Đối phó với thực trạng lao động già hóa và thiếu kỹ năng mới cho nền kinh tế xanh và kinh tế số, các công ty Đức đã có một sáng kiến nhằm giải quyết vấn đề này.
Hàng trăm triệu lao động trên thế giới đang đứng trước nguy cơ mất việc hoặc khó tìm được việc làm trước tốc độ chuyển đổi số và xanh hóa của các nền kinh tế. Giải quyết thực trạng này, nước Đức có một sáng kiến đáng chú ý.
>>Hàng không châu Âu gây tranh cãi về vấn đề “tẩy xanh”
Tại một nhà máy của hãng phụ tùng xe hơi Continental đặt tại Gifhorn (Đức), công nhân Emrullah Karaca và 800 người khác sẽ mất việc khi cơ sở này buộc phải đóng cửa vào năm 2027. Nhưng với tay nghề hiện tại của mình, họ được cho sẽ không thể tìm được việc làm mới – nơi các công ty yêu cầu các bằng cấp và kỹ năng phù hợp hơn với xu thế chuyển đổi kép.
May thay, họ có một lựa chọn từ chính công ty đang chuẩn bị sa thải mình: tham gia các lớp đào tạo để nâng cao tay nghề nhằm tìm việc mới dễ dàng hơn.
Sau hơn hai thập kỷ làm việc tại nhà máy, ông Karaca, một người đàn ông 49 tuổi với ba đứa con, sẽ quay trở lại trường để lấy chứng chỉ nghề. Ông và 80 người khác sẽ theo một chương trình đào tạo do chính tập đoàn Continental tổ chức để chuẩn bị cho một tương lai khi ông không còn làm việc cho họ.
Nhu cầu sụt giảm, chi phí năng lượng tăng cũng như ứng dụng tự động hóa ngày càng phổ biến khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp Đức cắt giảm quy mô hoạt động. Điều trớ trêu là trong khi phải chứng kiến hàng nghìn đợt cắt giảm việc làm trong lĩnh vực ô tô và kỹ thuật, Đức vấn thiếu nhân lực cho hơn 700.000 vị trí trên tất cả các ngành. Những người thất nghiệp thiếu đi những bằng cấp và kỹ năng mới mà các công ty ngày càng ưu tiên.
Năm 2021, Continental và 70 công ty khác của Đức - bao gồm Bayer, DHL, Infineon và Siemens — đã thành lập Liên minh vì Cơ hội, một sáng kiến nhằm giúp họ giữ cho 2,7 triệu người trong lực lượng lao động của mình không bị mất việc trước yêu cầu chuyển đổi để đáp ứng các mục tiêu phát thải carbon thấp cũng như số hóa.
Hoạt động đào tạo là một phần trong sáng kiến của một loạt công ty và chính phủ Đức nhằm giúp nhân viên có được những kỹ năng cần thiết cho công việc mới giữa bối cảnh lực lượng lao động già hóa và dần tụt hậu so với yêu cầu mới.
>>Ngành robot tăng tốc nhờ AI, việc làm của nhiều người bị đe dọa
Trung tâm đào tạo của Continental, được thành lập vào năm 2019, sẽ làm việc với các nhân viên như ông Karaca để xác định xem khóa đào tạo hoặc khóa học nào phù hợp với họ, mục đích là đào tạo để họ có những bằng cấp và chứng chỉ nghề mới.
Trước khi bắt đầu công việc mới, công nhân tại Continental sẽ có cơ hội nâng cao kỹ năng của mình thông qua trung tâm đào tạo nội bộ của công ty, một trong 14 trung tâm được duy trì tại các nhà máy trên cả nước. Cho đến nay, công nhân ở độ tuổi từ 28 đến 60 đã đăng ký để lấy bằng cấp để trở thành thợ điện công nghiệp, chuyên gia hậu cần kho hàng hoặc vận hành máy móc và nhà máy.
Các khóa học được tổ chức trong giờ làm việc và sắp xếp phù hợp với ca làm việc của học viên. Người lao động tiếp tục nhận được tiền lương khi tham gia các lớp học, được rút ngắn thành vài tháng, thay vì ba năm như tiêu chuẩn.
Đức nổi tiếng về các chương trình đào tạo nghề, được cung cấp thông qua hệ thống song song kết hợp các môn học ở trường với kinh nghiệm làm việc thực tế. Khoảng 330 ngành nghề yêu cầu chứng chỉ nghề và bất kỳ ai không có chứng chỉ này gần như sẽ không thể xin việc, bất kể kinh nghiệm của họ đến đâu.
Các khóa đào tạo như của Continental và các thành viên liên minh khác cũng nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ cầm quyền hay chính quyền khu vực. Bất chấp việc cắt giảm trong nhiều lĩnh vực vào năm ngoái, chính phủ đã dành hơn 3 tỷ euro để các công ty cung cấp các chương trình đào tạo và khóa học cấp chứng chỉ cho những nhân viên đang đối mặt với tình trạng mất việc.
Ngoài việc đào tạo nội bộ, Continental còn tiến thêm một bước nữa để giúp đỡ nhân viên ở Gifhorn, đó là liên hệ với các công ty khác trong khu vực đang tìm kiếm công nhân và đề nghị đào tạo những nhân viên sắp bị sa thải của mình phù hợp với các vị trí tiềm năng mới.
Stiebel Eltron, một nhà sản xuất máy bơm nhiệt đang cần hàng trăm công nhân mới trong quá trình mở rộng, đã nhận được đề nghị này. Công ty đã ký một thỏa thuận với Continental vào năm 2023, trong đó sẽ đầu tư 65 triệu euro để tiếp quản các bộ phận của nhà máy hiện có và thuê hơn 1/3 số nhân viên ở Gifhorn. Gần đây, Continental cũng thông báo tập đoàn sản xuất vũ khí Rheinmetall đã đồng ý tuyển dụng 100 công nhân của mình cho một nhà máy cách đó không xa.
Sáng kiến hữu ích trên đã mở ra một triển vọng mới cho lực lượng lao động từng bị cho đã lạc hậu này, nhưng qua đó cũng hé lộ một thách thức lớn cho các nền kinh tế trong việc cải thiện năng suất lao động khi theo đuổi các mục tiêu bền vững hơn.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều doanh nghiệp châu Âu “khó thở” tại Trung Quốc
03:30, 11/05/2024
Quốc gia nào đang dẫn đầu tăng trưởng ở châu Âu?
03:00, 03/05/2024
Doanh nghiệp châu Âu đánh giá ra sao về thị trường Việt Nam?
03:30, 09/04/2024
Thêm một "gã công nghệ" châu Âu "quay lưng" với Trung Quốc
04:00, 07/03/2024
Châu Âu hoãn sáng kiến nguồn nước, tác động thế nào tới nhập khẩu?
04:00, 20/02/2024