Kết thúc quý III/2024, VN-Index tăng 3,42% so với quí II và tăng 13,98% so với cuối năm 2023. Trong khi đó, nhiều quỹ cổ phiếu đạt lợi nhuận cao hơn mức tăng trưởng của VN-Index.
Cụ thể, khép lại phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9, VN-Index đóng cửa ở mức 1.287,94 điểm tăng nhẹ 0,32% so với tháng 8/2024. VN-Index đã biến động trong biên độ hẹp những ngày cuối quý III như trong dự báo, kết thúc 9 tháng của năm 2024 với nhiều biến động và có những giai đoạn rớt xuống dưới mốc 1.200 điểm.
Cuộc tái chinh phục ngưỡng 1.300 điểm và ổn định ở ngưỡng này của VN-Index vẫn còn ghi nhận nhiều thách thức qua các phiên giao dịch đầu tiên của thượng tuần tháng 10, mở đầu quý IV với thoái lui điểm số, bất chấp nhiều thông tin được đánh giá tích cực cho dài hạn.
Trong khi đó, tăng trưởng vượt trội hơn VN-Index, các quỹ mở tiếp tục ghi nhận sinh lợi.
Đứng đầu về lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2024, theo dữ liệu thống kê của FMarket, tiếp tục là quỹ VMEEF của VinaCapital với lợi nhuận 34,16%. Việc tập trung danh mục vào cổ phiếu các công ty được hưởng lợi trực tiếp từ động lực phát triển kinh tế dài hạn của Việt Nam, quỹ VMEEF đang cho thấy khả năng hoạt động hiệu quả khi liên tục mang lại lợi nhuận hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
FMarket, nền tảng đầu tư quỹ mở hàng đầu Việt Nam, thống kê được 18 quỹ cổ phiếu đạt lợi nhuận cao hơn mức tăng trưởng của chỉ số VN-Index, trong đó có 12 quỹ đạt lợi nhuận trên 20%.
Xếp thứ 2 và thứ 3 lần lượt là các quỹ của Công ty Quản lý Quỹ SSI. Cụ thể Quỹ đầu tư cổ phiếu Lợi thế cạnh tranh bền vững SSI (SSISCA) đạt lợi nhuận 31,21%, Quỹ chủ trương phân bổ nhiều vào các cổ phiếu midcap có tiềm năng tăng trưởng cao, tuy nhiên quỹ cũng linh hoạt nắm bắt các cơ hội đầu tư tại từng thời điểm để không bỏ lỡ các sóng tăng trưởng từ thị trường.
Kế tiếp sau đó là Quỹ đầu tư tăng trưởng dài hạn Việt Nam (VLGF) với lợi nhuận 28,89%. Đây là quỹ cổ phiếu năng động, tập trung nhiều hơn vào các cổ phiếu large-cap đầu ngành, có thanh khoản cao. Cũng theo Fmarket, đây là 3 trong số 50 quỹ mở trên nền tảng này liên tiếp đạt thành tích tốt nhất trong thời gian gần đây.
Ngoài 3 quỹ trên, không ít quỹ cũng có lợi nhuận hấp dẫn trên 20%, bao gồm: BVPF (24,74%), VCBF-BCF (24,51%), MAGEF (23,72%), DCDS (23,56%), VEOF (22,21%), MAFEQI (22,1%), VESAF (20,84%), MBVF (20,39%), VCBF-MGF (20,21%) vượt xa so với chỉ số VN-Index với mức tăng trưởng 13,98%.
"Hiệu suất đầu tư vượt trội của các quỹ mở đã và dần khẳng định được sự chuyên nghiệp và khả năng quản trị danh mục của các công ty quản lý quỹ. Dù trong điều kiện thị trường nào, đội ngũ chuyên gia quỹ luôn tìm thấy cơ hội và nhạy bén thay đổi chiến lược để tối ưu lợi nhuận mang lại cho nhà đầu tư.
Trong bối cảnh tình hình thị trường còn nhiều biến số, việc phân bổ một phần tài sản vào các sản phẩm quỹ mở là một giải pháp phù hợp cho việc gia tăng tài sản cho những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025", chuyên gia của một nhóm quỹ cổ phiếu nhận định.
Trong những tháng còn lại của năm, các chuyên gia dự báo thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục được đón những tác động theo chiều có lợi đã có diễn biến từ trước đó. Cụ thể sự thay đổi của những chính sách vĩ mô lớn trên thế giới như Fed hạ 0,5 điểm lãi suất và Trung Quốc thực hiện các chính sách hỗ trợ kinh tế mạnh mẽ, thị trường đã có nhiều sự hồi phục tích cực hơn.
Theo chuyên gia VinaCapital, chỉ 1 tháng trước, các nhà điều hành chính sách tại Việt Nam vẫn còn lo lắng bởi vấn đề căng thẳng tỷ giá, nhưng vào cuối tháng 9, sau khi Fed quyết định chính sách hạ lãi suất, mọi thứ đã trở nên dễ thở hơn bao giờ hết, tạo ra nhiều dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian tới. Ở thời điểm hiện tại, các chỉ số của kinh tế Mỹ và Việt Nam đều đang ở mức tăng trưởng và hồi phục tốt.
Bên cạnh đó, vào đầu tháng 9, Chính phủ tái khẳng định mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 7%, tập trung vào các chính sách tài khóa tiền tệ và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Bất chấp những tác động của bão Yagi, Việt Nam cũng được các định chế tài chính, gần nhất là ADB, giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP trong năm nay.
Với những động lực trên, thị trường chứng khoán nói chung, bao gồm lợi nhuận của các công ty quản lý quỹ cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng. Đồng thời, có đủ điều kiện cần để hứa hẹn sẽ tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng vượt trội trong thời gian tới.
Đáng chú ý, mặc dù việc thử thách của VN-Index ở ngưỡng 1.300 hiện nay đang làm nhiều nhà đầu tư sốt ruột, song tín hiệu của thị trường với thanh khoản tiếp tục duy trì tỷ đô/ phiên, minh chứng nhà đầu tư đang đặc biệt quan tâm chờ đón các cơ hội.
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm gần 160.000 tài khoản trong tháng 9/2024, giảm mạnh so với tháng trước. Số lượng tài khoản tăng thêm chủ yếu đến từ cá nhân trong khi tổ chức chỉ có thêm 90 tài khoản.
Luỹ kế từ đầu năm, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng 1,57 triệu tài khoản. Tính đến cuối tháng 9, nhà đầu tư cá nhân có tổng cộng hơn 8,8 triệu tài khoản, tương đương gần 9% dân số. Như vậy, chứng khoán Việt Nam đang đến rất gần mục tiêu đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030.
Chứng khoán Agriseco nhận định, các yếu tố tác động đến thị trường như chính sách tiền tệ, hỗ trợ các doanh nghiệp đang được triển khai và thẩm thấu vào nền kinh tế. KQKD quý III/2024 của các doanh nghiệp cũng dần được hé lộ. Thông tư số 68/2024/TT-BTC, được xem như một bước tiến gần hơn để thị trường chứng khoán Việt Nam đáp ứng các yêu cầu nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russell.
Nhà đầu tư có thể xem xét để tích lũy cổ phiếu, đặc biệt với những cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tốt, định giá đang ở vùng hợp lý để giải ngân.
Một chuyên gia cũng lưu ý khi bối cảnh với các yếu tố tích cực lẫn rủi ro vẫn tiềm ẩn đan xen, kết quả của quỹ mở cho thấy đây là kênh đầu tư tiềm năng dành cho các nhà đầu tư không chuyên khi vẫn duy trì được hiệu suất tốt giữa những diễn biến phức tạp của thị trường.
Đồng thời, quỹ mở có thể giúp những nhà đầu tư gặp hạn chế về những yếu tố về tâm lý, kiến thức, kỹ năng, nguồn vốn và các quy định pháp lý về điều kiện tham gia thị trường vẫn còn biến động, luôn đầy cạnh tranh.