Nghị định số 08/2023 ra đời được đánh giá phần nào gỡ rối cho các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quy định hoán đổi trái phiếu trong nghị định này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro…
>>Nghị định 08/2023: Động lực khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Theo đó, ngày 5/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Nhiều rủi ro tiềm ẩn
Trao đổi với DĐDN xung quanh câu chuyện này, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt cho biết, Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã tạo cơ sở cơ bản đảm bảo việc thực hiện đàm phán đổi trái phiếu lấy tài sản khác một cách rõ ràng và nhất quán hơn, giảm thiểu rủi ro tranh chấp sau này. Thay vì ép người sở hữu trái phiếu, thì nay doanh nghiệp phải đàm phán, thỏa thuận và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán.
Vị luật sư cũng cho biết, quy định này nhằm giúp bảo vệ các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân vốn yếu thế về sức mạnh đàm phán, cũng như không có nhiều kiến thức về tài sản, sự am hiểu thị trường. Tuy nhiên, việc đổi trái phiếu lấy tài sản khác cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư.
Chẳng hạn như nếu chấp nhận hoán đổi trái phiếu lấy cổ phiếu của doanh nghiệp phát hành đồng nghĩa việc trái chủ sẽ chuyển vai trò từ chủ nợ sang sở hữu công ty. Trái chủ lúc này cùng chung vai góp sức cùng công ty để vượt qua khó khăn theo hướng lợi ích cùng hưởng, rủi ro chia sẻ.
Theo luật sư Luân, việc hoán đổi này có thể sẽ tạo ra khối lượng cổ phiếu rất lớn, gây pha loãng giá trị doanh nghiệp. Ngoài ra, giá cổ phiếu hoàn toàn có thể đi xuống nếu công ty không cải thiện được năng lực kinh doanh… Lúc đó, trái chủ chấp nhận chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu có thể nhìn thấy khoản tiền mua trái phiếu trước đó bị giảm, chưa kể không bán được cổ phiếu để thu tiền về.
“Việc hoán đổi trái phiếu lấy bất động sản, nhà đầu tư cũng có thể gặp phải những rủi ro về mặt pháp lý và thanh khoản. Cụ thể như rủi ro đồng sở hữu bất động sản với các nhà đầu tư khác hoặc phải bỏ thêm tiền chênh lệch để sở hữu riêng do số tiền đầu tư nhỏ. Hay nguy cơ doanh nghiệp phát hành đẩy giá bất động sản lên cao để cấn trừ nợ…”, luật sư Luân nói.
>>Giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị định 08 về trái phiếu doanh nghiệp
4 vấn đề cần lưu ý
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho rằng, để tránh rủi ro khi thực hiện quy định thoả thuận thanh toán nợ trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác nhà đầu tư cần lưu ý một số 4 vấn đề, cụ thể:
Thứ nhất, Nghị định 08 chỉ cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu và chủ sở hữu trái phiếu “có thể đàm phán” để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác. Do đó, trong quá trình đàm phán cần đảm bảo được địa vị ngang bằng giữa nhà đầu tư với doanh nghiệp phát hành. Bởi dù pháp luật cho phép chủ nợ và người nợ được quyền thoả thuận các nghĩa vụ trả nợ, không đồng nghĩa doanh nghiệp phát hành có thể ép trái chủ theo phương thức hoán đổi trái phiếu lấy tài sản khác.
Thứ hai, nhà đầu tư cần lựa chọn các doanh nghiệp lớn có uy tín, năng lực. Bởi trong trường hợp nhà đầu tư chấp nhận hoán đổi trái phiếu lấy cổ phiếu, cổ phần của doanh nghiệp phát hành, doanh nghiệp không đủ uy tín, năng lực cũng như tiềm năng phát triển… nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi cổ phiếu mất giá, thậm chí nhà đầu tư có thể mất vốn nếu doanh nghiệp phá sản.
Thứ ba, cần đặc biệt lưu ý về tính pháp lý của tài sản được sử dụng để thanh toán trái phiếu. Theo đó, những tài sản này phải đảm bảo các tiêu chí như: có nguồn gốc hình thành hợp pháp; là tài sản mà doanh nghiệp phát hành trái phiếu có toàn quyền sở hữu hoặc được quyền định đoạt việc chuyển quyền sở hữu sang cho người sở hữu trái phiếu một cách hợp pháp; tài sản đang không bị tranh chấp hoặc là tài sản bảo đảm nghĩa vụ của bất kỳ bên thứ ba…
Chẳng hạn như đối với tài sản sử dụng để thanh toán là bất động, nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ tình trạng pháp lý của dự án bất động sản, bởi hiện nay có không ít dự án vẫn chưa đủ tính pháp lý, chưa có hợp đồng mua bán nhà ràng buộc quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên, được “hợp thức hóa” bằng hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư… nếu có tranh chấp trong tương lai, rủi ro nhà đầu tư có thể “mất trắng” khi các hình thức hợp đồng này vô hiệu.
Thứ tư, vấn đề định giá tài sản cũng cần đặc biệt lưu ý bởi nếu tài sản được định giá quá cao so với giá thị trường sẽ gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. Do đó cần phải có một tổ chức định giá độc lập đủ uy tín, đảm bảo giá tài sản được sử dụng để thanh toán phải sát với giá thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Nghị định 08/2023: Giải pháp tình thế "gỡ rối" cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
03:30, 10/03/2023
Nghị định 08/2023: Động lực khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp
03:20, 09/03/2023
Giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị định 08 về trái phiếu doanh nghiệp
18:20, 10/03/2023
Nghị định 08/2023 về trái phiếu: Giải pháp tình thế
03:00, 08/03/2023
MSVN: Nghị định 08 - cánh cửa hẹp đã hé mở nhưng vẫn chưa đủ
11:03, 06/03/2023