Khi sửa đổi Luật Dược, cần rà soát nội dung chính sách với các luật có liên quan để bảo đảm “luật này mở ra nhưng không khép luật khác lại, các luật phải đồng bộ”.
Theo đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (Dự thảo) được xây dựng trên cơ sở 5 chính sách lớn đã được trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 7, tiếp tục thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 này.
Cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, hầu hết các nội dung của Dự thảo sau chỉnh lý đã đạt được sự thống nhất của các cơ quan, trừ nội dung về quy mô dự án đầu tư mới trong phát triển công nghiệp dược được áp dụng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt. Trong đó, ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu đều thể hiện việc đồng tình cần có sự đột phá trong ưu đãi nhằm phát triển ngành công nghiệp dược.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện khoản 1 Điều 8 theo Phương án 1 (phương án được đa số đại biểu lựa chọn) là cho phép áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với dự án thành lập mới trong lĩnh vực dược có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
Trong khi đó, tại Báo cáo số 1412/BC-BYT ngày 29/10/2024, Bộ Y tế nêu lại quan điểm chọn Phương án 2 của Chính phủ (Báo cáo số 529/BC-CP ngày 27/9/2024). Theo đó, Dự thảo không quy định quy mô cụ thể mà dẫn chiếu áp dụng theo Luật Đầu tư, nghĩa là chỉ được áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với dự án thành lập mới có vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư (gấp 10 lần quy mô vốn so với phương án 1).
Nêu quan điểm về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng lưu ý, một trong những nhiệm vụ đặt ra trong sửa đổi, bổ sung Luật Dược lần này là để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng. Trong đó, Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước năm 2030, tầm nhìn 2045 đã nêu rõ “chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, trong đó có công nghiệp sinh học tập trung vào gen, dược phẩm và các chế phẩm sinh học”.
Để thể chế hóa chủ trương của Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, tại Dự thảo cần quy định quy mô dự án đầu tư mới trong phát triển công nghiệp dược được áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt, không thể để quy định tại Luật Đầu tư. Bởi, quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt tại Điều 20 của Luật Đầu tư hiện hành là chính sách ưu đãi đầu tư chung. Trong khi đó, chính sách phát triển công nghiệp dược là một chính sách riêng cho ngành, lĩnh vực, nên không thể quy định tại luật chung.
Tán thành với quy định tại khoản 1 Điều 8 sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, quy định này được đưa ra trên cơ sở tham khảo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 20 của Luật Đầu tư về chính sách áp dụng cho các trung tâm đổi mới sáng tạo, là một lĩnh vực rất được ưu tiên hiện nay. Tuy nhiên, tại Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này chưa đưa lĩnh vực dược vào những lĩnh vực được áp dụng ưu đãi về thuế suất.
“Nếu Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) tới đây vẫn giữ nguyên như Dự thảo bây giờ thì có nghĩa là khoản 1 Điều 8 sửa đổi này là vô nghĩa, vì không được ưu tiên. Chỗ này phải xử lý đồng bộ giữa các Dự thảo Luật thì mới thực hiện được chính sách ưu đãi đặc biệt với dự án thành lập mới trong lĩnh vực dược”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng, cần có sự đột phá trong ưu đãi nhằm phát triển ngành công nghiệp dược. Cụ thể, về quy mô dự án đầu tư mới trong phát triển công nghiệp dược được áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt, cần cho phép áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với dự án thành lập mới trong lĩnh vực dược có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo đại diện VCCI, trong việc sửa đổi Luật Dược lần này cần tạo ra một cơ chế ưu đãi đặc thù cho ngành dược, nếu áp dụng mức hỗ trợ quá cao theo quy định của Luật Đầu tư thì sẽ không phù hợp với thực tế và khó thu hút được nhà đầu tư. Qua khảo sát các dự án đầu tư trong khu vực, quy mô đầu tư trung bình vào ngành dược là khá khiêm tốn. Do đó, việc quy định một mức hỗ trợ phù hợp và cụ thể trong Luật Dược sẽ tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn.
“Ngoài ra, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành cũng chưa có cơ chế ưu đãi rõ ràng cho ngành dược, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Việc đưa ra quy định ưu đãi đặc thù cho ngành dược trong Luật Dược sẽ giúp thu hút đầu tư, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dược Việt Nam”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng mong muốn, trong sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp tới đây cần quan tâm đưa lĩnh vực dược vào danh mục các lĩnh vực được ưu đãi về thuế suất, tránh câu chuyện bên này quy định nhưng bên kia không có thì quy định tại dự thảo Luật chỉ mang tính chất hình thức và không đi vào thực tiễn được.