Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã có loạt bài phản ánh “Quảng Ninh: Những con tàu du lịch chìm dần”. Theo đó, cơn sóng thần mang tên COVID-19 đã khiến cho trên 500 con tàu du lịch, từ sang trọng tới bình dân trên vịnh Hạ Long đang bị “nhấn chìm” không thương tiếc. Cơn sóng COVID-19 đã càn quyét ngành du lịch một cách không thương tiếc. Những con tàu nằm im tại bến, số vé tham quan vịnh Hạ Long trong quý I/2021 chỉ tính trên đầu ngón tay.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Phượng - Phó Chi hội tàu du lịch Hạ Long cho biết, địa phương đã có nhiều tháo gỡ cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động du lịch. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài đã khiến các doanh nghiệp không có nguồn thu để trả các khoản nợ ngân hàng, bảo hiểm, thuế cũng như các chi phí duy tu bảo dưỡng và tái khởi động lại hoạt động du lịch.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ninh, hiện tổng dư nợ vốn cho vay liên quan đến tàu du lịch là gần 2.000 tỷ đồng, với 243 khách hàng vay. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID, nhiều doanh nghiệp không có nguồn thu trả lãi ngân hàng, trả lương công nhân viên và bảo dưỡng phương tiện. Điều này đã khiến nhiều chủ tàu tính bán tàu để cắt lỗ. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh, từ 1/9/2020 – 7/5/2021, chỉ có 29 tàu du lịch được chuyển quyền sở hữu.
Ông Nguyễn Văn Tiến – Chủ tàu du lịch tại Quảng Ninh cho biết, dịch COVID-19 bùng phát liên tiếp khiến ông phải bán 1 tàu vừa để cắt lỗ, giảm bớt chi phí, vừa có tiền bảo trì cho 4 con tàu tàu phục vụ du khách lưu trú qua đêm. Còn các chủ tàu khác, sau nhiều tháng rao bán, đến nay số người bán được tàu đếm trên đầu ngón tay.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, anh L.V.T một chủ tàu du lịch cho biết, mặc dù khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng cầm cự chờ đợi dịch bệnh qua đi. Đồng thời, mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, tiếp tục cho giãn nợ ngân hàng, giảm chi phí bến bãi, giải ngân các gói hỗ trợ… Sau này, hoạt động du lịch trở lại sẽ hỗ trợ giảm 50% thuế VAT. "Trước kia các doanh nghiệp tàu du lịch nộp 10% thuế VAT thì tới đây mong được hỗ trợ giảm xuống còn 5%", anh L.V.T cho biết thêm.
Cũng như các chủ tàu du lịch, nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ, lữ hành khác cũng mong muốn được nhà nước có chính sách hỗ trợ để có thể vượt qua cơn “sóng thần” COVID-19 hung dữ này.
Ông Ngô Anh Tuấn – TGĐ Công ty TNHH du lịch Hoà Bình cho biết, dịch COVID-19 bùng phát khiến cho doanh nghiệp hoạt động du lịch bị “đóng băng”. Các khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển du lịch công suất hoạt động giảm sút. Còn với ngành lữ hành, đặc biệt là những doanh nghiệp đưa khách đi, tổ chức các tour du lịch trọn gói thì gần như bị “tê liệt”.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện có khoảng 30% doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực lữ hành đã rút lui khỏi thị trường. Các doanh nghiệp còn lại thì hoạt động cầm chừng và đang rất khó khăn. Nhất là khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại 2/3 tổng số địa phương của cả nước đã khiến cho hoạt động du lịch khó được triển khai, thậm chí là không thể hoạt động.
Để gỡ khó cho các doanh nghiệp du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch. Nội dung sửa đổi hướng tới việc giảm 80% mức ký quỹ ở tất cả các dịch vụ lữ hành (nội địa, quốc tế) với thời gian áp dụng là 2 năm.
