Các startup ngoài nỗ lực cứu mình trong đại dịch VOVID -19, còn mong muốn góp sức cùng Chính phủ cứu lấy các doanh nghiệp, ngành nghề khác trên thị trường.
Bất chấp việc có hàng trăm doanh nghiệp bị tổn thương mỗi ngày, các startup bám trụ lại thị trường - ngoài nỗ lực cứu mình, còn mong muốn góp sức cùng Chính phủ cứu lấy các doanh nghiệp, ngành nghề khác trên thị trường.
Giữa tháng 8/2021, Hùng Trần - nhà sáng lập Got It AI, cùng STEAM for Việt Nam, Kompa Group, Filum và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Trung tâm công nghệ phòng chống dịch COVID-19 ra mắt nền tảng Giúp tôi!
Ứng dụng đã sẵn sàng trên App Store và CH Play, kết nối người có nhu cầu khám, chữa bệnh với người có khả năng giúp đỡ. Hiện tại, Giúp tôi! tập trung vào hỗ trợ y tế miễn phí cho những người bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
"Lực lượng y tế hiện nay đang rất bận, thế nhưng chỉ cần có 15 phút, họ bật ứng dụng lên là có thể giúp được một người. Nếu có rất nhiều 15 phút đó, chúng ta có thể giúp đỡ rất nhiều người", ông Hùng Trần, người đồng sáng lập dự án Giúp tôi! chia sẻ.
Ngay khi ứng dụng được đưa vào hoạt động, đã có hàng nghìn lượt tải về và đăng ký, với công suất xử lý khoảng 300 nghìn yêu cầu mỗi ngày. Các nhà sáng lập mong muốn dự án có thể thu hút được 10 đến 15 nghìn bác sĩ tình nguyện
Điểm thú vị của các nền tảng như Giúp tôi! đó là được chung tay xây dựng bởi cộng đồng startup Việt, các doanh nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ - đội ngũ tưởng chừng như rất mong manh trước các làn sóng dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Việt Nam.
Sự "mong manh" này thể hiện qua số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng qua, cho thấy trung bình mỗi ngày có khoảng 287 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể.
Bất chấp việc có hàng trăm doanh nghiệp bị tổn thương mỗi ngày, các startup, doanh nghiệp bám trụ lại thị trường - ngoài nỗ lực cứu mình, còn mong muốn góp sức cùng Chính phủ cứu lấy các doanh nghiệp, ngành nghề khác trên thị trường.
Nền tảng Giúp tôi! là minh chứng cho nỗ lực của cộng đồng startup Việt trong lĩnh vực y tế. Nhưng chỉ y tế thôi là chưa đủ. Bởi trải qua làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4, bài toán chống dịch ở Việt Nam sẽ ngày càng phức tạp hơn, trải rộng trên nhiều lĩnh vực hơn, từ logistics, thực phẩm, tài chính... cho tới an sinh xã hội.
Trong đó, sự tham gia của các startup Việt với bài toán chống dịch của toàn dân, toàn xã hội là rất cần thiết. Các sáng kiến, công nghệ chống dịch nếu được áp dụng vào đúng lúc, đúng chỗ sẽ phát huy tối đa hiệu quả, thay vì tiêu tốn tiền bạc, nguồn lực, con người.
Cứu mình cũng là cứu người
Ông Nguyễn Hoàng Trung - nhà sáng lập và CEO Loship chia sẻ: "Khi đại dịch đến, startup là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất: vừa đối mặt với những khó khăn do COVID-19 gây ra, vừa trong tâm thế duy trì hoạt động kinh doanh và thắt chặt chi phí để trụ vững qua dịch.
CEO Loship đánh giá, việc các startup nỗ lực làm tốt công việc của mình, đảm bảo an toàn và chăm sóc nhân viên một cách tốt nhất; không cắt giảm hoặc sa thải nhân sự; không tạo thêm gánh nặng cho cuộc sống của nhân viên,... cũng là cách mà startup thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Hơn thế, những startup công nghệ có thể dùng chính công nghệ và nguồn lực sẵn có của mình để giúp đỡ người dân và cộng đồng. Như Loship có thể tận dụng hạ tầng kỹ thuật của mình để duy trì vận chuyển hàng hóa thiết yếu, giúp các doanh nghiệp thực phẩm vừa và nhỏ vẫn hoạt động được, góp phần hạn chế nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.
Đặc biệt, các startup công nghệ vận chuyển như Loship cùng phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội nông sản giúp "giải cứu" hàng hoá, giảm bớt nỗi lo và gánh nặng cho nông dân.
Hoặc những startup trong các lĩnh vực khác như fintech (công nghệ tài chính), healthtech (chăm sóc sức khỏe), edtech (giáo dục),... đều là những nền tảng quan trọng góp phần phục vụ đời sống của người dân.
Còn theo ông Trần Văn Viển - đồng sáng lập Base.vn, vai trò của các startup Việt trong đại dịch COVID-19 chính là hỗ trợ các doanh nghiệp khác duy trì hoạt động quản trị và vận hành không bị gián đoạn. Ở đây, việc "hỗ trợ" được thể hiện trên nhiều mặt.
Base giúp các doanh nghiệp triển khai công nghệ và chuyển đổi số càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, Base hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính thông qua gói giải pháp eCovax - dành tặng 1 năm sử dụng với một số ứng dụng then chốt cho doanh nghiệp, giúp vận hành, kinh doanh không gián đoạn.
"Các startup như Base sẽ thể hiện vai tròlà hậu phương của doanh nghiệp. Trong bất cứ hoàn cảnh nào,chúng tôi đều cố gắng hỗ trợ họ vận hành trơn tru về mặt công nghệ. Chúng tôi coi sự sống còn của khách hàng chính là sự sống còn của mình, từđó không ngừng nỗ lực để trở thành hậu phương vững chắc nhất cho họ", ông Trần Văn Viển nói.
Sáng kiến trong dịch bệnh
Ông Lê Ngọc Hải - CEO Doctor Anywhere Việt Nam nêu sáng kiến trong lĩnh vực y tế. Theo đó, để có thể làm tốt việc tư vấn sức khỏe, thì đầu tiên là phải phân loại được người bệnh theo nhu cầu thăm khám, và cần sử dụng công nghệ.
Cơ chế tư vấn là ứng dụng sẽ kết hợp với các bác sĩ có kinh nghiệm, bác sĩ theo sát tình hình của bệnh nhân, đưa ra những chỉ định chăm sóc sức khỏe tại gia phù hợp không chỉ cho người bệnh mà cho cả người nhà bệnh nhân 24/7.
Về hoạt động điều trị, CEO Doctor Anywhere Việt Nam cho rằng, cần có các dịch vụ giao thuốc tận nhà, ngoài những nhà thuốc truyền thống. Như Doctor Anywhere đã bắt đầu thực hiện đẩy hoạt động bán thuốc lên nền tảng online vào giữa năm 2020.
Sau gần nửa năm xây dựng, triển khai; hệ thống nhà thuốc online của Doctor Anywhere Vietnam đã phần nào góp sức trong việc tiện lợi hóa quy trình chăm sóc sức khỏe của người dân Việt Nam; đặc biệt tại thời điểm dịch bùng phát.
Trong khi đó, CEO Loship - ông Nguyễn Hoàng Trung đề xuất cung cấp miễn phí hạ tầng công nghệ và lực lượng giao hàng phục vụ việc đi chợ hộ.
"Là một doanh nghiệp công nghệ hoạt động trong lĩnh vực giao nhận, Loship biết rằng sự can thiệp của công nghệ vào thời điểm này là điều cần thiết. Vì vậy, Loship hy vọng có thể đóng góp nguồn lực và tài nguyên cơ sở hạ tầng kỹ thuật sẵn có của mình, phối hợp cùng chính quyền địa phương triển khai mô hình đi chợ hộ cho người dân thông qua ứng dụng Loship", ông Nguyễn Hoàng Trung nói.
Ngoài ra, Loship đang nỗ lực hỗ trợ số hóa những cửa hàng truyền thống, tạo điều kiện cho các tiểu thương kinh doanh trên nền tảng online. Bởi thực tế rất nhiều tiểu thương cảm thấy khó khăn khi chuyển đổi sang mô hình online vì họ không quen với công nghệ.
"Loship đã đơn giản hóa quy trình chuyển đổi, làm cho việc kinh doanh online trên nền tảng Loship trở nên thuận tiện và dễ sử dụng nhất có thể. Khi dịch vụ ăn uống tại chỗ bị tạm dừng, các cửa hàng có thể mở online trên nền tảng Loship, từ đó tiếp cận với mạng lưới khách hàng và đội ngũ tài xế rộng lớn của Loship, duy trì được hoạt động kinh doanh", CEO Loship chia sẻ.
Bên cạnh đó, khi TP. HCM và nhiều tỉnh thành có chỉ thị tạm dừng dịch vụ bán mang về, Loship đã hỗ trợ nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống chuyển đổi mô hình sang bán rau củ quả & hàng hóa thiết yếu. Việc đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh, chuyển hướng sang các mặt hàng thiết yếu là bước đi kịp thời với tình thế hiện tại, giúp các tiểu thương, chủ cửa hàng vừa và nhỏ có thể trụ vững qua đại dịch.
Về phía Base, ông Trần Văn Viển cho biết, startup này đang triển khai các chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số ở từng địa phương, như Hà Giang, Quảng Nam, Lào Cai... với mong muốn góp phần đưa các địa phương trở thành những tỉnh đi đầu về chuyển đổi số.
"Base giúp các địa phương gia tăng tỷ lệ xử lý hồ sơ và giải quyết các dịch vụ công, số hóa quy trình vận hành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, y tế... nghiên cứu và phát triển các hình thức kinh doanh mới dựa trên thương mại điện tử, góp phần nâng cao tính minh bạch và tăng hiệu suất công việc", ông Trần Văn Viển chia sẻ.
Ngoài ra, Base còn cùng với các cơ quan chức năng tham gia các hội thảo, họp bàn... để lắng nghe nhu cầu cụ thểcủa từng doanh nghiệp để có chiến lược hỗ trợ phù hợp nhất.
Tận dụng sức mạnh số
Điểm chung của Loship, Base hay Doctor Anywhere Việt Nam chính là tận dụng yếu tố công nghệ, nhằm giải quyết các bài toán ngày thường, cũng như trong giai đoạn dịch bệnh. Công nghệ cũng chính là thành tố tiên quyết được Chính phủ đặt ra trong việc phòng và chống dịch trong thời gian tới.
Như sáng kiến của Loship là tận dụng sẵn ứng dụng dành cho từng đối tượng sử dụng bao gồm: Khách hàng (người mua hàng), Người đi chợ hộ (shipper), và Chủ cửa hàng.
Như vậy, quy trình đặt hàng - mua hàng - nhận hàng - thanh toán sẽ được tự động hoá, giảm thiểu gánh nặng trong khâu vận hành và giúp cho việc lưu thông hàng hoá thiết yếu đến tay người dân hiệu quả hơn.
"Nền tảng công nghệ của Loship được thiết kế bởi người Việt nên chúng tôi tin rằng nền tảng của chúng tôi phù hợp với nhu cầu người Việt hơn, đồng thời cũng dễ sử dụng với người đi chợ hộ nếu lần đầu sử dụng", CEO Loship chia sẻ.
Tương tự, CEO Doctor Anywhere Việt Nam đề cao việc "chỉ thông qua một ứng dụng duy nhất, bệnh nhân có thể tiếp cận nhiều tiện ích thăm khám". Có thể kể đến 3 lợi ích chính, bao gồm: thăm khám trực tuyến, nhận thuốc giao tận tay và lưu trữ lịch sử khám bệnh.
"Hỗ trợ bệnh nhân gặp bác sĩ dưới 5 phút chờ, nhận thuốc giao tận tay trên phạm vi toàn quốc - hai dịch vụ cốt lõi của DA như tôi đề cập ở trên là yếu tố khiến DA tự tin khẳng định có thể hỗ trợ giảm áp lực với cơ sở y tế tuyến đầu, là chức năng thiết thực trong dịch bệnh, giúp bệnh nhân hạn chế tiếp xúc, lây nhiễm chéo", CEO Lê Ngọc Hải nói.
Trong khi đó, ông Trần Văn Viển tự tin với hệ sinh thái của Base với hơn 50 sản phẩm giải quyết sâu từng bài toán khác nhau của doanh nghiệp.
Bộ Base Work+ - Bộ giải pháp quản trị công việc, quy trình và dự án toàn diện được rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhằm dễ dàng theo dõi tiến độ công việc và hiệu suất của nhân viên, duy trì tương tác nội bộ, đặc biệt giúp tháo gỡ nút thắt gây tắc nghẽn quy trình giữa các bộ phận, phòng ban khi vận hành từ xa.
Trong gói giải pháp eCovax, bên cạnh các sản phẩm của FPT, Base Request - Ứng dụng giúp tối ưu quy trình tạo và duyệt đề xuất cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Ứng dụng Base Request giúp doanh nghiệp số hoá quytrình phê duyệt nội bộ, thiết lập các form biểu mẫu trên phần mềm, tăng tốc độxử lý thông tin khi phát sinh yêu cầu, đề xuất. Tại đây, quy trình Tạo - Xử lý- Phê duyệt diễn ra nhanh chóng ngay trên nền tảng online mà người duyệt khôngcần phải có mặt trực tiếp.
https://theleader.vn/startup-vua-no-luc-bam-tru-thi-truong-vua-chung-tay-chong-dich-covid-19-1631527451587.htm
Có thể bạn quan tâm