SFV Export là nơi để các doanh nghiệp Việt Nam có thể kết nối với các nhà mua hàng trong khu vực châu Âu một cách dễ dàng, đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường xuất khẩu.
>>>Gỡ "điểm nghẽn" logistics nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa xuất nhập khẩu
Kim ngạch xuất khẩu nông sản thực phẩm của Việt Nam trong những năm gần đây ghi nhận những con số tăng trưởng tích cực, đóng góp không nhỏ vào tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam; góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, từ đó nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.
Việt Nam đã trở thành nơi cung ứng quan trọng của nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu trên thế giới và càng ngày càng khẳng định được vị trí vững chắc trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Nhận diện được nguy cơ và thách thức để có những giải pháp hữu hiệu, kịp thời qua đó duy trì kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ổn định và tìm kiếm các cơ hội xâm nhập các hệ thống phân phối lớn. Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương, chủ trì và phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cùng các Cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo với chủ đề “Đưa nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài”.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, bà Nguyễn Thảo Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, với những ưu thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thuận lợi cùng ưu đãi từ 15 FTA song phương và khu vực đang thực hiện với nhiều đối tác trên thế giới, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, liên tục trong vài năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản và thực phẩm duy trì tốc độ tăng trưởng trên hai con số và đạt 53,2 tỷ USD trong năm 2022, tăng xấp xỉ 10% so với 2021. Trong đó, có nhiều nhóm hàng có kim ngạch đạt trên 2 tỷ USD là gỗ, thủy sản, cà phê, cao su, gạo, rau quả, và điều.
Theo bà Hiền, năm 2023, bất chấp nhiều khó khăn của thị trường đặc biệt là lạm phát tăng cao ở tất cả các thị trường xuất khẩu chủ lực, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam được dự báo vẫn sẽ vượt qua con số 50 tỷ USD, đóng góp rất lớn trong tổng kinh ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Về thị trường, dẫn số liệu từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNN), bà Hiền cho biết, 3 thị trường lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Trung Quốc 21%, Mỹ khoảng 20% và Nhật Bản khoảng 7%. Đây là những thị trường có thu nhập cao và giá trị nông sản của Việt Nam cũng được giá.
Tuy nhiên, song hành với những kết quả khích lệ, nông sản Việt Nam cũng phải đồng thời đối mặt với những thách thức như vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng và xu hướng thế giới hiện nay đang thay đổi rất rõ nét. Tất cả những sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên, những quy định, tiêu chuẩn về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường đã trở thành đã trở thành những xu thế tất yếu của các thị trường xuất khẩu lớn hiện nay.
“Để có thể thích nghi với những điều kiện này, chúng ta cần phải thay đổi quá trình sản xuất, thay đổi cách tiếp cận thị trường và tiếp tục phát triển, duy trì những lợi thế của những sản phẩm đặc trưng mà không phải quốc gia nào cũng có được”, bà Nguyễn Thảo Hiền chia sẻ.
Giới thiệu về sàn Thương mại điện tử cho sản phẩm trái cây và gia vị Việt Nam xuất khâu sang châu Âu, bà Hoàng Lê Trang, Điều phối Dự án tăng cường năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SFV Export) do Liên minh châu Âu tài trợ, được phối hợp triển khai với Oxfam tại Việt Nam và VCCI cho biết, dự án SFV Export do VCCI triển khai trong 2 năm 2022 – 2023.
Theo bà Trang, SFV Export là nơi để các doanh nghiệp Việt Nam có thể kết nối với các nhà mua hàng trong khu vực châu Âu một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, SFV Export còn hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường xuất khẩu có giá trị cao. SFV Export cũng là nền tảng riêng biệt giúp các nhà mua hàng tìm kiếm các đối tác sản xuất các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam một cách dễ dàng.
Bà Trang cho biết, SFV Export có lượng thông tin lớn liên quan đến Cầu nối kinh doanh; Cổng kiến thức; Hội chợ ảo và Tư liệu dự án SFV-Export. Trong đó, trang thông tin Cầu nối kinh doanh sẽ cung cấp 200+ doanh nghiệp Việt Nam, 100+ nhà mua hàng EU, 20 bản tin, Hàng trăm liên kết hữu ích.
Với trang Thông tin Cổng kiến thức bao gồm Khóa học: tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, trách nhiệm xã hội, marketing cho xuất khẩu. Cùng với đó là Tài liệu hướng dẫn EVFTA, hướng dẫn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Trong khi đó, trang Hội trợ ảo sẽ có hàng trăm gian hàng giới thiệu sản phẩm nông sản đặc sắc của Việt Nam.
“Với cấu trúc khá gọn gàng như trên, chúng tôi hy vọng rằng, SFV Export sẽ chung sức cùng với nỗ lực của các cơ quan liên quan của Bộ Công thương, Bộ NN&PTNN cùng các tổ chức quốc tế kết nối và đưa nông sản Việt Nam vào sâu hơn nữa trong chuỗi cung ứng quốc tế”, bà Hoàng Lê Trang chia sẻ.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Thuận – Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, việc trồng lúa gạo điều đầu tiên là phải đảm bảo được sự phát triển bền vững. Theo đó, Lộc Trời đã đưa ra 3 tiêu chí nhằm phát triển xanh và bền vững.
Thứ nhất, về kinh tế xã hội, đảm bảo cho người dân có thu nhập bền vững; Thứ hai là bảo vệ môi trường và Thứ ba là đảm bảo sức khỏe cho người nông dân, cũng như bảo vệ đất và nguồn nước.
Theo ông Thuận, trong 3 tiêu chí trên, sức khỏe của người nông dân là một trong những vấn đề đáng lo nhất, do ảnh hưởng bởi hóa chất, nguồn nước cũng bị ảnh hưởng bởi hóa chất và phân bón. Do đó, đây là yếu tố rất quan trọng cần được lưu ý trong sản xuất lúa gạo, đặc biệt là sản xuất quy mô lớn.
“Hàng năm Việt Nam cung cấp khoảng 6 triệu tấn gạo ra thế giới, riêng năm 2023 là khoảng 8 triệu tấn. Số lượng gạo này tương đương với lượng dùng của khoảng 60 triệu người trên thế giới đang sử dụng gạo của Việt Nam. Hiện Việt Nam đang lên kế hoạch cung cấp 10 triệu tấn gạo/năm và đảm bảo lượng gạo cho 100 triệu người trên thế giới sử dụng”, ông Thuận thông tin.
Ông Thuận cũng cho biết, đưa gạo Việt Nam vào tiêu thụ tại các siêu thị lớn trên thị trường quốc tế luôn luôn là mục tiêu của Lộc Trời. Để làm được việc này, Lộc Trời sẽ đi từng bước một. Đầu tiên là phải tổ chức sản xuất đúng với yêu cầu của thị trường quốc tế, bằng cánh, tiệp nhận những yêu cầu của nông dân và tổ chức sản xuất trên diện tích lớn.
“Tuy nhiên, hiện nay, Lộc Trời cũng đang gặp một số khó khăn về sản xuất. Để sản xuất lớn thì phải cần diện tích cánh đồng lớn và nguồn vốn lớn để đầu tư cho bà con nông dân, cũng như hỗ trợ bà con nông dân sản xuất một cách bài bản. Bên cạnh đó, là khâu tiêu thụ. Các thị trường như châu Âu, Mỹ, thời gian vận chuyển xa, đơn hàng lớn và thời gian thanh toán lâu”, ông Nguyễn Duy Thuận chia sẻ thêm.
Có thể bạn quan tâm
VietinBank tiếp sức doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng trưởng cuối năm
13:22, 28/08/2023
Thanh Hóa tăng cường kết nối doanh nghiệp với các nhà xuất nhập khẩu Hàn Quốc
08:25, 26/08/2023
Shining with UEB: Cơ hội khởi nghiệp cho sinh viên trong lĩnh vực xuất nhập khẩu
11:19, 14/08/2023
Gỡ "điểm nghẽn" logistics nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa xuất nhập khẩu
14:11, 11/08/2023
Không tăng chí phí kiểm tra an ninh xuất nhập khẩu
01:00, 08/08/2023