Để hiện thực hóa cam kết trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân đề xuất bố trí các Tòa chuyên trách về Phá sản, Sở hữu trí tuệ tại một số khu vực.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 08/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Lê Minh Trí cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, Đảng ủy Tòa án nhân dân (TAND) tối cao đã xây dựng Đề án số 04-ĐA/ĐU ngày 28/3/2025 về tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới (Đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy) và đề án đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết luận thông qua.
Trong đó nội dung cơ bản là không tổ chức cấp trung gian (kết thúc hoạt động của 03 TAND cấp cao), không tổ chức TAND cấp huyện mà thay thế bằng mô hình TAND khu vực, tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử gồm 03 cấp: TAND tối cao, cấp tỉnh, cấp khu vực; điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp Tòa án, số lượng Thẩm phán TAND tối cao.
Trên cơ sở đó, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các TAND, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao và các quy định có liên quan…
Theo Chánh án TAND tối cao, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức hệ thống Tòa án theo hướng kết thúc hoạt động của TAND cấp cao và TAND cấp huyện; thành lập TAND khu vực; chuyển các TAND sơ thẩm chuyên biệt thành các Tòa chuyên trách trong TAND khu vực. Theo đó, mô hình tổ chức hệ thống Tòa án gồm: TAND tối cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TAND khu vực (sửa đổi Điều 4 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024).
Trong đó, về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các TAND, TAND khu vực, Chánh án Lê Minh Trí cũng cho biết, Dự án Luật (sửa đổi) sẽ cơ cấu lại các TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thành TAND khu vực; Sửa đổi, bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức của TAND khu vực, trong đó quy định tại các TAND khu vực có các Tòa chuyên trách gồm: Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Hành chính, Tòa Kinh tế, Tòa Gia đình và người chưa thành niên;
Bổ sung quy định tại một số TAND khu vực có Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các Tòa chuyên trách này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. TAND tối cao dự kiến tổ chức 03 Tòa Phá sản tại 03 TAND khu vực ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh; tổ chức 02 Tòa Sở hữu trí tuệ tại 02 TAND khu vực ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
“Việc bố trí các Tòa chuyên trách về Phá sản, Sở hữu trí tuệ tại một số TAND khu vực ở các tỉnh, thành phố lớn là trung tâm kinh tế, tài chính của đất nước là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc này; đồng thời, để hiện thực hóa cam kết và khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc thực thi nghiêm túc quyền sở hữu trí tuệ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài của nước ta với cộng đồng quốc tế. Việc quy định các Tòa chuyên trách về Phá sản, Sở hữu trí tuệ nêu trên không làm phát sinh đầu mối, không làm tăng biên chế và trụ sở làm việc”, Chánh án TAND tối cao - Lê Minh Trí chia sẻ.
Báo cáo thẩm tra Dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội - Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức tòa án nhân dân với các lý do nêu tại Tờ trình của TAND tối cao. Nội dung của Dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất với hệ thống pháp luật.
Phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào các quy định có liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn của TAND theo mô hình tổ chức 03 cấp. Hồ sơ dự án Luật đầy đủ, đúng quy định, bảo đảm chất lượng, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đặc biệt, liên quan đến về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các TAND, TAND khu vực, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng cho biết, Ủy ban cơ bản thống nhất với đề xuất của Cơ quan trình về việc thành lập Tòa Kinh tế tại TAND khu vực; Tòa Sở hữu trí tuệ, Tòa Phá sản tại một số TAND khu vực ở các tỉnh, thành phố lớn là trung tâm kinh tế, tài chính của đất nước nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế, do tranh chấp về kinh doanh, thương mại, sở hữu trí tuệ và giải quyết phá sản ngày càng phổ biến và đều là loại việc khó, có tính chất phức tạp, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, Thẩm phán phải có kiến thức chuyên sâu.
“Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị làm rõ tiêu chí, điều kiện thành lập Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ tại một số TAND khu vực; có ý kiến tán thành nhưng băn khoăn về việc đáp ứng nguồn nhân lực có trình độ cao, chuyên sâu bố trí tại các Tòa chuyên trách này”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp chia sẻ.