một lớp bảo vệ.
Ông Bogachev - giám đốc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực AI cũng bày tỏ e ngại, công ty của ông đang có những bước đi cẩn thận. "Một mặt, chúng tôi có kinh nghiệm làm việc tại Trung Quốc và muốn kinh doanh ở đó. Nhưng đồng thời chúng tôi rất thận trọng trong quá trình hợp tác với các đối tác Trung Quốc bởi vì chúng tôi thực sự lo lắng về vấn đề tài sản trí tuệ của mình."
Điều đáng lưu ý là vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ không phải là vấn đề đáng lưu tâm duy nhất trong mối hợp tác Nga - Trung. Bên cạnh những lo lắng trên, các nhà đầu tư còn quan tâm tới sự bất cân xứng về công nghệ.
Chuyên gia công nghệ Sergey Karelov vốn được biết đến là người sáng lập và là giám đốc công nghệ tại Trung tâm tư vấn CNTT của Nga, lo lắng thị trường AI của Nga là tương đối nhỏ, điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ không coi đây là một đối tác bình đẳng. Ông đưa ra một dự đoán không mấy tươi sáng về tương lai công nghệ của Nga khi cuộc cạnh tranh quyền lực lớn của Washington và Bắc Kinh diễn ra.
Rất nhiều các chuyên gia Nga đã phản đối bất kỳ sự hợp tác nào về AI trong lĩnh vực quân sự với Trung Quốc. Họ cho rằng, Nga không thể đủ khả năng hợp tác với Trung Quốc trong một khu vực nhạy cảm như vậy bởi vì không có gì đảm bảo rằng mối quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ kéo dài.