Nhiều cổ đông lớn đã liên tục thoái vốn khỏi Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (HoSE: EIB) khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại “sóng ngầm” tại ngân hàng này.
>>>Chuyển động mới tại Eximbank
Sau nhiều năm bất ổn nội bộ, doanh thu và lợi nhuận của EIB bứt lên được con số nghìn tỷ đồng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022.
Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng 2022 của EIB ghi nhận mức lãi trước thuế hơn 1.900 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành hơn 75% kế hoạch cả năm nay.
Lợi nhuận trước thuế của EIB tăng mạnh nhờ vào việc cơ cấu lại nguồn vốn, thu hồi được nợ xấu và đẩy mạnh nguồn thu khác ngoài tín dụng. Luỹ kế 6 tháng, thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng gần 50% so với cùng kỳ lên 2.660 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 38% lên 270 tỷ đồng, đầu tư chứng khoán lãi 133 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ lãi 30 tỷ đồng. Lãi khác thường đến từ thu hồi nợ đã xử lý đạt gần 400 tỷ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với kết quả kinh doanh tích cực, EIB sẽ phát hành 245,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 20%. Đây là lần đầu tiên EIB chia cổ tức kể từ năm 2014. Theo đó, vốn điều lệ dự kiến tăng lên mức 14.814 tỷ đồng.
EIB đã có đợt giao dịch cổ phiếu liên quan đến người nội bộ ngân hàng. Theo đó, Công ty CP Tập đoàn Thành Công đăng ký bán toàn bộ hơn 60,5 triệu cổ phiếu EIB (tỷ lệ 4,924%); Hợp Tác xã Cổ phần Thành Công cũng muốn bán sạch hơn 44,7 triệu cổ phiếu EIB (tỷ lệ 3,637%); Công ty Cổ phần Phúc Thịnh (liên quan tới Tập đoàn Thành Công cũng đăng ký bán hơn 12,2 triệu cổ phiếu EIB (tỷ lệ 1,005%). Các giao dịch này dự kiến thực hiện từ 7/10-31/10/2022 và đến nay đã hoàn tất.
Như vậy, tổng khối lượng nhóm cổ đông bán là hơn 117,6 triệu cổ phiếu, tương đương gần 9,57% tổng số cổ phần đang lưu hành, ước khoảng hơn 3.800 tỷ tính theo thị giá hiện tại của EIB.
Trước đó, nhóm cổ đông liên quan tới Công ty Âu Lạc đã bán ra lượng lớn cổ phần EIB trong nửa đầu năm 2022. Theo đó, Âu Lạc chỉ còn sở hữu 319.700 cổ phiếu EIB, trong khi còn số đầu năm là 4.309.340 cổ phiếu.
Cũng trong quý II/2022, VOF Investment Limited bán ra toàn bộ 60,9 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 4,93% vốn điều lệ.
>>>Ông Trần Tấn Lộc tiếp tục làm Tổng Giám đốc Eximbank thêm nhiệm kỳ 3 năm
116,6 triệu cổ phiếu EIB đã được giao dịch thỏa thuận, với trị giá 4.214 tỷ đồng từ đầu tháng 9 đến nay.
Tại ĐHCĐ thường niên tháng 4/2022, lãnh đạo EIB khẳng định tình trạng bất ổn nội bộ đã kết thúc. Tuy nhiên, việc các cổ đông lớn và một số cổ đông nhỏ liên tục thoái vốn khỏi EIB cũng các giao dịch thỏa thuận khủng, cho thấy “cuộc chiến” cổ đông ở EIB có thể vẫn chưa dừng lại.
Từ đầu tháng 9 đến nay, cổ phiếu EIB ghi nhận khối lượng giao dịch thỏa thuận khủng. Riêng phiên 30/09, thị trường ghi nhận hơn 64 triệu cổ phiếu EIB được sang tay với giá trị hơn 2.498 tỷ đồng, tương đương giá trị giao dịch 38.932 đồng/cp. Trước đó trong các phiên từ ngày 23 – 29/09 cũng ghi nhận từ 3-4 triệu cổ phiếu EIB giao dịch thỏa thuận với giá 34.000 – 35.000 đồng/cp.
Tính chung từ đầu tháng 9 đến nay, đã có gần 116.6 triệu cổ phiếu EIB được giao dịch thỏa thuận với tổng giá trị hơn 4.214 tỷ đồng, chưa tính khoản giao dịch của nhóm cổ đông Tập đoàn Thành Công.
Trước đó, hồi cuối tháng 3, thị trường cũng ghi nhận giao dịch thoả thuận khủng với 25 triệu cổ phiếu EIB được sang tay ở mức giá 40.000 đồng/cp, trị giá 1.000 tỷ đồng. Tổng cộng, trong tháng 3/2022 có khoảng hơn 48 triệu cổ phiếu EIB được mua bán thỏa thuận, chiếm 3.9% vốn điều lệ của Eximbank.
Có thể bạn quan tâm