Theo các chuyên gia, sau một thời gian dài áp dụng, Luật Thuế thu nhập cá nhân đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế, ngay như biểu thuế thu nhập cá nhân đang quá rườm rà, bất cập...
>>Bộ Tài chính lấy ý kiến sửa Luật thuế thu nhập cá nhân
Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, phụ cấp, trợ cấp, số còn lại là thu nhập làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân.
Trong đó, cách tính thuế thu nhập cá nhân theo biểu lũy tiến 7 bậc, mỗi bậc thu nhập có thuế suất tương ứng: Mức thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống chịu thuế suất 5%; mức 5-10 triệu đồng 10%; mức 10-18 triệu đồng 15%; mức 18-32 triệu đồng 20%; mức 32-52 triệu đồng 25%; mức 52-80 triệu đồng 30% và từ 80 triệu đồng/tháng trở lên 35%.
Bên cạnh đó mức giảm trừ gia cảnh năm 2022 cũng được quy định rất rõ, là giảm trừ gia cảnh gồm: giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế và giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.
Mức giảm trừ gia cảnh năm 2022 không đổi so với năm 2021 và được thực hiện theo Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 theo. Cụ thể: Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Như vậy với cách tính hiện nay người có thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay trên 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) là đã phải nộp thuế.
Nói về thuế thu nhập cá nhân hiện hành, theo TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), cần nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng lên mức cao hơn, thậm chí lên 18-20 triệu đồng/tháng, bởi khi giá cả thị trường đã tăng lên thì mức 11 triệu đồng/tháng không còn phù hợp. Ngoài ra, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc cũng cần được nâng lên 50-70%, tức khoảng 6-7,5 triệu đồng/tháng.
“Phần lớn người dân cũng tâm tư, vật giá đang bào mòn cuộc sống mà còn phải đóng thuế?- TS Đinh Trọng Thịnh nói.
>>Sửa Luật Thuế Thu nhập cá nhân: Quy định mức giảm trừ gia cảnh đã lỗi thời
Theo các chuyên gia, không khó để nhận thấy rằng, tình hình kinh tế - xã hội hiện nay so với thời điểm ra đời Luật Thuế thu nhập cá nhân đã có nhiều thay đổi, trong đó yếu tố trượt giá đã nhanh chóng làm ảnh hưởng mức chi tiêu hàng ngày của người dân. Việc lấy CPI làm thước đo điều chỉnh mức tính thuế thu nhập cá nhân, giảm trừ gia cảnh là không phù hợp.
Hiện thống kê CPI chưa phản ánh hết được sự tăng giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày người dân phải chi trả. Mức giảm trừ gia cảnh cho người lao động chưa biến động kịp với CPI gây thiệt thòi cho người nộp thuế.
Trả lời báo chí, đại diện của Tổng cục Thuế cũng từng thừa nhận, ngành thuế nhận được nhiều phản ánh nên thay đổi cách tính thuế thu nhập cá nhân.
“Bộ Tài chính đang xin ý kiến để xây dựng đề cương sửa đổi 6 luật thuế quan trọng, trong đó có Luật Thuế thu nhập cá nhân. Trong đó, các nội dung rà soát, đánh giá góp ý mà Bộ Tài chính đề nghị khi lấy ý kiến xây dựng đề cương sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân bao gồm: Đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, cơ sở tính thuế và xác định số thuế phải nộp, thuế suất, giảm trừ gia cảnh...”, vị này nói.
Trước đó, hồi đầu tháng 3, Bộ Tài chính cũng đã có giải đáp vướng mắc liên quan đến thuế thu nhập cá nhân. Cơ quan này cũng cho biết cũng nhận được ý kiến phản ánh cho rằng biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành là không hợp lý dẫn đến nhiều vướng mắc. Chẳng hạn, biểu thuế có quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc thấp quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm làm tăng số thuế phải nộp, tăng số lượng phải quyết toán thuế. Thu nhập tính thuế ở từng bậc theo số lẻ dẫn đến khó nhớ, người nộp thuế khó khăn trong việc tự xác định số thuế phải nộp. Về vấn đề này, Bộ Tài chính khẳng định, sẽ tiếp tục nghiên cứu để có điều chỉnh phù hợp khi sửa Luật thuế thu nhập cá nhân.
Trao đổi xung quanh vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, nguyên tắc tính thuế theo biến động CPI hiện nay là đúng, nhưng phải căn cứ trên nguyên tắc phù hợp hơn. “Thuế thu nhập cá nhân bản chất là đánh thuế người khá giả một chút. Cho nên ít nhất phải có một mức sàn là trung bình thu nhập của xã hội, khi trên trung bình thì đánh thuế. Hiện nay chúng ta không căn cứ vào thu nhập tối thiểu, không căn cứ vào thu nhập bình quân của xã hội, cũng không căn cứ vào mức sống, do đó gây tranh cãi” – ông Đức nêu quan điểm.
Do vậy, theo luật sư Trương Thanh Đức, muốn giải quyết vấn đề thì phải giải quyết từ gốc. Chẳng hạn, nếu căn cứ theo lương tối thiểu, hiện nay đã có mức lương tối thiểu theo vùng do Nhà nước quy định, ở trung tâm Hà Nội sẽ khác với các vùng sâu, vùng xa. Thuế thu nhập cá nhân cũng phải có nguyên tắc xử lý tương tự.
“Chẳng hạn quy định mức giảm trừ gia cảnh gấp 5 hay 7 lần lương tối thiểu thì khi Nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu, mức giảm trừ cũng tự động được điều chỉnh theo” - Giám đốc Công ty Luật ANVI đề xuất.
Đồng quan điểm, TS Lê Quang Cường - Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh cho rằng, thuế thu nhập cá nhân hiện có những vấn đề cần phải xem lại đó là giãn cách thu nhập giữa từng bậc thuế, khoảng cách hiện tại khá gần nhau, cần nới lỏng ra. Ngoài ra, theo TS Lê Quang Cường, mức thuế suất đối với thuế thuế thu nhập cá nhân cũng cần cân nhắc lại.
"Mức độ thuế suất, đỉnh của chúng ta là 35%, ngang bằng với những nước phát triển hơn mình. Nên chăng là rút cái đỉnh đó thấp hơn. Mức thuế suất cao nhất hiện tại còn cao hơn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%" - TS Lê Quang Cường nói.
Ông Cường cũng đưa ra mô hình giảm trừ gia cảnh ở một số nước phát triển, hay còn gọi là mức giảm trừ thuế ở một số nước. Một số nước phát triển như Mỹ đưa ra mức giảm trừ 15.000 USD nhưng cho 2 cách thức. Cách 1 có thể chọn ngay mức giảm trừ này.
“Nhưng cách 2 có thể chọn trừ theo chi phí (nhà cửa, đóng học cho con cái,... ) rồi trừ theo chi phí đó, và cái hay là lấy hoá đơn thì người bán sẽ không thể trốn thuế”, TS Lê Quang Cường chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm