Sử dụng hóa đơn điện tử còn nhiều băn khoăn

Mai Hằng 06/10/2018 01:00

Ngày 1/11/2020 là thời điểm cuối cùng các doanh nghiệp phải hoàn thành việc tổ chức thực hiện sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.

Tuy nhiên, hiện việc áp dụng hóa đơn điện tử đang còn những điểm doanh nghiệp phải băn khoăn.

Theo quy định Nghị định 119/2018, lộ trình chuyển đổi từ việc sử dụng hóa đơn tự in, hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử được thực hiện trong vòng 24 tháng, từ ngày 1/11/2018 đến 1/11/2020.

Thuận tiện cả đôi đường

Theo ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, thời gian qua, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã lựa chọn một số doanh nghiệp lớn thuộc các lĩnh vực điện lực, viễn thông, hàng không… là các doanh nghiệp bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ đến người tiêu dùng cuối cùng, các doanh nghiệp phát sinh khối lượng hóa đơn giấy lớn, có hạ tầng công nghệ thông tin phát triển để tham gia triển khai thí điểm hóa đơn điện tử và hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế.

Đến nay, việc triển khai hóa đơn điện tử của các doanh nghiệp được khách hàng chấp thuận, mang lại hiệu quả thiết thực về thời gian và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Về phía khách hàng, thói quen sử dụng hóa đơn giấy của khách hàng đã dần thay đổi, khách hàng đã hợp tác hơn với doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử. Bên cạnh đó, việc sử dụng hóa đơn điện tử đã giúp khách hàng thuận tiện trong thanh toán, khách hàng có thể truy cập vào Website của bên bán để xem và tải hóa đơn khi cần do đó khách hàng không phải lưu trữ, bảo quản hóa đơn, tránh rủi ro mất hóa đơn và tiết kiệm được chi phí do không phải in ra giấy.

Doanh nghiệp muốn có sự bảo đảm của cơ quan thuế

Mặc dù đem lại nhiều tiện ích, tuy nhiên, việc áp dụng hóa đơn điện tử vẫn còn một số điểm khiến doanh nghiệp phải băn khoăn. Theo Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa - TGĐ đại lý thuế Trí Nguyễn, để sử dụng hóa đơn điện tử, trước hết các doanh nghiệp cần phải lựa chọn tổ chức cung cấp chứng thư số (T-VAN) hợp pháp, đáng tin cậy để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều tổ chức cùng quảng cáo dịch vụ cung cấp giải pháp HĐĐT mà doanh nghiệp không thể phân biệt, đâu là đáng tin cậy để ký hợp đồng. Hơn nữa, một số chỉ tiêu mà người sử dụng không thể kiểm chứng được như: hệ thống thiết bị, kỹ thuật; năng lực của đội ngũ nhân sự kỹ thuật; khả năng sao lưu dữ liệu, khôi phục dữ liệu; an toàn hệ thống luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp, nếu xảy ra sự cố. Do đó, doanh nghiệp cần có sự đảm bảo của cơ quan thuế khi công bố các nhà cung cấp đủ điều kiện.

  Pháp luật hiện hành chưa có qui định về ủy quyền ký của người chuyển đổi, nên việc ký trên HĐĐT không có nhiều giá trị pháp lý. 

Thực tế sử dụng HĐĐT của một số đơn vị đã phát sinh một số trục trặc như: hóa đơn chuyển đi không đúng địa chỉ, hệ thống của đơn vị cung cấp bị lỗi, nhất là sự cố mất điện. Điều này đòi hỏi đơn vị cung cấp (hoặc cơ quan thuế) cần soạn thảo cẩm nang sử dụng phần mềm HĐĐT để doanh nghiệp có thể xử lý khi cần thiết.
Bên cạnh đó, khi thiết kế và sử dụng HĐĐT, một số doanh nghiệp gặp khó khi ký xác nhận trên hóa đơn. Theo quy định thì HĐĐT chỉ được sử dụng chữ ký số, ngoại trừ HĐĐT chuyển đổi có chữ ký tươi của người chuyển đổi (có thể có dấu bên bán), không có chữ ký người đại diện bên bán. Tuy nhiên, pháp luật chưa có qui định về ủy quyền ký của người chuyển đổi, nên việc ký trên HĐĐT không có nhiều giá trị pháp lý. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp mua hàng đều yêu cầu cung cấp HĐĐT chuyển đổi in giấy, thậm chí còn yêu cầu có chữ ký và đóng dấu ở phần chữ ký người bán như hóa đơn đỏ trước kia. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sử dụng hóa đơn điện tử còn nhiều băn khoăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO