Startup Thái Lan phát triển vaccine COVID-19 từ cây thuốc lá

Theo vneconomy 20/01/2022 05:16

Vaccine làm từ lá cây của startup Thái Lan Baiya đã hoàn thành thử nghiệm giai đoạn một trên người vào tháng 12/2021...

Một cơ sở nghiên cứu của Baiya - Ảnh: Baiya

Một cơ sở nghiên cứu của Baiya - Ảnh: Baiya

Startup dược phẩm Baiya Phytopharm của Thái Lan mới đây cho biết đang triển khai phát triển loại vaccine ngừa Covid-19 làm từ lá cây đầu tiên tại nước này.

Baiyam, do hai tiến sĩ Suthira Taychakhoonavudh và Waranyoo Phoolcharoen thành lập vào năm 2018, đang phát triển một loại vaccine sử dụng lá của cây thuốc lá Australia.

Chia sẻ với CNBC, Suthira, 37 tuổi, hiện là giáo sư Đại học Chulalongkorn, cho biết bà và nhóm nhà khoa học của mình muốn “tạo ra sự khác biệt” với việc thay đổi Thái Lan từ một nước nhập khẩu thành một nước sản xuất vaccine.

Baiya là công ty Thái Lan đầu tiên được tham gia Trung tâm sáng tạo đổi mới CU của Đại học Chulalongkorn – một trung tâm nghiên cứu dành cho các startup. Hiện công ty này đang phát triển công nghệ sản xuất protein tái tổ hợp để sản xuất các loại thuốc và vaccine.

Suthira Taychakhoonavudh (trái) và Waranyoo Phoolcharoen - hai nhà đồng sáng lập của Baiya Phytopharm - Ảnh: Cnet

Suthira Taychakhoonavudh (trái) và Waranyoo Phoolcharoen - hai nhà đồng sáng lập của Baiya Phytopharm - Ảnh: Cnet

Startup 3 năm tuổi này nhận được vốn đầu tư từ các cựu sinh viên Đại học Chulalongkorn và Chính phủ Thái Lan. Ngoài ra, công ty cũng huy động được khoảng 3 triệu USD qua gọi vốn cộng đồng.

Tháng 12/2021, Baiya đã hoàn tất thử nghiệm giai đoạn một trên người với vaccine Covid-19 từ lá cây của mình. Hiện tại, trên thế giới chưa có loại vaccine nào có nguồn gốc từ lá cây, dù có ít nhất một loại đang được nghiên cứu.

“Đến nay, tất cả các tình nguyện viên đều an toàn. Và nhìn vào kết quả này, chúng tôi cảm thấy rất hài lòng”, bà Suthira chia sẻ.

Nhà sáng lập trẻ này cũng nói thêm rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định về hiệu quả của vaccine nhưng mục tiêu của công ty là lấy các loại vaccine hiện có trên thế giới làm chuẩn.

Baiya dự kiến bắt đầu các cuộc thử nghiệm giai đoạn hai vào tháng 2 và thử nghiệm giai đoạn ba vào tháng tháng 6 tới. Công ty này cũng hy vọng có thể nộp dữ liệu lên Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Thái Lan để xin cấp phép lưu hành vacccine vào quý 3 hoặc 4/2022.

Baiya cho biết có thể nhanh chóng tăng công suất sản xuất nếu vaccine được cấp phép. Hiện tại, các cơ sở của công ty có thể sản xuất khoảng 5 triệu liều vaccine mỗi tháng, tức khoảng 60 triệu liều mỗi năm.

“Baiya muốn chứng minh rằng Thái Lan có thể phát minh ra các loại thuốc và vaccine mới để ứng phó với các vấn đề về y tế cộng đồng. Công ty cũng đang sử dùng cây thuốc lá để phát triển thuốc chống ung thư và chống lão hóa”, bà Suthira nói.

Cũng như nhiều startup khác, Baiya vẫn chưa có lãi nhưng Suthira cho biết mục tiêu của công ty không phải là tối đa hóa lợi nhuận, mà là xây dựng một ngành công nghiệp nghiên cứu đáng tin cậy tại Thái Lan, từ đó thu hút tài năng từ thế hệ trẻ.

“Chúng tôi muốn các sản phẩm dược của mình có mức giá phải chăng, không chỉ dành cho người Thái Lan mà còn cho cả những người ít có khả năng tiếp cận thuốc men”, nữ sáng lập của Baiya nhấn mạnh và cho biết các cơ sở hiện tại của công ty có thể cung ứng vaccine không chỉ cho Thái Lan mà cả khu vực.

Kể từ khi đại dịch bùng phát, các công ty, cơ sở nghiên cứu của Thái Lan đã phát triển nhiều loại vaccine Covid-19, trong đó đáng chú ý là 2 loại vaccine dạng xịt đường mũi được đưa vào thử nghiệm trên người từ cuối năm 2021. Đây là 2 loại vaccine do Trung tâm quốc gia về kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Thái Lan phát triển, dựa trên công nghệ vector virus tương tự như vaccine của AstraZeneca.

Các loại vaccine nội khác của Thái Lan, bao gồm loại sử dụng công nghệ mRNA của Đại học Chulalongkorn và loại dùng công nghệ virus bất hoạt của Đại học Mahidol, đều đang được thử nghiệm trên người.

Trong khi các loại vaccine nội vẫn đang được thử nghiệm, chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 của Thái Lan chủ yếu phụ thuộc vào vaccine Sinovac và Sinopharm của Trung Quốc cũng như vaccine AstraZeneca do công ty AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển. Còn vaccine công nghệ mRNA của Pfizer/BioNTech được dùng để tiêm mũi nhắc lại cho nhân viên tuyến đầu và người có nguy cơ cao.

Tính tới ngày 27/12/2021, gần 65% dân số Thái Lan đã được tiêm đầy đủ 2 mũi cơ bản và 8,9% đã được tiêm mũi nhắc lại, theo dữ liệu từ Our World in Data.

Có thể bạn quan tâm

  • Thế giới cần vaccine mới chống lại các biến chủng virus trong tương lai

    Thế giới cần vaccine mới chống lại các biến chủng virus trong tương lai

    04:00, 19/01/2022

  • Phát triển bền vững là “vaccine” của doanh nghiệp

    Phát triển bền vững là “vaccine” của doanh nghiệp

    00:46, 18/01/2022

  • Omicron ngăn cản chiến lược ngoại giao vaccine của Nga và Trung Quốc

    Omicron ngăn cản chiến lược ngoại giao vaccine của Nga và Trung Quốc

    03:28, 17/01/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Startup Thái Lan phát triển vaccine COVID-19 từ cây thuốc lá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO