Nghiên cứu - Trao đổi

Sửa Luật Phá sản: Gỡ điểm nghẽn trong giải quyết các vụ việc phá sản

Gia Nguyễn 30/03/2025 04:00

Trước những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành, Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) được xây dựng nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trong giải quyết vụ việc phá sản…

Theo đó, sau nhiều năm thi hành, Luật Phá sản năm 2014 đã cho thấy nhiều điểm nghẽn trong giải quyết vụ việc phá sản, nhu cầu giải quyết phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã không ít, nhưng kết quả giải quyết chưa nhiều, thời gian giải quyết một vụ việc phá sản kéo dài... để giải quyết những tồn tại, bất cập trong thực tiễn, Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng Luật Phá sản (sửa đổi).

sua-luat-pha-san-29.3.2.jpg
Sau nhiều năm thi hành, Luật Phá sản năm 2014 đã cho thấy nhiều điểm nghẽn trong giải quyết vụ việc phá sản - Ảnh minh họa: ITN

Dự thảo Luật (sửa đổi) được xây dựng nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định còn vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; tháo gỡ những điểm nghẽn trong giải quyết vụ việc phá sản; tạo hành lang pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp, hợp tác xã phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; tuyên bố phá sản và thanh lý kịp thời những doanh nghiệp, hợp tác xã không còn khả năng phục hồi.

Việc sửa đổi luật cũng hướng đến khơi thông nguồn lực, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển nền kinh tế lành mạnh; góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia thủ tục, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, đóng góp vào việc đưa đất nước vững bước tiến vào “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao – Nguyễn Văn Tiến, lần sửa đổi này đã bổ sung khái niệm “doanh nghiệp có nguy cơ mất khả năng thanh toán”; sửa đổi khái niệm “doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán”.

Với thủ tục phá sản, Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung, trong đó có bổ sung chủ thể có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Các tổ chức tín dụng và khắc phục vướng mắc từ thực tiễn…

sua-luat-pha-san-29.3.1.jpg
Nhiều ý kiến cho rằng, việc giải quyết được các điểm nghẽn trong thực thi sẽ góp phần khơi thông nguồn lực, hỗ trợ sản xuất kinh doanh - Ảnh minh họa: ITN

Tán thành với quan điểm của cơ quan soạn thảo, nhiều ý kiến cho rằng, sửa đổi toàn diện Luật Phá sản hiện hành để tháo gỡ những điểm nghẽn trong giải quyết vụ việc phá sản, góp phần khơi thông nguồn lực, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.

Theo đại biểu Phan Đức Hiếu - Ủy viên hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính, trên thế giới, người ta coi phá sản là một hoạt động bình thường của quá trình kinh doanh, thậm chí hiểu phá sản theo nghĩa phục hồi là chính, chấm dứt cái này để chuyển sang cái kia; tuy nhiên trong văn hoá Việt Nam, phá sản vẫn bị coi là xấu, là thất bại.

Đồng tình phải bổ sung chế định về phục hồi doanh nghiệp khi sửa đổi Luật Phá sản lần này. Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, Dự án Luật Phục hồi, phá sản (theo đề xuất của cơ quan soạn thảo) cần phải làm rõ đây là hai công đoạn tách bạch hay phục hồi là một công đoạn liền mạch để đi đến phá sản.

Nghiêng về phương án coi phục hồi là một công đoạn của phá sản, theo đại biểu Phan Đức Hiếu, cần thiết kế Luật theo hướng nếu phục hồi không thành công thì phải “kích hoạt” quá trình phá sản.

“Trên thực tế, tồn tại rất nhiều doanh nghiệp “zombie”, “doanh nghiệp xác sống” - tức bản chất đã rơi vào phá sản từ lâu nhưng vẫn tiếp tục hoạt động lay lắt để được hưởng cơ chế, chính sách, mặt bằng... gây tổn hại đến lợi ích quốc gia”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Lê Quang Mạnh - Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kinh tế - Tài Chính của Quốc hội cũng cho hay, hiện nay nhu cầu giải quyết thủ tục phá sản rất lớn nhưng số vụ việc được giải quyết chưa nhiều, thời gian thủ tục kéo dài. Nhiều doanh nghiệp mất khả năng thanh toán đã lâu nhưng không giải quyết được phá sản, giống như chết nhưng không được chôn.

Theo ông Mạnh, những doanh nghiệp kiểu này gây ra 3 hậu quả: Một - doanh nghiệp đã ngừng hoạt động nhưng vì chưa được phá sản nên vẫn chiếm lấy đất đai, lao động, thậm chí chủ doanh nghiệp bỏ trốn khiến cho nguồn lực xã hội bị ách tắc lãng phí; Hai - công nợ không được giải quyết gây nên nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính; Ba - luật pháp không được thực thi làm suy yếu lòng tin trong nhân dân và nhà đầu tư.

Nguyên nhân của việc không giải quyết được phá sản, ngoài lý do thủ tục phức tạp còn do cả ba bên liên quan (doanh nghiệp phá sản, chủ nợ của doanh nghiệp, toà án) thiếu động lực để tiến hành phá sản.

Vì vậy, ông Mạnh đề nghị, cần có chế tài đủ mạnh để doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng phá sản thì buộc phải tiến hành thủ tục phá sản…

Được biết, Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) bổ sung mới 25 Điều; sửa đổi, bổ sung 58 Điều và giữ nguyên 8 Điều so với Luật Phá sản năm 2014, dự kiến Dự thảo Luật (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XV vào tháng 5/2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Phá sản: Gỡ điểm nghẽn trong giải quyết các vụ việc phá sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO