Điều khoản quyền về lao động là một trong những điểm nhấn nhằm đảm bảo phát triển kinh tế bền vững trong CPTPP…
CPTTP cùng với EU-Việt Nam FTA, được gọi là những FTA thế hệ mới, với đặc điểm là nhấn mạnh nhiều đến quyền lao động, cũng như bảo vệ tính bền vững của môi trường.
Các FTA thế hệ mới yêu cầu tất cả các nước tham gia phải thông qua và duy trì các quyền được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của ILO trong pháp luật, thể chế và thông lệ của họ. Bên cạnh ý nghĩa về thương mại, tôi muốn nhấn mạnh rằng Việt Nam nên sử dụng điều này như một cơ hội để hiện đại hoá pháp luật lao động và hệ thống quan hệ lao động trong khung thời gian đã định.
Trên thực tế, Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể về khuôn khổ pháp luật lao động trong quá trình tiến tới nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa kể từ thời kỳ Đổi mới. Trong những năm gần đây, diện bao phủ của sự bảo vệ về pháp luật đã được mở rộng dần đến người lao động trong nền kinh tế phi chính thức. Đồng thời, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu đã trở thành một quá trình ba bên với sự tham gia của đại diện của Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động, thông qua Hội đồng Tiền lương Quốc gia.
Tuy nhiên, vẫn còn đó một số điểm yếu trong pháp luật lao động và các thể chế liên quan đến quan hệ lao động. Đã có hơn 6.000 cuộc đình công kể từ giữa những năm 1990 và tất cả đều là đình công tự phát, không do công đoàn khởi xướng. Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy người lao động không cảm thấy quyền lợi và mối quan tâm của họ được giải quyết và quy trình xử lý vấn đề không hiệu quả. Tại Việt Nam, không hiếm trường hợp lãnh đạo công đoàn cơ sở lại là quản lý cấp cao của doanh nghiệp, điều không thể chấp nhận được tại hầu hết tất cả các quốc gia trên thế giới ngày nay. Quyền công đoàn là quyền của người lao động, và công đoàn là tổ chức của người lao động, không bị giới sử dụng lao động can thiệp.
Việc sửa đổi Bộ Luật Lao động và đổi mới hệ thống quan hệ lao động phù hợp với Tuyên bố 1998 của ILO và bối cảnh của Việt Nam chắc chắn sẽ giúp ích cho vấn đề này.
Ngoài ra, Việt Nam cần tiến tới phê chuẩn ba công ước cơ bản còn lại - Công ước số 87 về tự do liên kết, Công ước số 98 về quyền thương lượng tập thể và Công ước số 105 về xoá bỏ lao động cưỡng bức. Việt Nam đã cam kết thực hiện điều này thông qua chương phát triển bền vững của EU-Việt Nam FTA.