RCEP và cơ hội cho Việt Nam

ĐỖ HUYỀN 01/09/2020 04:50

Dự kiến ký kết vào tháng 11 năm nay, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng được xem như là hiệp định thương mại ưu tiên trong chiến lược hội nhập của Việt Nam.

Theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, RCEP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, vì “bao trùm” một thị trường khổng lồ với gần 40% dân số và GDP toàn cầu. Do đó, RCEP được kỳ vọng mang lại cục diện mới cho thương mại khu vực và thế giới.

Cơ hội lớn từ thị trường khổng lồ

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết ASEAN đã thống nhất định hướng ưu tiên cho việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP) vào cuối năm 2020. Đồng thời, có những trao đổi sơ bộ để rà soát, tăng cường hợp tác kinh tế với các đối tác khác như Canada, Úc, New Zealand, Anh.

"Với Việt Nam, Hiệp định RCEP được ký kết và thực thi sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Khi RCEP được ký kết và có hiệu lực, dự kiến sẽ tạo ra một thị trường khổng lồ ổn định thuận lợi cho 16 nước tham gia. Hiệp định trên sẽ tạo sự thúc đẩy mạnh mẽ cho chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, giúp kinh tế Việt Nam và các nước trong khối ASEAN phát triển nhanh hơn.

Ông Võ Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty CP An Phú Thịnh (H.Long Thành) cho hay: “Hơn 60% sản phẩm của công ty làm ra được xuất khẩu vào Nhật Bản, ASEAN và các nước EU. Chúng tôi rất mong RCEP sớm ký kết để được giảm thuế, thủ tục hải quan đơn giản hơn và doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc mở rộng được thị trường tiêu thụ ở những nước cùng tham gia hiệp định”.

Với các nước thành viên trong RCEP, Việt Nam đã có một số ký kết riêng trong từng nước như: Hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản, Hàn Quốc... Thế nhưng, RCEP vẫn sẽ giúp nâng cao, mở rộng thương mại hơn nữa với các nền kinh tế lớn trên thế giới.

ágg

Đồ họa thể hiện số lượng thành viên và quy mô dự kiến của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân/Báo Đồng Nai)

Trong bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 thì việc Việt Nam ký kết 2 hiệp định quan trọng là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (đã ký) và RCEP (chuẩn bị ký) trong năm 2020 sẽ có tác động tích cực trong hồi phục và phát triển kinh tế của cả nước. Đồng thời, tạo ra một cấu trúc thương mại mới trong khu vực và thúc đẩy toàn cầu theo hướng tự do hóa một cách bền vững.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh RCEP được ký kết và đi vào thực thi, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tiếp cận thị trường tiêu thụ lớn, có quy mô GDP gấp đôi hiệp định CPTPP, mà còn tiếp cận được nguồn nguyên liệu, phục vụ chuỗi sản xuất các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu hiện nay.

Đơn cử, Việt Nam có thể nhập khẩu chip điện tử từ Nhật Bản, Hàn Quốc; nhập nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc, sau đó sản xuất trong nước và xuất đi nước khác, đồng thời thỏa mãn quy tắc xuất xứ nội khối để tận dụng được ưu đãi thuế quan.

Nhưng vẫn ngại hàng rào thuế quan

Bên cạnh những thuận lợi thì các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với các khó khăn khi thuế quan của nhiều mặt hàng giảm về 0%, hàng trong nước sẽ bị cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu. Như vậy, những doanh nghiệp sản xuất chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa có thể bị cạnh tranh khốc liệt hơn trong sản xuất và giữ thị phần.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, RCEP cũng như nhiều hiệp định thương mại tự do khác sẽ mở ra cơ hội lẫn thách thức và doanh nghiệp buộc phải vượt qua trong quá trình tham gia hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu.

Hơn thế nữa, Hiệp định RCEP có thể mang đến cơ hội tiếp cận quy mô thị trường lớn hơn nhưng có khả năng tạo ra hiệu ứng bất lợi cho xuất khẩu của ASEAN.

Theo đó, một trong những công cụ chính sách thương mại quan trọng của hiệp định này là loại bỏ thuế quan đối với hàng nhập khẩu giữa các thành viên. Bởi thông thường, việc loại bỏ thuế quan dự kiến sẽ tăng xuất khẩu nhưng trong bối cảnh ASEAN, việc loại bỏ thuế quan theo RCEP sẽ khiến các nhà xuất khẩu trong ASEAN có thể phải đối mặt với nhu cầu thấp hơn đối với hàng hóa tại các thị trường mà các đối tác đối thoại dành ưu đãi theo FTA ASEAN + 1.

Dự kiến được ký vào cuối năm 2020, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) là hiệp định khu vực nhằm tự do hóa thương mại đầu tư và tăng cường hợp tác kinh tế tại các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.

Do vậy, các chuyên gia cho rằng cần giải quyết các vấn đề như hàng rào phi thuế quan, quyền sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và kích thích sự đổi mới của các doanh nghiệp ASEAN; trong đó có Việt Nam để mở rộng thị trường và thúc đẩy xuất khẩu phát triển.

Có thể bạn quan tâm

  • CPTPP và RCEP có "vá" được thương chiến Mỹ-Trung?

    12:00, 01/07/2020

  • RCEP là cứu cánh của ASEAN thời kỳ hậu COVID-19

    17:12, 26/06/2020

  • RCEP cần có sự tham gia của Ấn Độ

    21:22, 18/06/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
RCEP và cơ hội cho Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO