VCCI đã trở thành đơn vị chủ trì Cuộc thi Cúp Khởi nghiệp Toàn cầu (Entrepreneurship World Cup - EWC) cấp quốc gia tại Việt Nam từ năm 2019.
Hằng năm, Mạng lưới Khởi nghiệp Toàn cầu (Global Entrepreneurship Network - GEN) đều đề xuất ký MOU với VCCI. Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với một số đơn vị trong VCCI tổ chức cuộc thi.
Lần đầu tiên đề cử
Năm 2019 là năm đầu tiên VCCI giới thiệu dự án tham dự EWC. Dự án đạt giải Nhất của Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2018 là iNut Platform - hệ sinh thái kết nối vạn vật IoT–đại diện cho Việt Nam đã vinh dự lọt top 100 trên tổng số 187 nước với khoảng 103.000 đội thi chính thức tham gia vòng Chung kết Cup Khởi nghiệp Toàn cầu. Cuộc thi diễn ra từ ngày 12- 14/11/2019, tạithủ đô Riyadh, Ả Rập Xê Út.
Với vinh dự được đại diện Việt Nam tham dự EWC 2019, Đoàn Vinh Phú – Nhà sáng lập (Founder) của Dự án iNut có cảm giác phấn khích và xen lẫn sự lo lắng khi bước chân đến một đấu trường mới, to lớn và đẳng cấp. Cơ hội được tiếp xúc, gặp gỡ và học hỏi từ các dự án khởi nghiệp tại 100 nước khác nhau trên thế giới quả thật là một trải nghiệm đáng nhớ.
“Em được tiếp xúc tất cả tác giả các dự án đến từ nhiều quốc gia hùng mạnh về khoa học công nghệ như Trung Quốc, Mỹ, Canada, … và cũng gặp không ít dự án khởi nghiệp đến từ các quốc gia đang phát triển như Ecuador, Ghana, Malaysia, Haiti, … Các dự án đều thực sự có tiềm năng và mang lại giá trị thiết thực cho cộng đồng và xã hội. Điều đó khiến cho em cảm thấy tự hào khi dự án iNut của Việt Nam cũng được đánh giá cao, lọt top 100 chung cuộc”, Đoàn Vinh Phú chia sẻ.
Ở góc độ của người đã tham dự cuộc thi, Đoàn Vinh Phú đã đưa ra lời khuyên các dự án giải quyết tròn trịa ở 4 khía cạnh.
Thứ nhất –sản phẩm/dịch vụ phải thực sự có giá trị cho tệp khách hàng mục tiêu hướng đến.
Thứ hai, độ lớn về nhu cầu của thị trường. Lợi thế cạnh tranh thực sự khác biệt với đối thủ khác để đảm bảo việc chiếm được thị phần.
Thứ ba là khả năng phát triển kinh doanh để mang về lợi nhuận thực tế cho doanh nghiệp thể hiện ở sự tăng trưởng (scalability), cơ chế growth hacking hoặc dòng doanh thu liên tục (recurring revenues model).
Thứ tư, team/nhóm cần tập hợp được những người có chuyên môn thật tốt từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ có thể là thành viên hoặc cố vấn, làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia hoặc đã trải nghiệm giải quyết các vấn đề tương tự trong quá khứ.
Đã từng làm giám khảo EWC Việt Nam qua 2 mùa (năm 2020 và 2022), ông Trần Trí Dũng, Quản lý Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sĩ (Swiss EP) cho rằng, thách thức với các nhà sáng lập Việt Nam là hiểu biết hạn chế về nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng tại các thị trường bên ngoài Việt Nam. Các doanh nhân có nhiều trải nghiệm kinh doanh quốc tế trong vai trò cố vấn đồng hành (mentor) sẽ giúp ích rất nhiều. Thêm vào đó, các chương trình trao đổi tạo cơ hội trải nghiệm và tiếp cận thông tin thị trường quốc tế cũng giúp các nhà sáng lập thêm tự tin khi bước ra sân chơi lớn.
Có thể bạn quan tâm