Theo tính toán của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau 2 năm nữa, khi việc tiêm phòng vaccine COVID-19 được triển khai rộng rãi thì hoạt động du lịch quốc tế sẽ khôi phục. Do vậy, việc giảm mức ký quỹ trong 2 năm là vừa đủ để giúp doanh nghiệp tạo dòng tiền vào, hỗ trợ khó khăn, duy trì, cầm cự và có nguồn tiền làm vốn lưu động.
Về đề xuất này, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc sửa đổi các quy định nhằm giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp là hết sức cần thiết, nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị này dự kiến sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ lữ hành và các doanh nghiệp muốn gia nhập thị trường.
Tuy nhiên, ban soạn thảo cần cân nhắc bổ sung trường hợp doanh nghiệp có thể tạm ngừng kinh doanh dịch vụ lữ hành và trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp có thể được rút tiền ký quỹ (nếu trong trường hợp doanh nghiệp không muốn chấm dứt hoạt động kinh doanh và bị thu hồi giấy phép).
Dự thảo cũng nên quy định trình tự, thủ tục để doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh như: doanh nghiệp gửi thông báo tới cơ quan cấp phép về việc tạm ngừng kinh doanh, cơ quan cấp phép sẽ cấp văn bản xác nhận việc doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Văn bản này sẽ là căn cứ để doanh nghiệp thực hiện rút tiền ký quỹ tại ngân hàng thương mại. Thông tin tạm ngừng kinh doanh sẽ được công khai trên website của cơ quan cấp phép và của doanh nghiệp. Khi hết thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp sẽ phải nộp đủ tiền ký quỹ, chứng minh đã nộp đủ tiền ký quỹ theo quy định và thực hiện hoạt động kinh doanh.
Còn đối với các doanh nghiệp vẫn có hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành thì việc hạ mức tiền ký quỹ sẽ hỗ trợ phần nào cho doanh nghiệp về vấn đề tài chính. Tuy nhiên, dự thảo mới chỉ quy định về mức ký quỹ mới nhưng không sửa các quy định có liên quan khiến cho việc triển khai trên thực tế có thể sẽ gặp khó khăn.
Theo đại diện VCCI, việc giảm mức tiền ký quỹ theo quy định tại dự thảo thì các doanh nghiệp hiện tại đang ký quỹ theo mức của Nghị định 168/2017/NĐ-CP có được được rút tiền ký quỹ tại ngân hàng không? Quy định này phải cho phép áp dụng đối với các doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ lữ hành thì mới có hiệu quả hỗ trợ. Do vậy, dự thảo cần bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, căn cứ để các doanh nghiệp có thể rút tiền ký quỹ tại các ngân hàng; bởi Điều 16 Nghị định 168/2017/NĐ-CP đang không quy định giải quyết cho trường hợp đặc biệt này.
Ngoài ra, sau khi hết thời hạn có hiệu lực của Nghị định sửa đổi Nghị định 168/2017/NĐ-CP thì doanh nghiệp sẽ phải nộp bổ sung tiền ký quỹ như thế nào? Dự thảo cũng cần phải quy định rõ để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Cơn “sóng thần” thứ 4 của dịch COVID-19 tiếp tục càn quyét ngành du lịch. Việc sửa đổi chính sách hỗ trợ được coi như liều thuốc để “cấp cứu” cho doanh nghiệp du lịch đang “thoi thóp” vì dịch bệnh.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh: Ngành du lịch “tự cứu mình” bằng xây dựng tour du lịch an toàn
14:50, 05/07/2021
Quảng Ninh: Thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch để đón khách du lịch
00:38, 23/06/2021
Quảng Ninh: Doanh nghiệp tàu du lịch gặp khó khăn bao giờ mới được tháo gỡ?
01:18, 17/06/2021
Quảng Ninh - Những con tàu đang “chìm dần” (Kỳ 2): Trông chờ “gói kích cầu du lịch”
11:06, 06/06/2021
Hạ Long (Quảng Ninh): Những con tàu du lịch “chìm dần”
16:06, 23/05/2021